- Quan niệm về giá trị cuộc sống của sinh viên hiện nay
2.2.3. Kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục đạo đức mới cho sinh viên Việt Nam hiện nay
tác quản lý, giáo dục đạo đức mới cho sinh viên Việt Nam hiện nay
Xuất phát từ mối quan hệ biện chứng giữa con người với hoàn cảnh, cũng như tính quyết định xã hội đối với nhân cách, một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng đạo đức mới cho sinh viên Việt Nam hiện nay là phải biết kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình với xã hội trong công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên. Mỗi một thành tố này có vị trí, vai trò và thế mạnh nhất định trong việc xây dựng đạo đức mới cho sinh viên.
Có thể xem xã hội là một cơ thể sống hoàn chỉnh và không ngừng biến đổi được “sắp xếp, tổ chức” theo nhiều mối quan hệ trong đó gia đình được xem là một tế bào, một thiết chế cơ sở đầu tiên. Mỗi một chế độ xã hội được sinh thành, vận động và biến đổi trên cơ sở một phương thức sản xuất xác định và có vai trò quy định đối với gia đình. Những xã hội ấy tồn tại thông qua các hình thức kết cấu và quy mô gia đình. Mỗi gia đình hạnh phúc, hoà thuận thì cả cộng đồng và xã hội tồn tại và vận động một cách êm thấm. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Xã hội tốt thì gia đình càng phải tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý đến hạt nhân cho tốt.
Nền kinh tế thị trường tác động mạnh đến các thành viên trong gia đình, có những gia đình có truyền thống gia giáo, các thành viên trong như ông, bà, cha, mẹ, chú, bác đều là công chức nhà nước, thế nhưng con, cháu lại rơi vào các tệ nạn xã hội, tuột khỏi vòng tay thân ái của gia đình. Bối cảnh toàn cầu hoá tác động mạnh mẽ vào giới
trẻ, đặc biệt là sinh viên, tầng lớp trí thức tiếp cận nhanh với cái mới nhưng kinh nghiệm sống còn ít ỏi. Cho nên, họ dễ tiếp nhận những thói hư tật xấu, rất nhiều sinh viên đã sa vào các tệ nạn: chơi lô đề, đánh bạc, chơi cá độ bóng đá, thậm chí nghiện hút, dẫn tới bị đình chỉ học làm các bậc cha mẹ phải đau lòng. Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường, khi mọi người đều chạy theo lợi nhuận, một số gia đình mải lo làm ăn không còn thời gian chăm lo con cái, dẫn đến sự thiếu hụt về tình cảm gia đình, gia đình đã không còn là chỗ dựa cho các em. Đã có rất nhiều sinh viên do gia đình buông lỏng trong giáo dục, rèn luyện, bỏ mặc trách nhiệm quản lý con mình cho nhà trường và xã hội, nên dẫn tới kết quả nhiều sinh viên phạm tội.
Thực tế trên cho chúng ta thấy, cần phải nhìn nhận lại cách giáo dục gia đình cho thế hệ trẻ, đặc biệt là tầng lớp sinh viên, để họ được trang bị các giá trị giáo dục đạo đức gia đình trong cuộc sống. Gia đình là môi trường hết sức quan trọng ảnh hưởng rất lớn tới tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách của sinh viên, tất cả mọi hoạt động của gia đình từ: lời nói, cử chỉ, việc làm của cha mẹ đều ảnh hưởng tới con cái. Giáo dục ở gia đình là sự nêu gương, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh nêu gương trong giáo dục đạo đức. Chính người là tấm gương sáng về đạo đức cho cán bộ đảng viên, cả cuộc đời người luôn là tượng đài uy nghi, lừng lẫy cho việc giáo dục đạo đức. Nêu gương đạo đức ở gia đình là tấm gương phản chiếu từ ông, bà, cha, mẹ đối với con cái, tất cả mọi người phải là cái gương đạo đức chuẩn mực cho con cái noi theo.
