Điều kiện kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu Đánh giá giá trị giải trí và giá trị phi sử dụng của Vườn Quốc gia Ba Bể - Bắc Kạn (Trang 42 - 44)

Vườn Quốc gia Ba Bể nằm trong địa giới hành chính huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn nhưng phía Tây lại giáp huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, có chung vùng đệm với Khu BTTN Nà Hang (xã Đà Vị, huyện Nà Hang). Hiện nay, trong khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn có 524 hộ, với 3.200 nhân khẩu, số dân sống trong vùng đệm có hơn 6.000 nhân khẩu.

Các dân tộc sinh sống ở đây có người Tày chiếm 44%, người H’mông chiếm 54%, người Dao, Nùng và Kinh chiếm 2%. Tuy có nhiều dân tộc khác nhau nhưng dân cư ở đây có tính cộng đồng cao, sống đoàn kết. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá độc đáo riêng của mình. Người Tày thường làm nhà sàn bằng gỗ ở các vùng thấp thuận tiện cho canh tác nông nghiệp, đánh bắt cá, dệt vải. Người H’Mông, Dao sinh sống trên các sườn núi cao hay thung lũng chủ yếu canh tác nương rẫy, du canh và săn bắt chim thú rừng.

Với phương thức canh tác chủ yếu là trồng lúa nước, và canh tác nương rẫy, người dân ở đây chỉ có thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 298kg lương thực quy thóc, mức thiếu lương thực ở các hộ nghèo là từ 2 đến 4 tháng trong năm. Các khoản chi tiêu hàng ngày của mỗi hộ gia đình đều lấy từ sản phẩm nông nghiệp và bán các sản phẩm khai thác từ rừng. Khi không còn dựa vào nghề rừng như hiện nay thì các khoản tiền đó lấy từ thu nhập sản xuất nông nghiệp (lúa, hoa màu và sản phẩm phụ) và các thu nhập khác do Nhà nước trợ cấp (nếu có).

Bảng 2.1 Thu nhập của dân cư vùng Hồ Ba Bể

TT Dân số Đất NN bình quân (ha) Thu nhập bình quân năm 2000 (đồng) 1 Nam Mẫu 2802 0.06 450.000 2 Cao Thượng 3189 0,06 350.000 3 Cao Trĩ 2234 0,1 320.000 4 Khang Ninh 3451 0,09 480.000

5 Quảng Khê 2993 0,13 Không có số liệu

6 Đồng Phúc 2573 0,13 650.000

7 Hoàng Trĩ 1221 0,08 Không có số liệu

Nguồn: Số liệu điều tra tháng 8/2000 – Báo cáo đa dạng sinh học VQG Ba Bể.

Đi liền với tình trạng kinh tế còn thấp kém là trình độ dân trí thấp. Trong 7 xã quanh VQG mỗi xã chỉ có 1 trường tiểu học. Các trường lớp đã xuống cấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ giáo viên thiếu. Tình trạng mù chữ vẫn còn tồn tại ở nhiều bản. Kết quả điều tra tháng 8/2000 cho thấy còn 11,8% số người đến tuổi không đi học, 4,4% đạt trình độ cấp III, trình độ cao đẳng đại học không đáng kể (0,1%).

Về cơ sở hạ tầng giao thông, điện nước: Đường ô tô chính - đường 258 - nối Huyện lỵ với thị trấn Bằng Lũng - Huyện Chợ Đồn chạy cắt ngang qua Vườn. Việc đi lại từ trung tâm huyện đến VQG là tương đối dễ dàng song giao thông của các xã trong khu vực Hồ còn gặp nhiều khó khăn. Người dân sống quanh hồ sử dụng thuyền độc mộc, xuồng máy và đi bộ. Sử dụng thuyền độc mộc trở thành một nét đặc trưng của dân cư vùng hồ Ba Bể.

Ngành Điện lực Bắc Kạn đã đưa điện lưới quốc gia về khu vực VQG Ba Bể. Tuy vậy, đến năm 2000 trong số 3197 hộ của 7 xã vùng hồ mới chỉ có 250 hộ của 2 xã Khang Ninh và Nam Mẫu có điện, chiếm 7,8%. Tại vùng hồ Ba Bể, người dân đã tận dụng khai thác các nguồn nước để xây dựng thuỷ điện nhỏ.

Như vậy, hiện trạng kinh tế - xã hội các xã quanh VQG cho thấy phần lớn dân cư còn nghèo. Đi liền với nghèo đói là lạc hậu, trình độ dân trí thấp. Để có thêm miếng ăn, tăng thêm thu nhập nhiều người bất chấp pháp luật vào rừng khai thác trộm lâm sản. Mặc dù công tác quản lý bảo vệ của VQG và nhận thức của người dân được nâng lên song nghèo đói và dân trí thấp vẫn đang là áp lực lớn đối với bảo tồn của VQG. Thực trạng kinh tế xã hội của vùng đòi hỏi phải nhanh chóng nâng cao đời sống và nhận thức của người dân thì công tác bảo tồn mới có thể bền vững .

Một phần của tài liệu Đánh giá giá trị giải trí và giá trị phi sử dụng của Vườn Quốc gia Ba Bể - Bắc Kạn (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(67 trang)
w