Điều kiện kinh tế xã hội.

Một phần của tài liệu Quản lý cấp phép xây dựng trên địa bàn huyện Gia Lâm (Trang 32 - 35)

Huyện Gia Lâm là khu vực phát triển đô thị ở phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, là nơi tập trung các công trình đầu mối giao thông và hạ tầng kỹ thuật quan trọng của quốc gia và của thành phố. Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực phát triển các cơ sở công nghiệp quy mô, các trung tâm dịch vụ, thương mại lớn. Toàn huyện hiện có 3 siêu thị lớn, 17 chợ, trong đó có 13 chợ quy mô bán kiên cố; có 890 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, với số vốn hơn 3.300 tỷ đồng, thu hút 13.118 lao động (năm 2009).

Giai đoạn 2006- 2008, với điều kiện ổn định, giá trị sản xuất trên phạm vi địa bàn tăng bình quân 14,53%; phạm vi huyện quản lý tăng bình quân 14,37% trong đó, công nghiệp- xây dựng tăng bình quân 3,65%.

Giai đoạn 2009- 2010, tác động của suy giảm kinh tế, ảnh hưởng của thiên tai gây úng ngập nặng cuối năm 2008 làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống, dẫn đến mức tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2006- 2010) theo phạm vi lãnh thổ ước tăng 13,58%; do huyện quản lý ước tăng 12,8%.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp- xây dựng cơ bản- dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đến năm 2010, cơ cấu kinh tế của huyện là: Công nghiệp- xây dựng chiếm 54,30%; dịch vụ chiếm 26,00% và nông nghiệp chiếm 19,70%.

Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh năm 2010 đạt gần 603 triệu đồng. Mức tăng trưởng bình quân 5 năm (2006- 2010) của ngành công nghiệp- xây dựng đạt 14,8%. Các ngành nghề truyền thống được mở rộng và phát triển, chiếm tỷ trọng cao trong ngành kinh tế: Bát Tràng (sản xuất gốm sứ), Kiêu Kỵ (dát bạc, sơn son thếp vàng, đồ gỗ), Ninh Hiệp (trồng và kinh doanh thuốc Bắc, buôn bán vải vóc)… Công tác xây dựng, quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề tới người tiêu dùng trong và ngoài nước được chú

trọng. Phối hợp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp vào Khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị, Cụm Công nghiệp Ninh Hiệp, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Hapro…

Trong 5 năm qua, giá trị sản xuất ngành dịch vụ luôn duy trì mức tăng trưởng bình quân là 15,8%, năm sau cao hơn năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân 8,63%. Giá trị xuất khẩu đạt khá với một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: Gốm sứ, nông sản, dược liệu tái chế. Từng bước hoàn thiện mạng lưới dịch vụ, chợ dân sinh trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.

Giá trị sản xuất nông nghiệp- thủy sản trên một ha đất nông nghiệp- thủy sản đến năm 2010 ước đạt 108 triệu đồng. Cơ cấu nội bộ ngành tiếp tục có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành trồng trọt chiếm 42,5%, chăn nuôi chiếm 55,5%, dịch vụ chiếm 3,0%. Chuyển giao và ứng dụng tiến bộ- khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, hỗ trợ chế biến sản phẩm nông nghiệp được quan tâm.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 phạm vi lãnh thổ ước đạt 17,9 triệu đồng, phạm vi huyện quản lý ước đạt 12,6 triệu đồng.

Xây dựng nông thôn mới được chú trọng và có tiến bộ. Tổng kinh phí đầu tư trực tiếp cho sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong 4 năm (2006- 2010) đạt trên 211 tỷ đồng, trong đó đường giao thông 114,6 tỷ đồng, thủy lợi 86,03 tỷ đồng, nước sạch 9,36 tỷ đồng, điện chiếu sáng 1,1 tỷ đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn được giữ vững và bảo đảm.

Huyện Gia Lâm là một trong những huyện rất chú trọng đến việc xây dựng đời sống văn hoá tinh thần cho người dân, cụ thể là huyện đã tập trung đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động như Học tập và làm theo tấm gương

đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá... Để nâng cao chất lượng giáo dục, huyện chủ trương cần giữ vững quy mô và số lượng trường lớp để tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học. Hàng năm, tỷ lệ học sinh tiểu học lên lớp đạt 99%, tốt nghiệp trung học cơ sở đạt bình quân 98%, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt bình quân trên 90%; các trung tâm giáo dục thường xuyên có bước phát triển khá. Đến năm 2010, có 29/70 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 41,4%, cơ bản xóa xong 100% phòng học cấp 4 bậc mầm non. Hoạt động khoa học- công nghệ được coi trọng, tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và đời sống đạt kết quả; mối quan hệ, liên kết với trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và một số cơ quan khoa học trên địa bàn ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Những năm trở lại đây, đời sống của người dân huyện Gia Lâm được nâng lên một cách rõ rệt. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có chuyển biến, tiến bộ, triển khai đồng bộ các chương trình y tế, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. 100% các xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (2006), 68,2% trạm y tế có bác sỹ.

Công tác dân số- gia đình- trẻ em được quan tâm, chỉ đạo; đến năm 2010, tỷ suất sinh giảm ở mức 17,9%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn dưới 6,5%; đẩy mạnh các chương trình hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới, bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em.

Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, tăng giàu, giảm nghèo được chú trọng, hàng năm đã tạo việc làm cho trên 8.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 17%; đến năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,9%, không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách; xóa xong nhà dột nát; 100% các đường liên thôn, xã được bê tông hóa.

Một phần của tài liệu Quản lý cấp phép xây dựng trên địa bàn huyện Gia Lâm (Trang 32 - 35)