Thế mạnh của giáo dục gia đình là đánh sâu vào tâm lý tình cảm của mỗi người, bằng sự quan tâm, gắn bó, chăm sóc đến từng thành viên của mình. Từ đó, các thành viên trong gia đình biết được mặt mạnh, mặt yếu của từng người, trên cơ sở đùm bọc thương yêu lẫn nhau và trách nhiệm của gia đình có thể tìm ra các phương pháp hữu hiệu để cảm hoá, tác động đến đối tượng cần giáo dục mà nhà trường và xã hội không thể có được. Ngoài việc chăm lo giáo dục cho con cái về mặt trí tuệ, gia đình cần phải bồi dưỡng đạo đức nhân cách, kết hợp những phương pháp giáo dục truyền thống với hiện đại cho phù hợp với hoàn cảnh mới, làm sao cho gia đình trở thành nơi lưu giữ nếp xưa và phát huy những giá trị văn hoá dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác, tăng
cường giáo dục nếp sống mới, lối sống mới, xây dựng gia đình văn hoá mới. Với tầm quan trọng của gia đình trong giáo đạo đức, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ rõ: Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc [17, tr.103 - 104].
Bên cạnh gia đình, còn có vai trò quản lý, giáo dục của nhà trường và xã hội (các tổ chức đoàn thể) có vai trò hết sức to lớn đối với việc giáo dục đạo đức cho sinh viên.
Nhà trường là một thiết chế xã hội - văn hoá rất quan trọng trong giáo dục đạo đức, có chức năng dạy chữ, dạy nghề và dạy người. Ba chức năng đó đều hướng đến mục đích đào tạo các thế hệ con người có tài và có đức, phát triển toàn diện và hài hoà nhân cách. Bởi vì nhà trường là môi trường giáo dục chuyên nghiệp, có nề nếp, có kỷ cương kỷ luật, là nơi trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản và là nơi giáo dục cho sinh viên lý tưởng sống, là môi trường rèn luyện đạo đức cho sinh viên.
Trong thời đại khoa học - công nghệ đòi hỏi sự sáng tạo của các cá nhân. Các cá nhân phải tìm tòi những tri thức mới, tư tưởng mới, tư tưởng góp phần đưa xã hội tiến lên và khẳng định vai trò của cá nhân trong đời sống cộng đồng. Do vậy, nền giáo dục phải tạo điều kiện cho sự tự do phát triển của cá nhân, định hướng cho các nhân phát triển trong sự gắn bó với cộng đồng là một triết lý mang tính khách quan khoa học, đồng thời mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Muốn vậy, giáo dục trong nhà trường phải là hoạt động có mục đích, mang tính chiến lược, có kế hoạch được định hướng bởi các giá trị đạo đức. Giáo dục trong nhà trường không chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản, chuyên ngành mà còn phải là nơi hướng người học tới các giá trị đạo đức mới và những giá trị của đạo đức truyền thống của dân tộc, qua đó hình thành cho sinh viên nếp sống mới, lối sống mới. Để hình thành nên lối sống có văn hoá cho sinh viên thì nhà trường cần tạo mọi điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động văn hoá cộng đồng; mặt khác cung cấp cho sinh viên những quan điểm, những phạm trù của môn đạo đức học, trên cơ sở đó sinh viên hình thành ý thức, tính cảm, niềm tin đạo đức mới.
Công tác giáo dục đạo đức trong nhà trường muốn đạt hiệu quả cao, thì vấn đề nêu gương của các thầy, cô giáo đóng góp một phần hết sức quan trọng. Hồ Chí Minh đã từng nói: Một tấm gương sáng còn có giá trị hơn một trăm lần bài diễn văn tuyên truyền. Các nhà trường từ mẫu giáo cho đến cao đẳng, đại học đã chú ý đến việc giáo dục đạo đức, phương châm này thể hiện rất rõ trong khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn”. Nhiều thầy, cô giáo giữ được phẩm chất tận tuỵ, chăm lo việc “trồng người” trong điều kiện khó khăn hiện nay. Tư cách của thầy cô giáo không chỉ được thể hiện ở trên lớp, mà còn thể hiện trong những sinh hoạt hàng ngày. Quan hệ thầy trò vẫn được giữ gìn theo đạo lý “tôn sư trọng đạo” của văn hoá dân tộc. Đây là nét đẹp văn hoá đạo đức của nhà trường mà chúng ta cần quan tâm gìn giữ cho đời sau.
