- Những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách
3.2.1.1. Những doanh nghiệp quan trọng cần duy trì 100% vốn nhà nước
Đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động ở những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng, chiếm thị phần khá lớn đối với các sản phẩm và dịch vụ chủ yếu cần tiếp tục duy trì 100% vốn nhà nước, gồm các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sau:
* Lĩnh vực lâm nghiệp
Công ty Lâm Công nghiệp Long Đại, là một doanh nghiệp kinh doanh gắn với vùng lãnh thổ lớn phía Tây Nam của tỉnh, vừa quản lý, bảo vệ phát triển tài nguyên rừng, khai thác, chế biến kinh doanh các loại lâm sản và tài nguyên khác trong lâm phần, vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội với nhiều lao động và dân cư (trong đó có đồng bào dân tộc). Hiện tại Công ty có 7 Lâm trường và 9 đơn vị sản xuất công nghiệp - dịch vụ nghề rừng, ngoài việc tổ chức sắp xếp kiện toàn theo Nghị định 178/CP là xác định lại quy mô, diện tích quản lý rừng của các lâm trường trên cơ sở đó giao cho công ty tổ chức và quản lý phù hợp với quy định Nhà nước.
Hướng sắp xếp trong thời gian tới là: Tiến hành thu gọn đầu mối từ các Lâm trường kinh doanh và các Xí nghiệp sản xuất công nghiệp đồng thời vẫn phát huy năng lực của các cơ sở hiện có.
* Lĩnh vực nông nghiệp
Công ty Cao su Việt Trung, tiếp tục duy trì 100% vốn nhà nước, ngoài nhiệm vụ được giao, công ty cần tiếp tục thực hiện một số dự án, cụ thể là: Dự án liên doanh chế biến gỗ cao su và gỗ rừng trồng để xuất khẩu trực tiếp; dự án xây dựng nhà máy chế mủ cao su để đảm bảo đầu ra cho cao su tiểu điền và nâng cao giá trị xuất khẩu; tiếp tục nghiên cứu đưa vào thực hiện một số số dự án khác để đa dạng hóa ngành nghề kinh
doanh, phù hợp với yêu cầu thị trường và khả năng của doanh nghiệp đặc biệt các dự án tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu như mía, sắn, hồ tiêu…
Công ty Cao su Lệ Ninh, trên cơ sở vẫn duy trì 100% vốn nhà nước nhưng cần tập trung mọi tiềm lực về tài chính, con người nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tiếp tục đưa vào thực hiện các dự án tạo giống và chăn nuôi lợn nạc xuất khẩu; tham gia tích cực các dự án cao su tiểu điền, tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu khác.
* Lĩnh vực chế biến hải sản và dịch vụ nuôi trồng thủy sản xuất khẩu
Công ty sông Gianh, là doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp, có nhiều đơn vị thành viên trong cả nước, ngoài sản xuất phân vi sinh, nhiệm vụ trọng tâm của Công ty hiện nay là tổ chức sản xuất hàng hải sản xuất khẩu bao gồm cả tổ chức tạo giống tôm và nuôi trồng nguyên liệu theo hướng công nghiệp. Do vậy hướng tổ chức sắp xếp là:
Duy trì vốn Nhà nước đối với Nhà máy thủy sản Đông lạnh Sông Gianh, tạo điều kiện để công ty tổ chức dịch vụ nghề cá và tổ chức nuôi trồng các loại thủy sản, vừa chủ động nguồn nguyên liệu vừa tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và làm nhiệm vụ chủ lực chế biến hải sản xuất khẩu, dịch vụ nuôi trồng và nghề cá phía Bắc của tỉnh.
Đối với các xí nghiệp thành viên của công ty, nhất là các xí nghiệp kinh doanh ở ngoại tỉnh cần cũng cố sắp xếp lại phù hợp với yêu cầu đổi mới để có phương án đầu tư cũng như phương án cổ phần hóa những xí nghiệp thành viên có điều kiện.
Công ty Kinh doanh tổng hợp Quảng Bình, là doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu ở các lĩnh vực như: Khách sạn - nhà hàng, kinh doanh xuất nhập khẩu và hiện đang thực hiện dự án: Đông lạnh thủy sản và súc sản.
