2. NGUYÊN NHÂN TỪ CON NGƯỜI
2.6. Tăng dân số
Tăng trưởng dân số quá nhanh tạo ra áp lực rất lớn đối với đa dạng sinh học. Trên thực tế, sự gia tăng dân số hiện nay là rất nhanh, với tốc độ khoảng 1,7%/năm. Với tốc độ này, đến năm 2025, dân số thế giới sẽ đạt đến 9,5 tỷ. Nếu thế giới cần 200 năm từ những năm 1650 đến những năm 1850 để tăng gấp đôi dân số từ 500 triệu lên 1 tỷ người thì lại chỉ cần 47 năm từ năm 1930 đến năm
1987 để tăng gấp đôi dân số từ 2 tỷ lên 4 tỷ người và hiện đã đạt xấp xỉ 7 tỷ người. Trong khi dân số gia tăng nhanh như vậy thì các tính toán về năng lượng sơ cấp cho thấy Trái Đất chỉ có khả năng cung cấp năng lượng cho khoảng 13 - 15 tỷ người.
Sự gia tăng dân số đòi hỏi gia tăng nhu cầu sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và các nhu cầu cần thiết khác trong khi lượng tài nguyên thì hạn hẹp, nhất là đất cho sản xuất nông nghiệp. Hệ quả tất yếu dẫn đến là phải mở rộng đất nông nghiệp, đất định cư và đất xây dựng… vào đất rừng và làm cho đa dạng sinh học giảm.
Ở vùng miền núi, tỷ lệ tăng dân số của các dân tộc ít người còn cao hơn. Khi nguồn lợi cần thiết cho nhu cầu hàng ngày không đủ, người dân địa phương ở miền núi lại tiếp tục tập quán du canh, lấy đất trồng lúa nương, hoa màu.. và cuộc sống của họ dựa chủ yếu vào nguồn tài nguyên rừng vì thế nguồn tài nguyên đa dạng sinh học ngày càng nghèo kiệt, tài nguyên thiên nhiên và các hệ sinh thái suy giảm nghiêm trọng. Nhưng người dân miền núi vẫn trong tình trạng nghèo khổ.