II. Sự cần thiết phải phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát ở Việt Nam
1. Vai trò của ngành Bia – Rượu – Nước giải khát trong nền kinh tế quốc dân
Ngành Bia – Rượu – Nước giải khát ở Việt Nam đã có nguồn gốc phát triển từ lâu. Càng ngày đời sống nhân dân càng được cải thiện, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát càng tăng lên. Không chỉ đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm, ngành Bia – Rượu – Nước giải khát còn là một ngành kinh tế quan trọng, có mức tăng trưởng và đóng góp vào ngân sách Nhà nước tương đối lớn. Bên cạnh đó, ngành còn tạo được công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động và góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
1.1. Ngành Bia – Rượu – Nước giải khát tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân tiêu dùng của người dân
Không chỉ có ăn, mặc, ở, đi lại, uống cũng là một trong những nhu cầu không thể thiếu của con người.
Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng các loại nước uống tự nhiên như nước suối, nước mưa…để bổ sung lượng nước cho cơ thể. Đời sống xã hội ngày càng cao thì nhu cầu về uống cũng tăng lên. Từ nước uống chỉ mang tính chất giải khát đơn thuần, chuyển sang nước uống vừa có tính chất giải khát vừa mang tính chất bổ dưỡng, tăng cường sức khỏe hay để thỏa mãn các nhu cầu khác.
Các sản phẩm của ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng. Từ nước khoáng, nước tinh khiết, nước giải khát có gaz đến các loại nước hoa quả, nước uống bổ dưỡng, các sản phẩm bia hơi, bia lon, bia chai hay rượu trắng, rượu vang…đã góp phần đáp ứng được những nhu cầu tất yếu của người dân, giảm một lượng nhập khẩu đáng kể.
1.2. Đóng góp về giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm và kim ngạch xuất khẩu
Ngành Bia – Rượu – Nước giải khát là ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Giá trị sản xuất công nghiệp của ngành không ngừng tăng lên, từ giá trị 10.037 tỷ đồng năm 2000 lên 26.745 tỷ đồng (tính theo giá cố định 1994) vào năm 2007. Trong ba phân ngành, ngành bia có giá trị sản xuất lớn nhất. Đóng góp về giá trị sản xuất của ngành Bia – Rượu – Nước giải khát vào ngành sản xuất thực phẩm đồ uống cũng tương đối cao, hàng năm chiếm tỷ trọng khoảng 22%.
Về giá trị tăng thêm, ngành Bia – Rượu – Nước giải khát có giá trị tăng thêm tăng liên tục cả về con số tuyệt đối, cả về tỷ trọng đóng góp vào giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp và tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Năm 2000, giá
trị tăng thêm của ngành đạt 5.246,46 tỷ đồng, chiếm 6,88% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp và 1,92% GDP. Sau 7 năm, giá trị tăng thêm của ngành đã đạt hơn 13000 tỷ đồng, chiếm 8,79% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp và 2,85% GDP cả nước.
Không chỉ đóng góp về giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm, ngành Bia – Rượu – Nước giải khát còn đóng góp về kim ngạch xuất khẩu cho cả nước. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm bia, rượu, nước giải khát có tốc độ tăng trưởng nhanh, trung bình trên 21%/năm. Đến năm 2007, ngành đã đóng góp trên 55 triệu USD vào kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong đó, xuất khẩu nước giải khát đạt kim ngạch lớn nhất, 39.149,5 nghìn USD, chiếm hơn 70% kim ngạch của toàn ngành.
1.3. Đóng góp vào ngân sách Nhà nước
Ngoài các khoản thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng…ngành Bia – Rượu – Nước giải khát còn đóng góp vào ngân sách Nhà nước một lượng lớn thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nộp ngân sách Nhà nước của ngành tăng nhanh từ năm 2000 đến nay. Trong giai đoạn 2000-2005 tốc độ tăng nộp ngân sách của ngành Bia – Rượu – nước giải khát là 17,02%/năm; nếu tính cả giai đoạn 7 năm thì tốc độ tăng trưởng đạt 16,43%/năm. Năm 2000, nộp ngân sách Nhà nước của ngành gần 33.000 tỷ đồng, đến năm 2007 con số này đạt 94.856 tỷ đồng, chiếm hơn 55% trong ngành thực phẩm đồ uống và 3,3% tổng thu ngân sách. Trong ba phân ngành, ngành bia nộp ngân sách Nhà nước lớn nhất và chiếm hơn 90% tổng nộp ngân sách của ngành Bia – Rượu – Nước giải khát.
1.4. Giải quyết vấn đề lao động
Ngành Bia – Rượu – Nước giải khát phát triển, số lượng cơ sở sản xuất tăng nhanh hàng năm thu hút và giải quyết việc làm ổn định cho trên 37 ngàn lao động. Trong đó, số lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất nước giải khát nhiều nhất, chiếm trên 50% số lao động toàn ngành. Hơn nữa, lao động trong ngành Bia – Rượu – Nước giải khát có thu nhập cao so với mức trung bình của xã hội (thu nhập bình quân năm 2006 là 2,616 triệu đồng/người/tháng, năm 2007 là 2,89 triệu đồng/người/tháng).
1.5. Thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển
Để sản xuất ra các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát cần phải sử dụng những nguyên liệu đầu vào là sản phẩm của ngành nông nghiệp như đại mạch, gạo, hoa quả…Ngành Bia – Rượu – Nước giải khát phát triển làm tăng nhu cầu về các nguyên liệu này và kéo theo ngành nông nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, cùng với sự mở rộng về quy mô, nhu cầu về máy móc thiết bị cũng tăng lên, tạo điều kiện cho ngành cơ khí, chế tạo máy phát triển.
Sản phẩm bia, rượu, nước giải khát thường được đóng lon, đóng chai và không ngừng thay đổi về mẫu mã, điều này đã thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất bao bì, nhãn mác phát triển theo. Hơn nữa, hoạt động phân phối và tiêu thụ sản phẩm được đặc biệt chú trọng trong ngành Bia – Rượu – Nước giải khát, hoạt động này kéo theo các ngành dịch vụ như giao thông vận tải, kinh doanh buôn bán sản phẩm…phát triển.