Những biểu hiện sa sút về đạo đức của sinh viên nước ta hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề xây dựng đạo đức mới cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay pptx (Trang 62 - 67)

- Quan niệm về giá trị cuộc sống của sinh viên hiện nay

2.1.1.2. Những biểu hiện sa sút về đạo đức của sinh viên nước ta hiện nay

Đánh giá một cách tổng quát, tiến bộ đạo đức của sinh viên những năm gần đây là cơ bản và đáng trân trọng. Định hướng giá trị nhân cách, giá trị đạo đức ngày một rõ ràng và tiến bộ hơn. Hình ảnh sinh viên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế thế giới ngày càng rõ nét và chiếm được những cảm tình sâu sắc của bạn bè gần xa.

Bên cạnh những sinh viên tận tuỵ, ngày đêm chăm lo học tập, rèn luyện vì ngày mai lập thân, lập nghiệp, vì hạnh phúc của bản thân và tiền đồ của đất nước, cũng còn không ít sinh viên có biểu hiện tiêu cực, sa sút về phẩm chất đạo đức, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của sinh viên

Sự sa sút về đạo đức của sinh viên nước ta hiện nay tập trung chủ yếu ở mấy khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, trong giờ học trên lớp, cách học tập, tiếp thu kiến thức của sinh viên

hiện nay vẫn mang tính thụ động, lệ thuộc vào giáo viên và quen với cách học tập truyền thống chỉ có tiếp thu kiến thức mà không có sự trao đổi, tranh luận với giáo viên.

Qua khảo sát cho thấy, đa số sinh viên “không tranh luận với quan điểm của giáo viên khi không đồng tình” (21,4% trả lời mức thường xuyên, 49,4% trả lời ở mức thỉnh thoảng). Phần đông sinh viên “không chủ động xung phong phát biểu thảo luận” (26,3% trả lời ở mức thường xuyên, 57,3% trả lời ở mức thỉnh thoảng) mà “ngồi im lặng nghe giảng” (54,1% thường xuyên, 36,1% thỉnh thoảng).

Thứ hai, ý thức tập trung vào bài học trên lớp của sinh viên cũng hạn chế, thể hiện ở việc sinh viên thường xuyên làm việc riêng trong giờ. Phần đông sinh viên trao đổi trong lớp với các bạn bên cạnh về các vấn đề ngoài bài giảng khi giảng viên đang giảng (11,8% thường xuyên, 64,8% thỉnh thoảng); hơn 1/3 sinh viên (37,1%) trả lời thỉnh thoảng trong giờ học môn này học bài môn khác; có 1/3 sinh viên (34,1%) thường xuyên đọc truyện, đọc báo trong giờ học; có 22,4% thỉnh thoảng ngủ, chơi bài hoặc chơi cờ trong lớp.

Thứ ba, ý thức chấp hành kỷ luật của một bộ phận sinh viên chưa cao có 62,9%

thỉnh thoảng và có 5,9% sinh viên thường xuyên đi học muộn, có 63,7% thỉnh thoảng và có 3,9% sinh viên thường xuyên nghỉ học [23, tr.37]. Vấn đề này cũng ảnh hưởng đến quá trình học tập, tu dưỡng đạo đức của sinh viên; làm cho sinh viên xác định động cơ đến giảng đường không đúng, không chịu tiếp thu các kiến thức mà các thầy, cô truyền thụ ở trên lớp. Vì vậy xuất hiện một số sinh viên không đủ điều kiện để dự thi kết thúc môn học, do không có bài kiểm tra giữa môn và nghỉ học quá tiết quy định.

Thứ tư, sự hiểu biết về pháp luật của một bộ phận sinh viên còn hạn chế; tình trạng vi phạm quy định về an toàn giao thông xảy ra khá nhiều. Trong mối quan hệ tình bạn, tình yêu đang có những xu hướng thực dụng, phóng túng thiếu trách nhiệm. Hiện tượng làm “gái bao”, mắc vào tệ nạn mại dâm, “sống thử”, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân trong nữ sinh đã tạo ra dư luận không tốt. Do bị ảnh hưởng bởi lối sống lai căng, sách báo, văn hoá phẩm đồi truỵ …nhiều bạn nam, nữ sinh viên có lối sống buông thả, hoặc quan niệm “phải sống sành điệu, hết mình, sống theo thời đại, sống thoáng”.

