Kỳ hạn của nguồn vốn là một yếu tố quan trọng phản ánh chất lượng và tính ổn định nguồn vốn huy động của ngân hàng. Việc nghiên cứu và xây dựng kì hạn của các nguồn tiền có vai trò quan trọng để nhằm duy trì một cơ cấu nguồn vốn hợp lý đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Đồng thời cơ cấu vốn theo kì hạn cho thấy rõ chi phí huy động mà ngân hàng phải trả theo từng kì hạn và mức độ cao hay thấp đối với khả năng xảy ra rủi ro thanh khoản.
Bảng 2.7 : Cơ cấu nguồn vốn huy động theo kỳ hạn của NHNo Hà Nội (Đơn vị: tỷ đồng) Chỉ tiêu 2006 2007 2008 Số tiền 06/05 (%) Số tiền 07/06 (%) Số tiền 08/07 (%) NV huy động không kì hạn 5829,5 +14,5 5859,1 +0,5 4059,6 -30,7 Tỷ trọng 45,4% 42,4% 26,5% NV huy động dưới 12 tháng 1775,4 -3,6 2620,5 +47,6 6799,9 +159,5 Tỷ trọng 13,8% 19% 44,4% NV huy động từ12–24 tháng 2991,5 -19,4 3090,3 +3,3 1902,3 -38,4 Tỷ trọng 23,3% 22,3% 12,4% NV huy động trên 24 tháng 2248,9 +89,7 2251,1 +0,1 2560,2 +13,7 Tỷ trọng 17,5% 16,3% 16,7% Tổng NV HĐ 12845,3 13821,0 15322,0
( Nguồn: Báo cáo tài chính NHNo&PTNT Hà Nội)
a.Nguồn vốn huy động không kì hạn
Nguồn vốn huy động không kì hạn chủ yếu là tiền gửi giao dịch ( Tiền gửi thanh toán) của các cá nhân, tổ chức gửi vào với mục đích nhờ ngân hàng giữ và thanh toán hộ. Trong những năm qua, Chi nhánh đã rất chú trọng thu hút nguồn vốn này bằng việc sử dụng công nghệ ngân hàng cũng như nâng cao tiện ích của các dịch vụ đi kèm nhằm đảm bảo công tác thanh toán được thực hiện nhanh, hiệu quả, chính xác và bảo mật.
Nhìn vào biểu đồ ta thấy, đây là nguồn tiền chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn huy động của Chi nhánh trong ba năm qua. Năm 2006 đạt 5829,5 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2005, chiếm tỷ trọng là 45,4% trong tổng nguồn. Năm 2007, nguồn vốn không kì hạn của ngân hàng là 5859,1 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2006 là 0,5%, chiếm 42,4% trên tổng vốn huy động. Đến năm 2008, do tình hình kinh tế không ổn định, lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng đến tiền gửi không kì hạn của Chi nhánh. Nguồn tiền gửi không kì hạn giảm xuống chỉ còn 4059 tỷ, mức giảm là
30,7%, tương ứng giảm 1799,5 tỷ đồng và chiếm 26,5% trong tổng vốn huy động. Điều này cho thấy Chi nhánh đã làm tốt công tác thanh toán, là điểm đáng tin cậy để các cá nhân và doanh nghiệp lựa chọn.
