Một số ưu điểm và hạn chế của phương pháp định giá ngẫu nhiên

Một phần của tài liệu Đánh giá giá trị giải trí và giá trị phi sử dụng của Vườn Quốc gia Ba Bể - Bắc Kạn (Trang 36 - 38)

Ưu điểm lớn của phương pháp CVM là trên lý thuyết, nó có thể được sử dụng để đánh giá các nguồn tài nguyên mà sự tồn tại tiếp tục của nó được người ta đánh giá cao, nhưng bản thân họ không bao giờ đến tham quan cả. Một ví dụ về tài sản môi trường như thế là Nam Cực, nơi mà người ta sẵn sàng trả cho việc bảo vệ, nhưng nói chung là không mấy khi có người muốn đến thăm. Một ví dụ khác gần hơn về giá trị phi sử dụng là việc một công ty lâm nghiệp của Anh đã thông báo dự định của họ về việc thoát nước và trồng cây ở vùng Flow Country, nơi sinh sống của các sinh vật hoang dã quan trọng và là khu đất ngập nước ở miền Bắc Scotland. Mặc dù thực tế rất ít người đến thăm khu vực này. Cuộc nghiên cứu CVM (tiến hành khảo sát các hộ gia đình qua đường bưu điện) cho thấy rằng các cá nhân sẵn lòng trả một số tiền để gìn giữ khu vực này cao hơn nhiều so với nguồn lợi do trồng gỗ mang lại.

Một ưu điểm khác của CVM là không đòi hỏi một số lượng lớn thông tin như các phương pháp khác. Số liệu dùng cho CVM có thể thu thập dưới nhiều góc độ khác nhau với mức độ phức tạp khác nhau tuỳ thuộc vào thời gian và nguồn tài chính.

Có thể nói so với các phương pháp đã được nêu ở trên đây, phương pháp CVM tương đối rõ ràng và phù hợp với việc nghiên cứu môi trường. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề liên quan tới tính chính xác và độ tin cậy trong kết quả tính toán:

Bởi CVM không phân tích những hành động thực tế, mà chỉ thăm dò ý kiến của những dự định có thể xảy ra trong tương lai, vì thế kết quả nhận được hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức, hành vi, thái độ, quan điểm về tài nguyên được định giá và mức sống của người được phỏng vấn. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao WTP ở các nước đã phát triển thường cao hơn ở các nước đang phát triển, của người sống tại các khu vực đô thị thường cao hơn người sống tại khu vực nông thôn. Ngoài ra WTP thường bị hạ thấp do người được hỏi thường có tâm lý “sử dụng không mất tiền” các nguồn lực tự nhiên hoặc không cảm thấy cần thiết đến sự tồn tại của các loại tài nguyên này. Bên

cạnh đó một số khiếm khuyết của CVM liên quan tới những thiên lệch trong các kỹ thuật, chủ yếu là thiên lệch chiến lược, thiên lệch do điểm xuất phát, thiên lệch do cơ chế thanh toán, thiên lệch do thông tin và thiên lệch có tính chất giả thiết. Tuy nhiên các thiên lệch này có thể khắc phục được trong quá trình điều tra đánh giá.

Mặc dù cơ sở lý thuyết cho rằng tổng giá trị kinh tế bao gồm giá trị sử dụng và giá trị phi sử dụng, tuy nhiên trên thực tế một vấn đề tương đối phức tạp là giá trị tồn tại và giá trị lưu truyền thường rất ít khi được lồng ghép trong quá trình ra quyết định mặc dù giá trị của nó thường được đánh giá rất cao (chiếm từ 35-70% tổng giá trị của tài nguyên). Một trong những nguyên nhân đó là do CVM là phương pháp duy nhất có thể đánh giá được giá trị này.

CHƯƠNG II: TỔNG QUAN VỀ VƯỜN QUỐC GIA BA BỂ - BẮC KẠN

Một phần của tài liệu Đánh giá giá trị giải trí và giá trị phi sử dụng của Vườn Quốc gia Ba Bể - Bắc Kạn (Trang 36 - 38)