Chạy theo lợi ích vật chất tầm thường, một số nữ sinh tham gia vào hoạt động mại dâm, sống thân phận “tầm gửi” vào các đại gia, tham gia các động lắc, nhiều bạn nữ sinh rơi vào tình trạng “vừa học, vừa làm mẹ”. Theo báo cáo của TS. Phạm Kim Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội) trong Hội thảo toàn quốc “Giáo dục đạo đức học sinh, sinh

viên nước ta: thực trạng và giải pháp” được tổ chức tại Đồng Nai (ngày 18 và 19/7/2008) cho thấy: Cuộc điều tra khảo sát tại 30 trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước của Vụ văn hoá (Ban tư tưởng văn hoá Trung ương) phối hợp với vụ Công tác học sinh - Sinh viên (Bộ giáo dục và đào tạo) nói lên con số đáng lo ngại 51,4 % sinh viên cho rằng “sống thử trước hôn nhân là hiện tượng khá phổ biến”. Theo báo cáo của các bệnh viện thì có khoảng 30% đến 40 % số ca nạo hút thai là thuộc về đối tượng học sinh, sinh viên.

Theo thống kê của Vụ công tác học sinh - sinh viên (Bộ Giáo dục và đào tạo), số sinh viên phạm tội chỉ khoảng 0,01% trong tổng số sinh viên cả nước mỗi năm. Điều làm chúng ta phải suy nghĩ không phải là việc phạm tội của sinh viên ít hay nhiều, điều đáng quan tâm ở đây là chỗ nó diễn ra không còn mang tính chất riêng lẻ, tự phát, mà ngày càng nghiêm trọng cả về quy mô và cách thức biểu hiện. Điển hình vụ cướp ngày 29/12/2007 trên địa bàn huyện Từ Liêm, Hà Nội trong đó có 4 sinh viên k58 trường Cao đẳng giao thông vận tải Thái Nguyên mang súng đi cướp (báo Dân trí ngày 30/12/2007).

Hiện nay, xuất hiện tội phạm mới trong sinh viên có trình độ công nghệ cao như vụ Clip sex Hoàng Thuỳ Linh (diễn viên đóng vai Vàng anh trong phim truyền hình “ Nhật ký vàng anh”) lên mạng là 4 đối tượng sinh viên của Học viện thời trang London, Đại học FPT, Đại học dân lập Thăng Long ( theo báo Công an nhân dân ngày 25/10/2007)

Qua cuộc điều tra của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, tình hình suy thoái đạo đức của sinh viên hiện nay như sau:

Về hiện tượng trộm cắp, cướp giật: sinh viên cho rằng ít phổ biến là 47,1% và không có là 37,4%. Một số vi phạm khác:

Bảng 2.5: Nhận thức tình hình vi phạm pháp luật trong sinh viên

Nội dung vi phạm Phổ biến Ít phổ biến Không Không trả lời

Vi phạm luật giao thông 22,5% 55,7% 16,8% 5%

Gây gỗ đánh nhau 9,7% 48,4% 36,8% 5%

Nguồn: Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tổng quan tình hình sinh viên, công tác hội và phong trào sinh viên nhiệm kỳ VII 2003-2008 (32,tr 73- 74).

Thứ Năm, về hiện tượng sử dụng ma túy: Tệ nạn ma túy đang làm khủng hoảng

trong các gia đình, đang phát triển theo chiều hướng xấu trong một bộ phận thanh niên, tạo ra sự lo lắng cho toàn xã hội về sự suy đồi đạo đức, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Theo cuộc điều tra của Trung ương Hội Sinh viên: có 69,6% người trả lời cho là không có ma túy nơi họ sống; 25,4% cho là ít phổ biến; 3% phổ biến và 57% không có câu trả lời. Điều đáng quan tâm là sự tăng đột biến của tệ nạn ma túy trong học đường từ 600 học sinh, sinh viên năm 2004 lên 1.234 đối tượng năm 2008 ( tăng gấp đôi) [23, tr.74-75]. Nghiêm trọng hơn là một số sinh viên sử dụng ma túy tổng hợp ở các “động lắc” trá hình đây thực sự là nỗi lo cho thế hệ trẻ nói chung và sinh viên nói riêng.

Thứ sáu, về các hình thức đánh bạc ăn tiền: (chơi lô đề, đánh bài ăn tiền, cá độ

bóng đá) có 95,3% số sinh viên trả lời thì có 20,4% cho là phổ biến ở nơi sinh viên sống; có 27,1% cho là không có; còn 47,8% cho là ít phổ biến [23, tr.75]. Vì tham gia vào đánh bạc mà nhiều sinh viên bỏ học, trốn tiết, nợ nần chồng chất. Để tiếp tục có tiền lao vào canh bạc đỏ đen, nhiều sinh viên đã giết người, cướp của, sự nghiệp học hành dở dang.

