- Quan niệm về giá trị cuộc sống của sinh viên hiện nay
2.1.2. Một số vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng đạo đức mới cho sinh viên Việt Nam hiện nay
Việt Nam hiện nay
- Mâu thuẫn giữa đòi hỏi ngày càng cao của việc thực hiện các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức mới với những tác động từ mặt tiêu cực của kinh tế thị trường, những phức tạp của toàn cầu hóa.
Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới đang tạo ra những thời cơ thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc. Nhưng có một thực tế khác mà chúng ta phải đối mặt, đó là những tác động tiêu cực từ mặt trái của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới, đặc biệt là về văn hóa, đạo đức. Những giá trị đạo đức truyền thống của nhiều dân tộc đang có nguy cơ mai một. Những giá trị đạo đức mới được hình thành cũng đang bị tấn công.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng: “ Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa” [55, tr.267] Đạo đức xã hội chủ nghĩa là đạo đức mới, đạo đức cách mạng, một kiểu đạo đức thực sự mang tính người và tính nhân đạo cao cả. Việc thực hiện những nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị đạo đức mới góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Sinh viên là những chủ nhân tương lai của đất nước, của dân tộc. Việc xây dựng đạo đức mới cho sinh viên giữ vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển toàn nhân cách sinh viên.
Trong mấy năm gần đây, các phong trào của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên đã phần nào khơi dậy được ý thức và trách nhiệm của thế hệ trẻ trước đất nước và nhân dân. Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang tác động tích cực đến việc xây dựng đạo đức mới cho sinh viên. Đó cũng là quá trình hiện thực hóa ý thức đạo đức thành thực tiễn đạo đức, tạo ra những giá trị đạo đức đủ sức đề kháng trước sự xâm lấn của phản giá trị đạo đức.
Các thế hệ sinh viên hiện nay đang được giáo dục và đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, hơn ai hết họ phải nhận thức được rằng cơ hội và thử thách đang đến với họ, đất nước đang trao cho họ vận mệnh mới, cả dân tộc đang hy vọng vào thế hệ trẻ đầy năng động và sáng tạo hôm nay. Trước bối cảnh đó, sinh viên Việt Nam cần phải phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiếm lĩnh đỉnh cao của tri thức khoa học, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Chủ nghĩa yêu nước là bậc thang cao nhất trong hệ giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đạo đức mới đòi hỏi yêu nước là yêu nước trên lập trường của giai cấp vô sản, trên tinh thần quốc tế vô sản. Trong lúc đó, quá trình toàn cầu hóa hiện nay đang chịu sự chi phối của chủ nghĩa tư bản. Đây là một rào cản lớn đòi hỏi chúng ta phải vượt qua.
Đạo đức mới coi chủ nghĩa tập thể là nguyên tắc, là yêu cầu cơ bản nhất của mình. Cơ sở kinh tế của chủ nghĩa tập thể là chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất. Cơ sở chính trị - xã hội của nó là nguyên tắc bình đẳng của mọi công dân, là việc thủ tiêu tình trạng người bóc lột người. Đó là sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng, tập thể. Thực hiện nguyên tắc đạo đức mới này có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong lúc đó mặt trái của kinh tế thị trường lại nảy sinh chủ nghĩa cá nhân, “vị kỷ”; tạo nên sự bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu nghèo, ủng hộ tư hữu hóa. Đây là những mâu thuẫn đã và đang nảy sinh trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói chung, trong tầng lớp sinh viên nói
riêng. Khắc phục những mâu thuẫn này đã và đang là đòi hỏi cấp bách của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay ở nước ta.
- Mâu thuẫn giữa mục tiêu đào tạo đội ngũ trí thức trong tương lai có phẩm chất đạo đức trong sáng với nguy cơ suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận sinh viên Việt Nam hiện nay.
