Đi đôi với việc xây dựng đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giáo trình là yêu cầu đổi mới cơ bản phương pháp dạy – học. Định hướng cơ bản trong đổi mới phương pháp giảng dạy theo học chế tín chỉ là tích cực chuyển từ lối truyền đạt kiến thức một chiều từ phía giảng viên sang việc tăng cường tổ chức các hoạt động học tập cho sinh viên, phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên.
Trong quá trình hình thành và nâng cao năng lực học tập cho sinh viên, vai trò của người thầy là rất quan trọng. Mỗi giảng viên cần giáo dục cho sinh viên xác định động lực học tập một cách đúng đắn. Giảng viên phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học, rèn luyện cho sinh viên kỹ năng tự học, giáo viên nên tăng cường các hình thức dạy học nhóm, trao đổi thảo luận, nêu lên chính kiến của mình... Điều này sẽ buộc sinh viên phải nghiên cứu tài liệu, phân tích, mổ xẻ các vấn đề trên nhiều khía cạnh khác nhau để có thể tham gia đóng góp hoặc tranh luận để bảo vệ ý kiến của mình. Từ đó thúc đẩy tinh thần học tập của sinh viên.
Để định hướng cho sinh viên xác định đúng đắn động cơ học tập của bản thân, giảng viên cần tìm hiểu sinh viên mong muốn học tập để làm gì? Những yếu tố nào khiến sinh viên có mong muốn đó. Từ đó gợi ý giúp sinh viên lựa chọn động lực học tập đúng đắn và phù hợp. Sau đó giảng viên cần đề ra kế hoạch dạy học cụ thể toàn bộ học phần (hoặc từng chương), cung cấp trước cho sinh viên nghiên cứu để biết mình sẽ làm gì và làm như thế nào trong quá trình học tập bộ môn.
Thực tế công tác giảng dạy ở Khoa Khoa học quản lý cũng đã chuyển đổi tích cực, từ khâu xây dựng chương trình đào tạo đến các giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp theo phương thức đào tạo theo tín chỉ. Với quan niệm ấy, nội dung chương trình đào tạo được chú ý theo hướng tăng kỹ năng thực hành; xem trọng công tác tham quan thực tế, tổ chức các báo cáo chuyên đề, trao đổi học thuật, thông tin khoa học với các
chuyên gia đầu ngành…Điều này giúp sinh viên đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công việc sau khi ra trường.
Do Khoa quản lý nhiều chuyên ngành đào tạo vì thế giảng viên cần căn cứ vào điều kiện cụ thể và đặc trưng của từng chuyên ngành để vận dụng phối hợp các phương pháp giảng dạy đa dạng: diễn giảng, thuyết trình nêu vấn đề, thảo luận nhóm, nghiên cứu tình huống, báo cáo seminar…đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả của đổi mới phương pháp giảng dạy.
Phương châm “lấy người học làm trung tâm” là việc đáp ứng cho việc giảng dạy theo học chế tín chỉ trong thời đại ngày nay. Một khi cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường tương đối đầy đủ, sẵn sàng đáp ứng cho việc tự học thì giảng viên là nhân tố quyết định sự thành công của đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo theo học chế tín chỉ. Vì vậy, mỗi giảng viên cần nhận thức một cách đúng đắn tính tất yếu của việc đổi mới, từ đó chủ động suy nghĩ, tìm tòi, vận dụng linh hoạt các phương pháp phù hợp theo các ngành nghề khác nhau nhằm giúp sinh viên biết cách tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo…trong quá trình học tập. Để hòa nhịp với yêu cầu đổi mới này, lực lượng giảng viên cần nắm vững phương pháp dạy học để :
- Dạy có nội dung chọn lọc - Dạy có phương pháp phù hợp
- Dạy phương pháp học môn học nhằm tạo cho người học có tiềm năng tự phát triển học vấn.