2015
I. Quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát ở Việt Nam giải khát ở Việt Nam
1. Quan điểm phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát
Ngành Bia – Rượu – Nước giải khát ở nước ta ngày càng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Ngành đang được quan tâm phát triển dựa trên những quan điểm sau:
Thứ nhất, phát triển ngành công nghiệp sản xuất bia, rượu, nước giải khát theo hướng bền vững, chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Thứ hai, phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát trên cơ sở huy động nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế, dưới mọi hình thức, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của xã hội.
Thứ ba, phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát trên cơ sở áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, không ngừng đổi mới và cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm; tập trung xây dựng một số thương hiệu mạnh quốc gia để cạnh tranh hiệu quả trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
2. Định hướng phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát
Dựa trên quan điểm phát triển của ngành, định hướng phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát của nước ta trong thời gian tới là:
Đối với lĩnh vực sản xuất bia: tập trung cải tạo, mở rộng nâng công suất các nhà máy quy mô vừa và nhỏ gắn với đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại. Xây dựng mới các nhà máy có công suất lớn từ 100 triệu lít/năm trở lên gắn với các thương hiệu lớn. Tiếp tục xây dựng và phát triển một số thương hiệu bia nội địa mạnh để có đủ năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Đối với lĩnh vực sản xuất rượu: khuyến khích phát triển sản xuất rượu quy mô công nghiệp chất lượng cao. Giảm dần rượu nấu thủ công quy mô gia đình. Kết hợp nấu rượu thủ công có cải tiến công nghệ ở các làng nghề với thu gom xử lý theo quy mô công nghiệp ở các công ty để sản xuất ra rượu mang màu sắc truyền thống, không độc hại, giá rẻ, phục vụ nhu cầu ở các địa phương. Khuyến khích phát triển rượu vang từ các loại quả gắn với phát triển các vùng nguyên liệu ở các địa phương.
Đối với lĩnh vực sản xuất nước giải khát: khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất nước giải khát quy mô lớn, thiết bị, công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu trong nước kết hợp xây dựng vùng nguyên liệu, trong đó ưu tiên sản xuất nước giải khát từ hoa quả và các loại nước uống bổ dưỡng.
3. Mục tiêu phát triển của ngành Bia – Rượu – Nước giải khát đến năm 2015
Dựa trên quan điểm và định hướng phát triển, kết hợp với thực trạng phát triển của ngành trong thời gian qua, mục tiêu phát triển của ngành Bia – Rượu – Nước giải khát đến năm 2015 là:
Về mục tiêu tổng quát: xây dựng ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam trở thành một ngành kinh tế quan trọng, có thương hiệu hàng hóa mạnh trên thị trường; các sản phẩm có chất lượng cao, có uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn
thực phẩm, đa dạng hóa về chủng loại, bao bì, mẫu mã; có khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập, đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu.
Trong thời gian tới, mục tiêu của ngành Bia – Rượu – Nước giải khát là phát triển nhanh, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh quốc tế và khu vực, phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển ngành của thế giới và khu vực, phát huy được tiềm năng, lợi thế của đất nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế quốc dân và tiến tới xuất khẩu sản phẩm.
Bên cạnh mục tiêu chung ở trên, ngành có các mục tiêu cụ thể sau:
Về sản lượng và cơ cấu sản phẩm:
Đối với sản phẩm bia, mục tiêu đến năm 2015 sản lượng bia đạt 4.293 triệu lít, trong đó giảm dần tỷ lệ bia hơi, giữ ổn định tỷ lệ bia lon và tăng tỷ lệ bia đóng chai lên 66,7%.
Đối với sản phẩm rượu: mục tiêu đến năm 2015 sản lượng rượu đạt 500 triệu lít. Về cơ cấu, giảm tỷ trọng rượu tự nấu xuống còn 62,35%.
Đối với sản phẩm nước giải khát: mục tiêu đến năm 2015 sản lượng nước giải khát đạt 4.205 triệu lít. Về cơ cấu, theo xu hướng phát triển của thị trường thì nhu cầu các loại nước quả, nước bổ dưỡng và đồ uống không gaz tăng nhanh trong thời gian tới. Do đó mục tiêu đến năm 2015, tỷ trọng nước quả tăng lên 8,91%; đồ uống không gaz tăng lên 7,68%; nước uống có gaz giảm xuống còn 15,8%; nước khoáng và nước tinh lọc chiếm 67,6%.
Về công suất đầu tư mới và đầu tư mở rộng:
Trên cơ sở mục tiêu sản xuất bia, rượu, nước giải khát, dự tính khả năng phát huy công suất của các nhà máy trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 đạt
khoảng 80% thì tổng công suất thiết kế và số lượng các nhà máy vào cuối năm 2015 như sau:
Bảng 3.1: Tổng công suất và số nhà máy của ngành Bia – Rượu – Nước giải khát dự kiến đến hết năm 2015
Bia Rượu Nước giải khát
Tổng công suất thiết kế (triệu lít) 5.385 235 5.227
Số lượng nhà máy 158 90 1.013
Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu, IPSI, 2008
Về phân bố công suất sản xuất theo vùng:
Bảng 3.2: Phân bố công suất sản xuất theo vùng đến năm 2015 Đơn vị: %
Bia Rượu Nước giải khát
Vùng Đồng bằng sông Hồng 33,16 29,49 27,11
Vùng Trung du miền núi phía Bắc 4,77 9,16 3,94 Vùng Duyên hải miền Trung 27,46 12,63 14,28
Vùng Tây Nguyên 1,99 5,09 1,08
Vùng Đông Nam Bộ 24,80 29,91 28,97
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long 7,82 13,72 24,62
Cả nước 100 100 100
Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu, IPSI, 2008
Ngành Bia – Rượu – Nước giải khát có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên từ thực trạng phát triển ngành trong thời gian qua cần thiết phải tìm ra các giải pháp để ngành Bia – Rượu – Nước giải khát phát triển phù hợp với các quan điểm, định hướng cũng như mục tiêu đã đề ra. Tiếp theo chuyên đề sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển ngành đến năm 2015.