Mục tiêu đào tạo của các trường đại học và cao đẳng ở nước ta hiện nay được quy định ở điều 39 Luật Giáo dục năm 2005 là: “Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. Với mục tiêu đào tạo nói trên, nhiệm vụ đào tạo của các trường cao đẳng, đại học không chỉ đẩy mạnh giáo dục tri thức khoa học; công nghệ, mà còn phải tăng cường giáo dục đạo đức cho sinh viên. Tại Đại hội X, Đảng ta yêu cầu ngành giáo dục đào tạo cần: “Coi trọng bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên khát vọng mãnh liệt xây dựng đất nước giàu mạnh, gắn liền lập nghiệp bản thân với tương lai của cộng đồng, của dân tộc, trau dồi cho học sinh, sinh viên bản lĩnh, phẩm chất và lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại” [17, tr. 207].
Bối cảnh toàn cầu hóa và nền kinh tế thị trường đã tạo ra những mặt tích cực làm thay đổi diện mạo cuộc sống, nhưng nó đã tạo ra những mặt trái làm đảo lộn nhiều giá trị. Mặt trái của toàn cầu hóa và nền kinh tế thị trường là một trong những nguyên nhân làm cho một bộ phận sinh viên mơ hồ về lý tưởng cách mạng, thiếu niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa hội ở nước ta. Một số sinh viên còn lười học, có một số vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy, quy chế thi, gian lận trong thi cử. Vẫn còn một bộ phận sinh viên đòi được hưởng thụ, không nghĩ đến trách nhiệm của mình trước gia đình - nhà trường - xã hội. Một số sinh viên còn biểu hiện ăn chơi, đua đòi, trong tình yêu thì sống hết mình, sống thử, tham gia vào tệ nạn ma túy, mại dâm. Điều này cho ta thấy khoảng cách giữa mục tiêu đào tạo với đời sống đạo đức trong một bộ phận sinh viên nước ta hiện nay là rất lớn. Khoảng cách ấy cần phải được lấp đầy. Để khắc phục tình trạng đó, đòi hỏi chúng ta phải quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, nâng cao nhận thức cho sinh viên trong việc học tập và rèn luyện đạo đức; coi trọng giáo dục đạo đức, lối
sống là những nội dung không thể thiếu được trong giáo dục đại học nước ta hiện nay. Việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức cho sinh viên, một mặt, tạo ra tiền đề văn hóa cho sinh viên tiếp thu các giá trị của nhân loại tiến bộ, mặt khác, tạo ra một cơ chế phản xạ để phòng ngừa các phản giá trị đạo đức đang tác động đến sinh viên.
- Mâu thuẫn giữa yêu cầu không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức mới cho sinh viên với những hạn chế, bất cập trong giáo dục đạo đức hiện nay ở nước ta.
Đạo đức được hình thành chủ yếu từ hai con đường: tự phát và tự giác. Chính quá trình con người sống, hoạt động, giao tiếp đòi hỏi phải có những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức để điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với những yêu cầu xã hội đặt ra để không xâm phạm đến lợi ích người khác. Tất nhiên sự điều chỉnh này diễn ra ở cấp độ, trình độ thấp. Do chỗ là thói quen, tập quán được hình thành một cách tự phát từ chính đời sống hàng ngày của họ.
Để nhận thức sâu sắc, đầy đủ, ý thức được trách nhiệm về hành vi của mình, sinh viên cần được giáo dục đạo đức. Để hình thành ở họ những giá trị, chuẩn mực đạo đức tốt đẹp, mang tính bền vững, xây dựng được niềm tin, lý tưởng đạo đức.v.v. cho sinh viên, không có con đường nào tốt hơn là giáo dục đạo đức một cách cơ bản , hệ thống. Coi “đạo đức học” là một khoa học - khoa học nhân đạo hóa con người và xã hội loài người.