Hướng tổ chức sắp xếp là: Trong năm 2003 thực hiện giai đoạn 1 dự án xây dựng dây chuyền sản xuất hải sản xuất khẩu, sau đó tiếp tục giai đoạn 2 chế biến súc sản đông lạnh xuất khẩu làm dịch vụ đầu ra cho ngành chăn nuôi của tỉnh. Khi nhà máy đi vào sản xuất kinh doanh ổn định sẽ sáp nhập Xí nghiệp Đông lạnh Đồng Hới (tách từ Công ty Xuất
nhập khẩu tỉnh) vào để tập trung đầu mối và tăng quy mô, đồng thời thực hiện việc di dời xí nghiệp này ra khỏi nội thị theo đúng luật bảo vệ môi trường của Nhà nước.
Đi đôi với dự án đông lạnh, Công ty sẽ tiến hành xây dựng và thực hiện Dự án nuôi tôm công nghiệp để chủ động nguồn nguyên liệu, đây là đơn vị chủ lực chế biến thủy sản, súc sản xuất khẩu cho vùng trung tâm và phía Nam tỉnh.
* Lĩnh vực sản xuất công nghiệp - thương mại - xuất khẩu
- Công ty Thương mại tổng hợp Quảng Bình, là doanh nghiệp từ chuyên làm thương mại đã chuyển đổi cơ cấu đầu tư cho sản xuất công nghiệp bằng các dự án lớn là Nhà máy thanh nhôm định hình (công suất ban đầu là 2000 tấn/năm, hiện đang đầu tư chiều sâu nâng lên 3500 tấn/năm) và dự án liên danh sản xuất 13 loại phụ tùng, đồng thời lắp ráp xe gắn máy có khả năng thu hút trên 1000 lao động trẻ.Hướng sắp xếp là:
Nhà máy nhôm cần giữ 100% vốn Nhà nước, đây vừa là sản phẩm công nghiệp vừa thay thế hàng nhập khẩu, vừa thay thế nguyên liệu gỗ có thị trường rộng cả nước và có khả năng xuất khẩu. Cần tăng cường, ổn định sản xuất theo công suất đã mở rộng, đạt chất lượng tốt, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao.
Nhà máy sản xuất phụ tùng và lắp ráp xe gắn máy: Có quy mô sản xuất 360.000 bộ phụ tùng và lắp ráp khoảng 300.000 xe gắn máy hàng năm. Đây là dự án liên danh với nước ngoài theo hình thức góp vốn cổ phần, trong đó phía Việt Nam có vốn góp chi phối (60/40), tuy vậy, phần vốn Nhà nước của tỉnh còn thấp (20%). Để có thể nắm cổ phần chi phối, bảo đảm lợi ích lâu dài, tỉnh cần có phương án tăng thêm vốn cổ phần hàng năm từ lợi nhuận được chia.
Sau khi hoàn thành hai dự án trên, Công ty Thương mại tổng hợp nên xem xét để xây dựng một số dự án sản xuất khác như: Đúc nhôm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nhôm thanh nhằm tận dụng nhôm phế liệu và giảm nhập khẩu; sản xuất hàng điện tử và đồ điện dân dụng; tinh chế một số loại khoáng sản và thực hiện một số dự án liên doanh khác với nước ngoài phù hợp với thị trường bằng nguồn vốn kinh doanh cổ phần hoặc nguồn vốn ưu đãi.
- Công ty Du lịch Quảng Bình, là doanh nghiệp làm nhiệm vụ chủ lực trong lĩnh vực khai thác tiềm năng du lịch, một ngành rất quan trọng của tỉnh, trước mắt vẫn cần nắm giữ 100% vốn nhà nước, khi ổn định sẽ cổ phần hóa một số đơn vị thành viên. Hướng tổ chức sắp xếp là:
Củng cố và tăng cường bộ máy tổ chức quản lý, xây dựng và thực hiện tốt các dự án đầu tư, trước hết là khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng; Suối nước nóng Bang - Thanh Sơn. Chú trọng tăng thêm các sản phẩm du lịch, mở rộng các tuyến, các tua, các loại hình du lịch quan trọng khác theo quy hoạch được duyệt. Tăng cường mở rộng du lịch lữ hành, du lịch với Lào, Thái Lan…
Nâng cấp các nhà hàng, khách sạn về quy mô và chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước, nghiên cứu cổ phần hóa một số đơn vị thành viên khi có điều kiện.
- Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Bình, về cơ bản vẫn giữ nguyên doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, nhưng trước mắt cần chấn chỉnh và nâng cao công tác tổ chức, quản lý, đảm bảo kinh doanh xuất nhập khẩu có trọng điểm và hiệu quả. Có phương án cụ thể về tổ chức sản xuất và kinh doanh một số mặt hàng chủ lực của tỉnh, nhất là những sản phẩm từ các chương trình kinh tế của tỉnh trong nông, lâm, ngư, nghiệp, thủ công nghiệp, hải sản… Tích cực mở rộng tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.
Tiếp tục thực hiện một số dự án sản xuất công nghiệp, gắn liền với nhiệm vụ địa phương và tăng hàng xuất khẩu như: Dự án sản xuất bột cá 1.000 - 2.000 tấn/năm, dự án ván tre ép 3.000 m3/năm, dự án vùng tre nguyên liệu và một số dự án khác phù hợp với năng lực doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Đối với doanh nghiệp nhà nước kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa cần tiếp tục duy trì 100% vốn nhà nước, gồm các doanh nghiệp sau:
- Cảng Quảng Bình, là đơn vị quản lý hạ tầng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước cần giữ 100% vốn. Phương án đổi mới, phát triển là: Củng cố tăng cường đội ngũ cán bộ chủ chốt có đủ năng lực để phát triển dịch vụ hệ thống Cảng Quảng Bình một cách tốt nhất phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực và quy mô Cảng Gianh để phục vụ tốt cho xây dựng, sản xuất xi măng và hàng hóa nhập khẩu khác.
- Công ty Xổ số kiến thiết, là doanh nghiệp có vốn Nhà nước 100% theo quy định chung. Phương án đổi mới phát triển là tổ chức có hiệu quả các loại hình xổ số theo mô hình thị trường chung vào đầu năm 2005.
- Công ty Cấp thoát nước, trước mắt đang làm nhiệm vụ chủ dự án cấp thoát nước ở thị xã Đồng Hới và các dự án nước ở trung tâm các huyện thị, sau khi các dự án hoàn thành, Công ty làm nhiệm vụ kinh doanh cấp nước, nhiệm vụ thoát nước ở thị xã Đồng Hới sẽ giao cho Công ty công trình công cộng thực hiện.
- Công ty Dược phẩm Quảng Bình, là doanh nghiệp nhà nước sản xuất và kinh doanh thuốc chữa bệnh, hiện đang thực hiện Dự án sản xuất thuốc viên và thuốc mỡ theo tiêu chuẩn GMP. Trước mắt Nhà nước vẫn giữ 100% vốn, khi có điều kiện sẽ thực hiện cổ phần theo hướng Công ty cổ phần Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
- Công ty Thương mại miền núi, sau khi sáp nhập thêm Công ty Thương mại Nam Quảng Bình, nhiệm vụ của Công ty Thương mại miền Núi là nòng cốt lưu thông hàng hóa nội địa và cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa. Do vậy, phương án tổ chức sắp xếp là: xây dựng mạng lưới kinh doanh các mặt hàng thiết yếu kể cả thu mua và chế biến hàng nông lâm sản cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn một cách hiệu quả theo đúng chế độ, chính sách của Đảng Nhà nước.
- Công ty In Quảng Bình, là một doanh nghiệp thuộc ngành văn hóa, được giao nhiệm vụ in ấn báo chí và các ấn phẩm thuộc lĩnh vực chính trị - xã hội. Hướng tổ chức, sắp xếp là: Thực hiện chuyển đổi Công ty In thành Công ty cổ phần, trong đó Nhà nước có cổ phần chi phối (51%) vào cuối năm 2004.