IV. Giới thiệu về phương thức thanh toán tín dụng chứng từ
3. Quy trình thanh toán theo phương thức tín dụng chứng từ
4.1. Khái niệm thư tín dụng
Thư tín dụng là một công cụ quan trọng của phương thức tín dụng chứng từ. Thư tín dụng là một chứng thư (điện hoặc ấn chỉ) trong đó ngân hàng mở L/C cam kết trả tiền cho người xuất khẩu nếu họ xuất trình được một bộ chứng từ phù hợp với nội dung của L/C.
Thư tín dụng là văn bản thể hiện sự cam kết của ngân hàng nước người mua đối với người bán để thực hiện nghĩa vụ trả tiền quy định trong điều khoản thanh toán của hợp đồng mua bán, do đó thư tín dụng phải được mở trên cơ sở hợp đồng mua bán. Cụ thể là những nội dung cơ bản của hợp đồng mua bán là căn cứ duy nhất để người mua dựa vào đó để mở thư tín dụng cam kết và trả tiền cho người bán.
Nhưng vì thư tín dụng lại do ngân hàng mở để cam kết trả tiền theo yêu cầu của người mua nên sau khi thư tín dụng đã được mở tại một ngân hàng nhất định nào đó thì nó lại độc lập hoàn toàn với hợp đồng mua bán. Tính độc lập của thư tín dụng thể hiện ở chỗ là nghĩa vụ của ngân hàng đối với người hưởng lợi thư tín dụng(người xuất khẩu) không phụ thuộc vào các quan hệ giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu. Mặt khác mối quan hệ giữa ngân hàng và người nhập khẩu cũng không liên quan đến người khác. Cụ thể là ngân hàng mở thư tín dụng không cần biết đến hợp đồng mua bán, mà chỉ căn cứ vào nội dung thư tín dụng để trả tiền cho người bán, ngân hàng không cần biết đến việc giao hàng thực tế có đúng với nội dung các chứng từ xuất trình cho ngân hàng hay không mà ngân hàng chỉ căn cứ vào các chứng từ do người bán xuất trình, nếu thấy các chứng từ đó bề ngoài phù hợp với các điều kiện của thư tín dụng thì trả tiền cho người bán. Trong trường hợp vì những nguyên nhân nào đó giữa người nhập khẩu và ngân hàng mà người nhập khẩu không thanh toán tiền với ngân hàng thì ngân hàng vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với người xuất khẩu khi người xuất khẩu làm đầy đủ các thủ tục và các điều khoản của thư tín dụng.