II- Hệ thống thuế đối với người lao động
3.1.4. Quan điểm bốn: Luật pháp hóa các nguồn thu vào NSNN
Như trên đã trình bày về sự phân cấp quản lý thuế thành hai cấp cấp trung ương và địa phương, các khoản thu của ngân sách Nhà nước dù ở cấp độ nào cũng rất có sự hợp thức hóa rõ ràng. Hiện tượng càng nhiều khoản thu của các cơ quan quản lý không được hợp pháp hóa thì Nhà nước càng khó quản lý và dễ nảy sinh các tiêu cực trong công tác quản lý và thu thuế kèm theo tác động tiêu cực đến việc phát triển kinh tế của đất nước. Phân cấp mà không phân quyền hoặc phân quyền mà không phân cấp tất yếu nảy sinh hiện tượng tự thu hay thụ động không triển khai công tác quản lý và thu thuế ở các địa phương. Nhiều địa phương thậm chí không thực hiện các luật thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp trong việc khai thác rừng, biển và khai khoáng. Các địa phương đôi khi chỉ yêu cầu thu một khoản phí nhất định như là mức lệ phí khai thác nên không thể quản lý được tình hình khai thác và kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Cùng với kiến nghị phân cấp thuế thành thuế quốc gia và thuế địa phương cũng cần có sự thừa nhận chính tắc bằng luật mới đảm bảo công bằng, nghiêm túc và thống nhất trên cả nước về hệ thống thuế của nước ta. Khi tất cả các nguồn thu từ trung ương đến địa phương được pháp luật hóa, tất yếu sẽ củng cố sự bình đẳng trong xã hội. Các thành phần kinh tế và thậm chí mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, tất nhiên được bình đẳng trước các luật thuế và công bằng trong việc đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Những quan điểm này rất hữu ích trong việc xây dựng một hệ thống thuế hoàn chỉnh và thống nhất ở nước ta hiện nay, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Hệ thống thuế phải đảm bảo được áp
dụng nhiều phương pháp và phương tiện tiên tiến trong công tác quản lý và thu thuế mới phù hợp với nền kinh tế công nghiệp và hiện đại. Do đó, tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế về công tác quản lý và thu thuế tất yếu là rất cần thiết đối với nước ta.
Nhà nước cũng nên xây dựng các luật thuế cho cả cấp địa phương và bổ sung thành hệ thống luật thuế phân cấp rõ ràng. Mỗi luật thuế cấp trung ương và cấp địa phương phải cùng nằm trong một hệ thống thuế thống nhất tránh hiện tượng thu chồng chéo hay bất ổn định. Nhiều quy định hướng dẫn thi hành hay quy định các khoản thu mới hiện nay đã làm méo mó hệ thống thuế đã được pháp luật hóa của nước ta. Mỗi địa phương, mỗi vùng có những lệ "thu phí" hay các "khoản đóng góp" bất hợp lý. Mặc dù các khoản đóng góp địa phương biến tướng dưới nhiều hình thức nhưng các khoản chi phí phải chi ra đều được các doanh nghiệp phân bổ vào giá thành, do đó rất khó có những hàng hóa có giá cả cạnh tranh trên trường quốc tế. Nhiều mặt hàng nông thổ sản và thủ công mỹ nghệ của nước ta hiện nay vẫn khó cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc, Thái Lan v.v... phần lớn là do cơ chế chính sách chưa tạo ra những điều kiện cạnh tranh có lợi cho các nhà sản xuất. Nhiều khoản thu của ngân sách địa phương dưới dạng các khoản đóng góp đôi khi sẽ nảy sinh vấn đề tham ô hay nhũng nhiễu làm cản trở đến hoạt động kinh tế xã hội. Cán bộ ở các địa phương thường rất yếu kém nên khâu tổ chức càng cần phải có những khoản thu rõ ràng từ cấp trung ương. Hình thức hợp lý nhất là pháp luật hóa các khoản thu này thành luật thuế địa phương. Tổ chức hệ thống cơ quan quản lý thuế theo sự phân cấp các nguồn thu này cũng tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thiện bộ máy quản lý thuế phù hợp với hệ thống thuế trung ương, do đó khuyến khích được các địa phương thực hiện tốt các luật thuế ở địa phương mình. Trên cơ sở phân cấp các luật thuế các doanh nghiệp sẽ yên tâm phát triển một cách ổn định và rõ hơn về các chi phí thuế của đơn vị mình nhờ đó khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh hơn nữa.
Những quan điểm trên làm tiền đề cho việc hoàn thiện hệ thống thuế hiện nay có ở nước ta, đồng thời nghiên cứu và áp dụng các sắc thuế mới nhằm hoàn thiện hơn nữa công cụ quản lý thuế trong quản lý nhà nước đối với DNCNNQD.