Tại hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương khoá VIII, tháng 12 năm 1996) Đảng ta xác định: Hết sức coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nhân cách cho học sinh, sinh viên. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên luôn được Đảng và nhà nước ta quan tâm, coi đây là nội dung cơ bản trong chiến lược giáo dục - đào tạo. Tiếp tục phát triển tư tưởng chỉ đạo trên, tại hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương (khoá VIII tháng 12 năm 1998) chỉ rõ: Phải coi trọng giáo dục đạo lý làm người, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, đạo đức, lối sống cho sinh viên. Cụ thể hoá các giá trị đạo đức trong giáo dục - đào tạo, để đào tạo ra những chủ nhân tương lai của nước nhà “vừa hồng vừa chuyên” là vấn đề cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khoá X) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW “về tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá” đã đưa ra mục tiêu, yêu cầu mới trong quá trình giáo dục đào tạo thế hệ trẻ là: Tiếp tục xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, sống có văn hoá, vì cộng đồng; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp trong lao động tập thể, trở thành những công dân tốt của đất nước.
Trước sự quan tâm và chỉ đạo sâu sắc của Đảng và Nhà nước, trong mấy năm qua công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, đạo đức đã có những bước chuyển tích cực. Đã xây dựng thế hệ sinh viên thời kỳ hội nhập có đạo đức, nhân cách, tri thức, sức khoẻ, tư duy năng động và hoạt động sáng tạo; tiếp nối truyền thống oanh liệt của dân tộc, nêu cao lòng yêu nước, phát huy tinh thần xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ xung kích tình nguyện để hướng tới cộng đồng, có ý chí vươn lên trong học tập. Từ thực tế đó, đã góp phần to lớn trong việc hình thành nhân cách cho sinh viên, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, thậm chí cả trong sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật trên, thì công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên hiện nay đang còn nhiều bất cập: từ nội dung chương trình đến cả việc giảng dạy và học tập. Chương trình giảng dạy môn đạo đức học nội dung còn nghèo nàn, các khái niệm và các giá trị đạo đức còn mang tính trừu tượng, chưa đáp ứng được yêu cầu của người học. Việc giảng dạy và học tập môn đạo đức học chỉ được thực hiện ở một số trường Đại học, Cao đẳng thuộc ngành sư phạm và khoa học xã hội nhân văn. Do đó môn đạo đức học vẫn chưa được cả người dạy và người học quan tâm đúng mức. Mặt khác toàn cầu hoá và nền kinh tế thị trường đã làm thay đổi nhiều giá trị chuẩn mực đạo đức trong đó có quan hệ giữa thầy và trò, giữa bạn bè với nhau. Chủ nghĩa thực dụng và lối sống hưởng lạc lấy đồng tiền làm thước đo đang có nguy cơ thâm nhập vào cuộc sống của một bộ phận sinh viên. Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII đã chỉ rõ:
Nhiều biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục đào tạo làm cho xã hội lo lắng như suy thoái đạo lý trong quan hệ thầy trò, bạn bè môi trường sư phạm
xuống cấp; lối sống thiếu lý tưởng, hoài bão, ăn chơi, nghiện ma tuý …ở một bộ phận học sinh, sinh viên; việc coi nhẹ giáo dục đạo đức, thẩm mỹ và các bộ môn chính trị, khoa học xã hội và nhân văn. [11, tr. 47].
Lực lượng sản xuất càng phát triển, khoa học kỹ thuật ngày càng đạt được những tiến bộ mới, kinh tế tri thức đang ảnh hưởng, tác động sâu rộng đến các quốc gia và vùng lãnh thổ…điều đó đặt ra vấn đề phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phải “trí thức hoá” nguồn lao động.
Sinh viên là lực lượng xã hội sẽ bổ sung cho nguồn nhân lực có chất lượng cao trong tương lai. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, để thực hiện chủ trương “đi tắt đón đầu”, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, ngoài việc nâng cao trình độ nhận thức, tri thức khoa học, chuyên môn nghiệp vụ, một trong những đòi hỏi quan trọng đó là đào tạo nhân cách sinh viên, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng, rèn luyện ý chí, bản lĩnh con người Việt Nam, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thách thức vì ngày mai lập thân, lập nghiệp; vì hạnh phúc của bản thân và tiền đồ của đất nước.