Quyền lợi của người lao động trong kinh tế tư nhân ở lĩnh vực thủy sản chưa được đảm bảo

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát huy năng lực của kinh tế tư nhân trong ngành thủy sản ở Kiên Giang pdf (Trang 41 - 42)

chưa được đảm bảo

Các quyền lợi chính đáng của người lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ bảo đảm an toàn lao động vừa qua ít được chủ quan tâm mặc dù Nhà nước đã có quy định thành luật. Điều này dẫn đến một sự đau lòng là hàng trăm ngư dân bị thiệt mạng trong cơn bão số 5-1997 do không đủ phao cứu sinh trên tàu đánh cá. Đó là trách nhiệm trước hết thuộc về người sử dụng lao động nhưng cũng phải thấy rằng đó còn là trách nhiệm của những ngành chức năng thiếu kiểm tra, kiểm soát an toàn lao động cho nghề cá cũng như thực hiện các chính sách do Nhà nước ban hành để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Mặt khác, người lao động trong lĩnh vực khai thác thủy sản còn chịu sự bóc lột qua cách ăn chia.

Hiện nay ở Kiên Giang, tỷ lệ ăn chia phổ biến là 6/4 hoặc 5/5 sau khi trừ chi phí kể cả chi phí lên đá, khấu hao hàng năm, còn lại chủ được 6 thợ được 4, trong đó phân chia theo tỷ lệ điểm từng người trên tàu, mà tài công và thợ máy, lưới trưởng được điểm cao nhất, nhưng phần lớn tài công và chủ tàu là một. Đồng thời chủ tàu còn là người cung cấp trực tiếp hậu cần cho từng chuyến biển, nên họ kê bao nhiêu người lao động biết bấy nhiêu. Sau mỗi chuyến biển về chủ tàu thông báo lại cho người lao động như thế nào thì họ biết như thế đó. Vậy là người lao động bị thiệt thòi nhiều đường, chỉ còn biết trông cậy vào tăng sản lượng khai thác, còn chủ tàu thì sản lượng cao hay thấp vẫn được lời.

Trong lĩnh vực thương mại, chế biến thủy sản người lao động cũng chỉ biết nhận tiền công được trả theo sự thỏa thuận miệng giữa chủ và người lao động, không có hợp đồng lao động, nên giờ giấc, công việc tùy theo quyết định của chủ.

Phần lớn người lao động trong nghề cá có trình độ học vấn thấp, lao động giản đơn là chủ yếu, do đó ít am hiểu về chính sách, pháp luật nên khó tự bảo vệ được lợi ích chính đáng của mình. Mặt khác do sức ép cung về lao động phổ thông hiện nay quá lớn so với cầu, vấn đề tìm việc nuôi thân và gia đình cực kỳ khó khăn, nên dù người lao động có biết mình bị thiệt thòi cũng vẫn phải chấp nhận. Trong khi đó các ngành chức năng, các tổ chức công đoàn hầu như chưa với tới được và chưa có cách giải quyết hợp lý. Dần dần sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo ngày một xa và tình trạng thiệt thòi của người lao động ngày một nhiều, tạo nên hậu quả xã hội ngày càng nghiêm trọng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát huy năng lực của kinh tế tư nhân trong ngành thủy sản ở Kiên Giang pdf (Trang 41 - 42)