b. Nguồn vốn huy động dưới 12 tháng
Nguồn tiền này bao gồm tiền gửi có kì hạn và tiền gửi tiết kiệm dưới 12 tháng. Cũng như tiền gửi không kì hạn, nguồn tiền này chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng vốn huy động của Chi nhánh nhưng lại có tốc độ tăng trưởng không ổn định, phụ thuộc vào tâm lý và quyết định của người gửi tiền. Cụ thể, năm 2006 nguồn vốn huy động dưới 12 tháng đạt 1775,4 tỷ đồng, có mức giảm nhẹ so với năm 2005 là 3,6%, chiếm 13,8% trong tổng nguồn vốn huy động. Năm 2007 vốn loại này lên tới 2620,5 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 19% và tỷ trọng tăng lên chiếm 19%. Năm 2008 là năm có những diễn biến phức tạp, các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động nhằm huy động được nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu tín dụng tăng cao. Người dân với tâm lý e ngại lạm phát lên cao, nếu gửi tiền dài hạn sẽ làm sụt giảm giá trị đồng tiền. Thêm vào đó, việc gửi tiền với kì hạn ngắn ( dưới 12 tháng) sẽ tạo cho người gửi tiền nhiều lựa chọn hơn khi gửi tiền vào các ngân hàng có lãi suất huy động cao hơn với tiền gửi có cùng kì hạn. Điều này trực tiếp tác động đến thu nhập của người gửi tiền và do đó, tác động đến quyết định gửi tiền của khách hàng. Nắm bắt được diễn biến của thị trường, Chi nhánh đã có những điều chinh ứng phó kịp thời. Việc tăng lãi suất huy động với các hình thức khuyến mãi hấp dẫn tặng tiền và hiện vật để cạnh tranh với các ngân hàng khác cùng với uy tín lâu năm trên thị trường tài chính đã giúp cho ngân hàng thu hút được khối lượng lớn nguồn vốn có kì hạn dưới 12 tháng. Mức tăng trưởng nguồn vốn này đạt 159,5%, tương ứng tăng 4179,4 tỷ đồng so với năm 2007, chiếm 44,4% trên tổng nguồn vốn huy động.
c. Nguồn vốn huy động từ 12 – 24 tháng
Đây là nguồn vốn trung hạn chủ yếu dùng để tài trợ cho các dự án trung và dài hạn. Nhìn vào biểu đồ ta thấy, nguồn này chiếm tỷ trọng trung bình và có xu hướng giảm trong ba năm qua. Năm 2006, tỷ trọng của nó là 23,3% trong tổng nguồn, đạt mức 2991,5 tỷ đồng, giảm 19,4% so với năm 2005. Năm 2007, nguồn vốn huy động
12 – 24 tháng tăng nhẹ 3% tương ứng với 98,8 tỷ đồng so với năm 2006 và chiếm tỷ trọng trong tổng nguồn vốn là 22,3%. Đến năm 2008, vốn trung hạn giảm mạnh xuống còn 1902,3 tỷ, giảm 1188 tỷ đồng, tương ứng giảm 38,4% so với năm 2007, tỷ trọng của nguồn vốn loại này chiếm 12,4% trên tổng vốn huy động. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do nguồn tiền mang tính chất trung hạn. Trong tình trạng nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay thì người gửi tiền sẽ tìm đến các nguồn tiền gửi có kì hạn ngắn nhằm mục tiêu vừa an toàn vừa sinh lợi. Còn với những người gửi tiền để mong nhận được lãi suất cao thì họ không thực sự ưa thích loại hình huy động vốn trung hạn này.
d. Nguồn vốn huy động trên 24 tháng
Năm 2006, nguồn vốn dài hạn của Chi nhánh đạt 2248,9 tỷ đồng, tăng 89,7% so với năm 2005 và chiếm 17,5% trong tổng nguồn vốn. Sang năm 2007 vốn dài hạn tăng trưởng nhẹ 0,1% so với năm 2007, đạt 2251,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trong tổng nguồn là 16,3%. Trong năm 2008, tuy ảnh hưởng của lạm phát cũng như suy thoái nền kinh tế toàn cầu nhưng vốn dài hạn của Ngân hàng vẫn có sự tăng trưởng. Mức tăng là 13,7%, tương ứng với 309,1 tỷ đồng so với năm 2007, chiếm 16,7% trong tổng nguồn. Có được kết quả này là nhờ Chi nhánh đã đưa ra các hình thức huy động vốn đa dạng như tiết kiệm bậc thang, tiết kiệm gửi góp từ 24 tháng trở lên, chứng chỉ tiền gửi trên 24 tháng, trái phiếu AGRIBANK kì hạn 10 năm,…
Từ biểu đồ và qua phân tích ta thấy, tỷ trọng vốn trung và dài hạn của Ngân hàng chiếm tỷ trọng dưới 50% và có xu hướng giảm trong năm 2008. Vốn ngắn hạn ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn: năm 2006 là 59,1%; năm 2007 là 61,4%; năm 2008 là 70,9% cho thấy Chi nhánh có ưu thế trong việc thu hút những nguồn tiền có chi phí rẻ. Từ đó, tạo ưu thế trong việc đưa ra lãi suất cho vay rẻ tương ứng, tạo điều kiện mở rộng hoạt động tín dụng và tài trợ các dự án. Tuy nhiên đây là nguồn ngắn hạn có kỳ hạn dài nhất là 1 năm. Do vậy, Ngân hàng cần tập trung hơn nữa vào việc khai thác nguồn có kỳ hạn dài hạn nhằm tạo sự ổn định cho nguồn vốn kinh doanh. Với nguồn vốn trung và dài hạn Ngân hàng sẽ chủ động hơn trong việc cho vay các dự án dài hạn.