Để xây dựng và giáo dục đạo đức không chỉ chịu sự chi phối của gia đình, nhà trường mà còn chịu sự tác động của môi trường xung quanh, đó chính là sự tác động của môi trường xã hội. Xã hội giữ vai trò hết sức to lớn trong việc hình thành và hoàn thiện nhân cách của sinh viên, chính xã hội là vườn ươm của những tài năng và là nơi nảy nở các giá trị đạo đức. Xã hội là môi trường rộng lớn cũng là môi trường khắc nghiệt để các cá nhân, các đoàn thể, các mối quan hệ giao tiếp nhau trong lao động, học tập sinh hoạt thử sức và đánh giá. Chính vì thế, yếu tố hay khâu quyết định trong xã hội là vai trò của nhà nước về định hướng toàn diện về kinh tế, tư tưởng, đạo đức, pháp luật, hệ thống chính sách, chế độ đảm bảo sự phát triển của một đất nước, trong đó có sự phát triển của sinh viên.
Nâng cao phẩm chất đạo đức cho sinh viên thì cần phải phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, mà nòng cốt là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam. Đây là hai tổ chức góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành và phát triển đạo đức của sinh viên.
Nhiệm vụ của Đoàn thanh niên và Hội Sinh viên trong giai đoạn hiện nay là giáo dục, định hướng, xây dựng một lớp sinh viên giàu lòng yêu nước, biết đặt lợi ích của mình trong lợi ích thống nhất của quốc gia, dân tộc; có lý tưởng cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng; có tri thức, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng lao động giỏi; thành thạo ngoại ngữ và tin học; có văn hoá và lối sống tình nghĩa; có sức khoẻ thể chất và
tinh thần lành mạnh; giàu nhiệt huyết sáng tạo và tinh thần tình nguyện vì cộng đồng; biết giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, biết làm giàu văn hoá dân tộc bằng những giá trị và những tinh hoa văn hoá nhân loại. Những phong trào do Đoàn và Hội sinh viên tổ chức như: tham quan du lịch, sinh hoạt chính trị, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao và các phong trào sinh viên tình nguyện, tiếp sức mùa thi mang ý nghĩa giáo dục đạo đức sâu sắc và được đông đảo sinh viên tham gia nhiệt tình. Đó là những hoạt động để sinh viên thể hiện tài năng, trí tuệ và bản lĩnh của tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh đang lớn lên và trưởng thành, đủ sức tiếp nối các thế hệ cha anh đi trước.
Gia đình, nhà trường, xã hội có những vị trí chức năng khác nhau nhưng tất cả đang đóng góp sức mình vào việc giáo dục, xây dựng đạo đức mới cho sinh viên Việt Nam. Vì vậy, gia đình, nhà trường, xã hội tất cả phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải có sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cho sinh viên. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả cho việc kết hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong công tác giáo dục đạo đức mới cho sinh viên chúng ta cần chú ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, để tiếp tục phát huy hiệu quả cao trong giáo dục đức cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay thì phải có sự kết hợp thống nhất giữa gia đình, nhà trường, xã hội về quan điểm, nội dung phương pháp và phải xây dựng được môi trường văn hoá lành mạnh. Chúng ta phải tạo ra sự tin tưởng cho sinh viên ở trong môi trường gia đình, nhà trường, xã hội, để họ tự giác phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trở thành người công dân tốt. Gia đình trở thành cầu nối giữa nhà trường và xã hội, gia đình phải thường xuyên liên hệ với nhà trường, nắm bắt được tình hình học tập và sinh hoạt cộng đồng của sinh viên như thế nào, tránh việc gia đình ngăn cấm sinh viên tham gia các hoạt động do Đoàn và Hội sinh viên tổ chức.
