Hiện nay theo học chế tín chỉ, người học chẳng những vừa tham gia trên lớp, mà còn có trách nhiệm tự học trong tất cả các môn học của chương trình đào tạo đại học, nên việc xây dựng và thúc đẩy động lực học tập rất quan trọng, có tác dụng thôi thúc cả hai nhiệm vụ học trên lớp và tự học đối với từng sinh viên.
Để mỗi sinh viên trong khoa có động lực học tập đúng đắn và hiệu quả nhất thì cần có sự tác động, hỗ trợ của rất nhiều yếu tố. Hiện nay, quan điểm dạy học đang hướng tới việc lấy người học làm trung tâm, coi người học là chủ thể của quá trình dạy và học. Giảng viên chỉ dạy những kiến thức cơ bản, đóng vai trò hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra quá trình học, không làm thay người học. Người học phải tự điều chỉnh quá trình tiếp thu kiến thức, tham khảo mở rộng kiến thức theo các tài liệu sách báo dưới sự điều khiển sư phạm của giảng viên. Giảng viên nêu ra vấn đề, sinh viên tập giải quyết vấn đề. Có sự đối thoại giữa giảng viên và sinh viên, giữa sinh viên với sinh viên. Việc dạy ở đại học là dạy cho sinh viên cách thức đi tới sự hiểu biết, coi trọng sự khám phá và khai phá trong học thuật; giúp sinh viên có kỹ năng thực hành và thái độ thực tiễn trong nghề nghiệp; rèn cho sinh viên phong cách độc lập, sáng tạo, linh hoạt trong nhận thức và hành động, biết mềm hoá tư duy và tùy cơ ứng biến; dạy phương pháp nghiên cứu đi từ phân tích đối tượng và môi trường để tìm giải pháp đồng bộ giải quyết những tình huống đa chiều. Khi xác định được động lực học tập đúng đắn, người học sẽ biết đâu là cái đích để họ hướng đến và làm thế nào để họ đạt được đến đích đó.