CHƯƠNG 3: TỔNG QUAN ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 3.1 Tổng quan địa bàn nghiên cứu
3.2.1.1 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn là ngân hàng thương mại sở hữu nhà nước được thành lập năm 1990 với mạng lưới chi nhánh toàn quốc ở tất cả 64 tỉnh thành và 527 quận, huyện. Tại một số khu vực Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã vươn tới làng xã. Hiện tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn được coi là lớn nhất xét về khía cạnh mạng lưới chi nhánh ở nông thôn Việt Nam.
Nguồn vốn chính của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn bao gồm các nguồn tiền gửi tiết kiệm, hối phiếu, trái phiếu, khoản vay từ Ngân hàng Nhà nước, các định chế tài chính khác và vốn tự có. Hiện nay huy động vốn của ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn ở hầu hết các huyện vùng nông thôn không đủ để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình và vì vậy các chi nhánh ở nông thôn vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp tỉnh và Hội sở chính. Dù thực tế Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được mức huy động vốn lớn nhưng ngân hàng này vẫn chưa có phương thức huy động các khoản tiền nhỏ.
Hiện nay Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp cận hộ nông dân nhiều hơn bất kỳ một định chế tài chính nào khác ở Việt Nam. Tổng dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng trưởng ở mức 30 đến 40% hàng năm và số lượng khách hàng vay vốn tăng từ 2 triệu năm 1993, lên 4 triệu năm 1999 và
khoảng 7 triệu năm 2003. Về tổng dư nợ cho nông hộ của tất cả các định chế tài chính chính thức, ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm tỉ trọng khoảng trên 75%. Ước tính khoảng 20% khách hàng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (0,8 triệu) là hộ nghèo, chiếm 15% tổng số hộ nghèo vay vốn.
Như đã được quy định trong các văn bản hiện hành của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lãi suất cho vay phải đủ để bù đắp cho chi phí vốn, chi phí quản lý, thuế, dự phòng nợ khó đòi…Trong những năm gần đây, mặc dù chính sách lãi suất đang được nới lỏng theo hướng tự do hoá, lãi suất hiện tại được ngân hàng cố định là 1% tháng đối với khoản cho vay ngắn hạn và 1.15% tháng đối với khoản cho vay trung và dài hạn.
Tuy nhiên hầu hết hộ gia đình ở khu vực nông thôn mới chỉ tiếp cận đến các món vay ngắn hạn của ngân hàng, trong khi đó họ rất cần các món vay trung và dài hạn, chính những khoản vay này sẽ giúp họ có thu nhập cao hơn.