Để tạo ra được môi trường văn hoá lành mạnh, trước tiên giáo dục gia đình phải nền tảng. Một gia đình hạnh phúc, chăm lo tới con mình sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự hình thành nhân cách, đạo đức của sinh viên. Ông, bà, cha, mẹ phải là tấm gương đạo đức cho con cháu, họ là những người sẽ định hướng cho các sinh viên về các mối quan
hệ trong xã hội và cách ứng xử các mối quan hệ đó như thế nào cho nó phù hợp với văn hoá đạo đức. Nhà trường là thiết chế xã hội, do đó nhà trường cần phải nâng cao ý thức kỷ luật, tạo ra môi trường dạy học thân thiện: “trường ra trường, lớp ra lớp, trò ra trò, thầy ra thầy” để giúp sinh viên nhận thức đúng trách nhiệm của mình trước gia đình, nhà trường và xã hội.
Mối quan hệ thầy trò hiện nay đang bị tác động mạnh của nền kinh tế thị trường, do đó phải làm trong sạch mối quan hệ này, phát huy tinh thần “tôn sư, trọng đạo” thầy ra thầy, trò ra trò, thầy cô phải là người định hướng cho sinh viên về những giá trị đạo đức tốt trong xã hội; mặt khác thầy cô là tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần tự học, tự rèn luyện cho sinh viên. Các tổ chức đoàn thể phải thể hiện được mình là thủ lĩnh của các phong trào sinh viên, thể hiện vai trò lãnh đạo và cũng như là trách nhiệm của mình trước sinh viên. Phải quan tâm, khuyến khích, giúp đỡ, động viên, khích lệ sinh viên trước các hoạt động mang tính chất giáo dục chính trị tư tưởng và cũng phải kỷ luật nghiêm khắc trước những sinh viên vi phạm kỷ luật. Chính môi trường xã hội sẽ tạo cho sinh viên về việc tự nhận thức, tự giáo dục và tự rèn luyện bản thân mình.
Thứ hai, sinh viên hiện nay đang sống trong bối cảnh toàn cầu hoá, một thế giới
bùng nổ thông tin, được học hỏi và giao lưu với nhiều nền văn hoá trên thế giới. Điều đó, có tác động to lớn đến đời sống văn hoá, tinh thần và lối sống của sinh viên, họ là tầng lớp tri thức nên hết sức nhạy cảm, dễ tiếp thu cái mới mà dễ dàng quên đi các giá trị truyền thống của dân tộc. Thực tế đã cho thấy rất nhiều sinh viên hiện nay do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hoá, họ đã tiếp nhận lối sống xa lạ thích ăn chơi, hưởng thụ mà không chịu học tập rèn luyện. Họ thờ ơ với mọi việc xẩy ra xung quanh, suốt ngày chỉ nghĩ đến game, vũ trường và các chất kích thích khác, làm cho đời sống sinh viên hiện nay có sự xáo trộn nhất định. Mặt khác, do nền kinh tế thị trường nên những sân chơi bổ ích cho sinh viên ngày một bị thu hẹp đi, các hoạt động phong trào còn mạng tính hình thức, chưa thực sự thu hút được sinh viên tham gia. Chính vì vậy, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để hạn chế những tiêu cực trong lối sống của sinh viên hiện nay. Bằng các biện pháp kết hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội, đặc biệt là tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên cần phối hợp với
chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, các đơn vị vũ trang để tổ chức các hoạt động văn hoá, hoạt động thể thao…để sinh viên tham gia. Bên cạnh đó, cần phải có những biện pháp tuyên truyền hữu ích cho sinh viên thấy được mặt trái của toàn cầu hoá