Tính cân xứng giữa nguồn vốn huy động và sử dụng vốn
Giữa huy động và sử dụng vốn có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Tính vững chắc ổn định của nguồn vốn huy động không chỉ phụ thuộc vào công tác huy động vốn mà còn phụ thuộc vào quá trình sử dụng vốn. Nếu việc huy động và sử dụng vốn không phù hợp thì hoạt động kinh doanh của ngân hàng không đạt hiệu quả.
Vì vậy, việc thực hiện cân đối nguồn vốn trong kinh doanh, đảm bảo tính cân xứng giữa hoạt động huy động và sử dụng vốn, đảm bảo khả năng thanh khoản của ngân hàng trong kinh doanh là vấn đề rất cấp thiết.
Bảng 2.8: Hoạt động sử dụng vốn của NHNo&PTNT 2007 – 2008
(Đơn vị: Tỷ đồng)
Chỉ tiêu 2007 2008
Dư nợ ngắn hạn 1446,38 1323,02
Dư nợ trung và dài hạn 1290,62 2115,11
Tổng dư nợ 2737 3438,13
Tổng NV huy động 13821 15322
Tổng dư nợ/ Tổng NV huy động 19,8% 22,4%
( Nguồn: Báo cáo tài chính NHNo&PTNT Hà Nội)
Nhìn vào bảng cho thấy, sử dụng vốn của Chi nhánh mang tính dài hạn. Trong tổng dư nợ của Chi nhánh thì dư nợ trung và dài hạn có xu hướng tăng lên: năm 2007 chiếm 47,15%; năm 2008 chiếm 61,52%. Trong năm 2008, tổng dư nợ cho vay chiếm
tỷ trọng 22,4% trong tổng nguồn vốn huy động; dư nợ ngắn hạn đạt 1323,02 tỷ, chiếm 38,5% trong tổng dư nợ; dư nợ trung và dài hạn đạt 2115,11 tỷ, chiếm 61,5% trong tổng dư nợ.
Từ việc phân tích cơ cấu nguồn vốn theo kỳ hạn và cơ cấu dư nợ như trên cho thấy tính cân xứng giữa nguồn vốn động và sử dụng vốn dài hạn của Chi nhánh còn chưa hợp lý vì các khoản cho vay trung và dài hạn chiếm 61,5% trong tổng dư nợ trong khi nguồn vốn huy động có kỳ hạn ngắn chiếm tỷ trọng khá lớn, nguồn vốn huy động trung và dài hạn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, chiếm 29,1% trong tổng huy động). Ngân hàng có thể thực hiện chuyển hoán kỳ hạn của nguồn nhưng hoạt động này tiềm ẩn rủi ro lãi suất và rủi ro thanh khoản. Do đó, trong thời gian tới, Chi nhánh cần chú trọng hơn vào việc khai thác nguồn vốn có kỳ hạn dài để đảm bảo vốn tài trợ cho các dự án đầu tư dài hạn.