Các biện pháp sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn từ 1990 đến nay được chia thành 3 đợt sau:
- Đợt thứ nhất, thực hiện trong giai đoạn 1991-1993 theo Quyết định 315/HĐBT (9-1990) về giải thể và tổ chức lại những doanh nghiệp nhà nước yếu kém, Nghị định 388/HĐBT (11-1991) về nguyên tắc, điều kiện thành lập doanh nghiệp nhà nước, Quyết định số 202 (6-1992) thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
- Đợt thứ hai, thực hiện trong giai đoạn 1994-1997 theo Quyết định số 90/TTg và 91/TTg (3-1994) và Chỉ thị 500/TTg (5-1995) về sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước giải thể những liên hiệp xí nghiệp, tổng công ty trước đây, hình thành những tổng công ty có quy mô lớn (Tổng Công ty 91) và quy mô vừa (Tổng Công ty 90) Nghị định 28/NĐ-CP (5- 1996) về chuyển một số doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.
- Đợt thứ ba, thực hiện từ giữa năm 1998 đến nay, theo Chỉ thị 20/CT-TTg (4-1998), Chỉ thị 15/CT-TTg (5-1999), Nghị định 44/NĐ-CP (6-1998) và Nghị định 64/NĐ-CP (19/6/2002) về cổ phần hóa kết hợp sắp xếp doanh nghiệp nhà nước. Có ba nội dung cơ bản về sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước được nhấn mạnh là: Sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo phương án tổng thể từng vùng, ngành, tổ chức lại tổng công ty theo hướng thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Nghị định số 103/1999/NĐ-CP, Nghị định 49/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi Nghị định 103/NĐ-CP về giao, bán khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước có quy mô nhỏ, kinh doanh thua lỗ kéo dài hoặc thuộc ngành nhà nước không năm giữ cổ phần đã được ban hành để có cơ sở sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước nhỏ, yếu kém.