+ Nhận thức, thái độ của sinh viên về nhiệm vụ học tập rèn luyện “Vì ngày mai lập thân, lập nghiệp”.
Chúng ta đang bước vào nền kinh tế tri thức, hàm lượng chất xám được coi là tài nguyên vô giá đối với mọi quốc gia. Chính vì vậy, nhận thức, thái độ chính trị của sinh viên trước tiên được thể hiện ở sự nhận thức, thái độ về nhiệm vụ chính trị của họ là học tập, rèn luyện để ngày mai lập thân, lập nghiệp. Điều đó đòi hỏi Sinh viên phải phát huy cao độ truyền thống hiếu học của dân tộc, luôn chủ động, tích cực khắc phục mọi khó khăn, chuyên cần và sáng tạo vươn lên trong học tập, rèn luyện để trở thành tri thức trẻ có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lao động khoa học, tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Động cơ học tập của sinh viên: Đa số sinh viên hiện nay có ý thức tích cực, chủ động trong học tập. Họ hiểu rằng học tập là trách nhiệm và quyền lợi thiết thực của bản thân, là cơ sở để lập nghiệp sau này. Sinh viên xác định rõ mục đích của học tập là để có nghề tốt, thu nhập cao (71,6%), học để có kiến thức (68,4%) tạo hành trang vững chắc bước vào cuộc sống [23, tr.35]
Đa số sinh viên có quan niệm và thái độ học tập đúng đắn: tích cực học tập, học ở trường, học ở nhà, học ở bạn, học ở thầy cô và học ở thực tiễn cuộc sống. Theo kết quả khảo sát của Hội Sinh viên thành phố Hồ Chí Minh có 31% sinh viên thành phố được hỏi trả lời chú trọng tự học ngoài giờ lên lớp. Xu hướng sinh viên đến thư viện ngày càng tăng. Sinh viên hiện nay đã tích cực hơn trong việc nắm vững tri thức, nắm vững chuyên môn nghề nghiệp, chủ động tiếp thu khoa học - công nghệ. Nhiều sinh viên đã tích cực tham gia các khoá bồi dưỡng tri thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, thậm chí có nhiều sinh viên học hai trường đại học, học ngoại ngữ, tin học để chuẩn bị cho các điều kiện cho lập nghiệp. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu giáo dục: 70% sinh viên học thêm ngoại ngữ; 30% học thêm tin học, 25% học thêm nhiều môn khác [21, t.r44]
Một điều thật đáng mừng là có tới 61,8% sinh viên cho rằng học để đóng góp và cống hiến cho xã hội. Nhiều sinh viên hiện nay đã xác định việc đạt được lợi ích cá nhân chỉ có thể có khi gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của tập thể. Vì vậy, sinh viên coi học tập là để phát triển bản thân đồng thời cũng là để phát triển đất nước.
Thái độ học tập của sinh viên: Đa số sinh viên (64,8%) tự đánh giá mình không lười học nhưng cũng chưa chăm học; 20,6% tự nhận thấy mình chưa cố gắng trong học tập và chỉ có 12,6% cho rằng mình đã học tập chăm chỉ. Như vậy, thái độ học tập của phần đông sinh viên là chủ động, tích cực, nhưng chưa thật sự cố gắng nỗ lực của bản thân. Thực tế trên cho thấy nó tương ứng với kết quả học tập. Số lượng sinh viên học tập đạt kết quả trung bình càng ngày giảm đi, số sinh viên xuất sắc và giỏi càng tăng lên chiếm 7,47% [23, tr.36].
Ý thức tự học tập, tự nghiên cứu của sinh viên hiện nay: Ý thức tự học tập của sinh viên hiện nay có sự tiến bộ rõ rệt qua việc sinh viên thường tự học ở thư viện, học ngoài giờ lên lớp, tìm kiếm thông tin trên mạng. Điều đó được cụ thể bằng số sinh viên thường xuyên ôn bài một mình ngoài giờ lên lớp là 42,1% và thỉnh thoảng là 46,4%: thường xuyên đến thư viện đọc tài liệu là 19,9% và thỉnh thoảng là 59% [23, tr.36]
+ Nhận thức, thái độ và trách nhiệm của sinh viên đối với công cuộc đổi mới đất nước
Năm 1986 Đảng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, thành tựu của hơn 20 năm đổi mới đã được Đảng ta khẳng định: “Hai mươi năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử [17, tr.67]. Đóng góp vào thành tựu đó, có công rất lớn của các thế hệ sinh viên. Sinh viên ngày nay ngày càng phát huy được truyền thống của các thế hệ sinh viên đi trước, họ vẫn đang là lực lượng tiên phong đi đầu tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước. Thực tế, trong mấy năm qua sinh viên nước ta đã thể hiện được vai trò xung kích đi đầu trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, hình ảnh những sinh viên tình nguyện đến với nhân dân, đóng góp sức trẻ cho sự lớn mạnh của đất nước. Số sinh viên thể hiện rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước và hăng hái tham gia chiếm 58,1%; số sinh
viên ít quan tâm nhưng hy vọng vào vai trò bản thân chiếm 2,2% [23, tr.36]. Đánh giá tâm trạng của sinh viên khi nước ta gia nhập WTO (xem bảng 1.2) ta thấy được niềm tin và trách nhiệm của sinh viên đối với sự hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
+ Niềm tin của sinh viên vào sự phát triển của đất nước
Những thành tựu của hơn 20 năm đổi mới đất nước đã tác động tích cực tới nhận thức, thái độ chính trị của sinh viên. Sinh viên lạc quan, tin tưởng vào tương lai phát triển của đất nước là 12,5%; 76,8% lạc quan, phấn khởi về sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng còn nhiều băn khoăn. Những băn khoăn của sinh viên tập trung vào các vấn đề xã hội: tệ nạn ma tuý, mại dâm, tệ nạn tham nhũng, tình trạng lạm phát giá cả tăng nhanh, vấn đề việc làm của sinh viên khi ra trường. Chính vì vậy, chúng ta phải tập trung giải quyết tốt các tệ nạn trên thì công tác giáo dục chính trị tư tưởng mới có sức hút đối với sinh viên.
