2. Chương 4: Kết quả và bàn luận:
2.3. Chọn nguồn Nitơ vô cơ cho môi trường nuôi cấy:
Cách thực hiện:
Hàm lượng pectin trong môi trường nuôi cấy được chọn là 15g/l.
Thực hiện 4 mẫu thí nghiệm, tương đương với 4 nguồn Nitơ sau: NaNO3, (NH4)2SO4, NH4Cl và (NH4)2HPO4.
Hàm lượng nguồn Nitơ sử dụng là 0,2% (w/v) cho mỗi mẫu thí nghiệm. Các thành phần còn lại của môi trường được được giữ cố định như trong mục 3.1.4.
Nhiệt độ nuôi cấy A. awamori là 300C, tốc độ lắc là 125vòng/phút, thời gian nuôi cấy là 60 giờ.
Hoạt tính của endo-polygalacturonase được xác định theo phương pháp trong mục 3.3.1.
Ngoài ra, trong thí nghiệm này, chúng tôi tiến hành xác định thêm hoạt tính của protease có trong dịch enzyme thu nhận được. Hoạt tính protease được xác định theo phương pháp trong mục 3.3.2.
Kết quả:
Bảng 4.4: Ảnh hưởng của nguồn nitơ đến hoạt tính endo-polygalacturonase trong môi trường nuôi cấy A. awamori.
Nguồn Nitơ NaNO3 (NH4)2SO4 NH4Cl (NH4)2HPO4
Hoạt tính endo- polygalacturonase
(UI/ml)
0,1926 0,2153 0,2175 0,2152
Hình 4.4: Ảnh hưởng của nguồn nitơ đến hoạt tính endo-polygalacturonase trong môi trường nuôi cấy A. awamori.
Nhận xét và bàn luận:
Từ hình 4.4, chúng tôi nhận thấy khi sử dụng các nguồn nitơ khác nhau, hoạt tính endo-polygalacturonase thu được trong canh trường bề sâu cũng sẽ thay đổi. Hoạt tính endo-polygalacturonase cao nhất (0,2175UI/ml) khi ta nuôi cấy
A. awamori trong môi trường sử dụng NH4Cl. Môi trường sử dụng NaNO3 cho hoạt tính endo-polygalacturonase thấp nhất: 0,1926 UI/ml.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy môi trường chứa nguồn nitơ là (NH4)2SO4 hoặc (NH4)2HPO4 cho hoạt tính endo-polygalacturonase tương đương với môi trường chứa nguồn nitơ là NH4Cl. Như vậy, sự ảnh hưởng của 3 loại muối
((NH4)2SO4, (NH4)2HPO4, NH4Cl) lên sự sinh tổng hợp endo-polygalacturonase của nấm mốc A. awamori là tương đương nhau.
Chúng tôi tham khảo thêm kết quả thí nghiệm khảo sát sự ảnh hưởng của nguồn nitơ lên hoạt tính endo-polygalacturonase sinh tổng hợp từ Aspergillus sp của M. Galiotou-Panayotou và cộng sự [15]. Các tác giả này cũng thu được kết luận tương tự: Nguồn nitơ amôn sẽ giúp cho giống nấm mốc Aspergillus sinh tổng hợp enzyme pectinase với hoạt tính cao hơn so với nguồn nitơ nitrate. Có lẽ, đó là do các muối amôn được vi sinh vật hấp thu dễ dàng và nhanh chóng hơn so với muối nitrate. Vì vậy, quá trình sinh trưởng và sinh tổng hợp enzyme của nấm mốc sẽ tốt hơn.
Vì cả 3 nguồn nitơ (NH4)2SO4, (NH4)2HPO4, NH4Cl đều cho enzyme có hoạt tính gần như nhau, nên để chọn nguồn Nitơ cho các thí nghiệm tiếp theo, chúng tôi sẽ chọn loại muối có giá thành rẻ nhất. Trên cơ sở đó, NH4Cl được xem là nguồn Nitơ thích hợp.
Ngoài ra, trong thí nghiệm này chúng tôi cũng tiến hành khảo sát hoạt tính của protease trong canh trường nuôi cấy sử dụng nguồn nitơ là NH4Cl. Theo phương pháp Anson cải tiến, chúng tôi xác định được hoạt tính protease là 0,00964UI/ml. Như vậy, hoạt tính protease trong canh trường sau 60 giờ nuôi cấy là không đáng kể. Nếu hoạt tính protease cao, enzyme này có thể xúc tác quá trình thủy phân protein-là những phân tử pectinase có trong canh trường và làm giảm hoạt tính pectinase của canh trường.