Sở dĩ hiện nay có một bộ phận sinh viên có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, thiếu hoài bão, ước mơ, chạy theo lối sống thực dụng …là do:

Nước ta mở cửa giao lưu quốc tế, hội nhập với các nước trên thế giới đã giúp cho sinh viên có cái nhìn thông thoáng hơn về các giá trị trong cuộc sống. Do chúng ta chuẩn bị chưa tốt cho sinh viên trong quá trình hội nhập, nên sinh viên dễ bị kích động, bị lôi kéo bởi những cái “mới”, những “lăng xê” dẫn tới vi phạm đạo đức truyền thống và pháp luật.

Bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế đang là mảnh đất màu mỡ để cho kẻ thù thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” làm phân hóa sâu sắc về nhận thức, tư tưởng trong nhân dân. Đối với sinh viên, mục tiêu của “diễn biến hòa bình” là làm phai

nhạt niềm tin lý tưởng cách mạng không kiên định mục tiêu “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, xa rời văn hóa dân tộc. Lợi dụng những thông thoáng trong hợp tác giao lưu quốc tế của đất nước ta, kẻ thù đã tung vào nước ta tư tưởng đa đảng, đòi dân chủ, tự do tôn giáo để kích động sinh viên, làm mất an ninh trật tự. Mặt khác, chúng tung vào đất nước các loại văn hóa phẩm độc hại, lối sống buông thả của phương Tây để làm cho sinh viên mất đi niềm tin của cuộc sống, xa rời các giá trị đạo đức chuẩn mực.

Sự quản lý sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù đã có Phòng Công tác chính trị - học sinh, sinh viên nhưng hoạt động vẫn còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất của đời sống sinh viên. Các buổi sinh hoạt chính trị đầu khóa tổ chức còn chưa nghiêm túc, thiếu thông tin định hướng cho sinh viên.

Việc giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin trong các trường đại học và cao đẳng tuy có nhiều thay đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của sinh viên. Đặc biệt là “môn đạo đức học” đây là môn học định hướng các giá trị đạo đức cho sinh viên, giúp sinh viên nhận thức được thiện - ác, lương tâm - trách nhiệm, danh dự. Nhưng cho đến nay, hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng không đưa vào giảng dạy, chỉ có một số trường thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn, trường sư phạm mới đưa vào giảng dạy. Do đó, các giá trị đạo đức, các nguyên tắc đạo đức mới sinh viên không được tiếp thu, dẫn đến những hành động của sinh viên vi phạm pháp luật, trái với luân thường đạo lý.

Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên vẫn chưa phát huy được vai trò là trung tâm tập hợp sinh viên, là đại diện tiếng nói của sinh viên. Bên cạnh những phong trào mang tính đồng thuận cao của xã hội, thì vẫn chưa có những phong trào định hướng giá trị cuộc sống cho sinh viên trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đội ngũ cán bộ của tổ chức Đoàn và Hội sinh viên vẫn chưa thực sự gắn bó với sinh viên, lắng nghe ý kiến của sinh viên để đề ra những biện pháp ngăn chặn vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống của sinh viên.

Một nguyên nhân mang tính chất nhân tố chủ quan nhưng hết sức quan trọng đó chính là từ chính bản thân của sinh viên - tầng lớp tri thức trẻ, sôi động, nhiệt huyết,

nhưng kinh nghiệm sống còn hạn chế. Một bộ phận sinh viên tỏ thái độ thờ ơ về chính trị và phai nhạt về lý tưởng, nên một số ngại tham gia hoạt động đoàn thể, xã hội. Xuất hiện lối sống cá nhân thực dụng, lười học, thiếu trung thực trong học tập, gian lận trong thi cử. Với những sinh viên này, cần phải giáo dục đạo đức mới đồng thời kết hợp những biện pháp mang tính chất bắt buộc để họ hòa nhập vào tập thể, cộng đồng.

Đất nước ta đang mở cửa hòa nhập với quốc tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa đầy phức tạp có những mặt trái tác động đến lớp trẻ hiện nay. Chính vì vậy, trong thực tế đã xẩy ra những hiện tượng vi phạm đạo đức, lối sống. Nếu chúng ta không có những hành động kịp thời thì hậu quả sẽ rất khôn lường, làm cho các giá trị đạo đức trong xã hội bị đảo ngược.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề xây dựng đạo đức mới cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay pptx (Trang 62 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)