+ Ý thức phấn đấu trở thành đảng viên
Phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là mục tiêu, lý tưởng của thanh niên Việt Nam. Kết quả điều tra của Viện nghiên cứu thanh niên cho thấy:
Bảng 2.1: Nguyện vọng tham gia vào Đảng, vào Đoàn
Mức độ nguyện vọng Vào Đảng Vào Đoàn
Rất tha thiết 81,3% 82.4%
Vào cũng được, không vào cũng được 14,1% 14,6%
Không có nguyện vọng 4,6% 3%
Nguồn: Điều tra tình hình tư tưởng và nhận thức chính trị của thanh niên trong giai đoạn hiện nay [22, tr.25].
Bảng 2.2:Động cơ phấn đấu vào Đảng, Đoàn
TT Cảm nhận Vào Đảng Vào Đoàn
2 Để có điều kiện, môi trường phấn đấu, rèn luyện
82,6% 82,8%
3 Do truyền thống của họ hàng, gia đình
21% 18,7%
4 Đó là điều kiện và cơ hội để thăng quan, tiến chức
21,1% 15,6%
5 Để làm gương cho mọi người noi theo 48,3% 44,5%
6 Vào Đảng, vào Đoàn cho oai với mọi người xung quanh
3,8% 3,7%
Nguồn: Điều tra tình hình tư tưởng và nhận thức chính trị của thanh niên trong giai đoạn hiện nay [22, tr.26].
Động cơ vào Đảng của sinh viên hiện nay nhìn chung là trong sáng, đúng đắn: bày tỏ nguyện vọng phấn đấu vào Đảng là có điều kiện, môi trường phấn đấu rèn luyện, coi đó là niềm tự hào của bản thân, gia đình. Có tới 77,3% sinh viên có nguyện vọng muốn vào đảng, tham gia xây dựng Đảng [23, tr.24].
Như vậy, có thể khẳng định rằng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng luôn được xác định là nhiệm vụ trung tâm và xuyên suốt trong các trường đại học và cao đẳng. Được các trường đại học, cao đẳng quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc nên đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho sinh viên.
+ Ý thức trách nhiệm vì cộng đồng
Trong bối cảnh của toàn cầu hoá và phát triển nền kinh tế thị trường, sinh viên cũng chịu ảnh hưởng, tác động không nhỏ từ mặt trái của quá trình này. Họ đã và đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức trong học tập, cuộc sống. Tuy vậy, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng của sinh viên không vì thế mà giảm sút. Điều này, thể hiện rõ nét nhất ở hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Theo số liệu điều tra của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: có 71,1% số ý kiến sinh viên sẵn sàng tham gia hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; 20,3% cho rằng sẵn sàng tham gia nhưng phải có chế độ, chính sách tốt; 8,6% trả lời chưa xác định. Thái độ
của sinh viên trước các tiêu cực trong xã hội là thái độ tích cực, hăng hái trong đấu tranh chống cái xấu, tiêu cực trong xã hội. Có 25,4% sinh viên tích cực đấu tranh, kịp thời ngăn chặn chống cái xấu, tiêu cực trong xã hội; 65,6% sinh viên thông báo cho người có trách nhiệm liên quan; chỉ có 7,3% cho rằng giữ im lặng và bỏ qua [23, tr.25].
Tóm lại, nhận thức, thái độ chính trị của sinh viên trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay là sống có lý tưởng, hoài bão, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, chủ động, tích cực sáng tạo trong học tập. Họ ra sức rèn đức, luyện tài để trở thành tri thức trẻ trong tương lai, có đủ phẩm chất, năng lực và bản lĩnh chính trị, xứng đáng là đội quân đi đầu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.