Các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát ở Việt Nam đến năm 2015 (Trang 82 - 86)

II. Một số giải pháp chủ yếu phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát ở Việt Nam

1.1.Các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm

1. Nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh

1.1.Các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm

1.1.1. Giải pháp về nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ

Khoa học công nghệ là động lực thúc đẩy ngành Bia – Rượu – Nước giải khát phát triển. Nó có vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên chất lượng sản phẩm, bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu và vấn đề môi trường. Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ giúp phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát theo chiều sâu, tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành. Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục cải tiến máy móc thiết bị, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường tiên tiến…cho ngành Bia – Rượu – Nước giải khát.

Các doanh nghiệp lớn trong ngành cần chú trọng đầu tư cho trung tâm hoặc phòng nghiên cứu chuyên ngành của mình trang thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ khoa học đủ mạnh để nghiên cứu các sản phẩm mới, nghiên cứu cải tiến công nghệ hiện có.

Thực hiện chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển và của các công ty hàng đầu thế giới; có chương trình phối hợp với các viện nghiên cứu, các trường đại học để nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến theo xu hướng phát triển của thế giới.

Việc đổi mới máy móc thiết bị, đặc biệt là máy móc thiết bị từ nước ngoài đòi hỏi phải có vốn lớn. Do đó các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ

và vừa có các phương án nâng cấp thiết bị, sử dụng thiết bị chế tạo trong nước có chất lượng tương đương thiết bị nhập khẩu nếu có thể để tiết kiệm chi phí.

Đối với các dự án đầu tư nhà máy mới, cần chú trọng đầu tư các nhà máy có công suất lớn, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến.

Các dự án đầu tư mở rộng và đầu tư theo chiều sâu cần thực hiện triệt để việc hiện đại hóa công nghệ, thay thế công nghệ và thiết bị lạc hậu hiện có bằng công nghệ và thiết bị hiện đại, chú trọng xử lý chất thải bảo vệ môi trường.

1.1.2. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Chất lượng nguồn nhân lực có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên nguồn nhân lực của ngành Bia – Rượu – Nước giải khát hiện nay đang có chất lượng thấp, do đó phát triển nguồn nhân lực là việc làm cấp thiết cho sự phát triển lớn mạnh của cả ngành.

Muốn thực hiện được điều này, các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực.

Nhu cầu lao động tăng thêm của ngành từ nay đến năm 2010 là trên 1000 người và đến năm 2015 cần thêm khoảng 6000 người. Dự tính trung bình hàng năm số lao động nghỉ theo chế độ 4% tổng lao động thì trung bình 1 năm cần bổ sung thêm khoảng 1500 người. Như vậy, trung bình hàng năm cần đào tạo để bổ sung cho ngành Bia – Rượu – Nước giải khát 2500 lao động, trong đó, cán bộ kỹ thuật và quản lý (đại học và trên đại học) khoảng 500 người; trung cấp và công nhân kỹ thuật khoảng 1300 người. Các doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với các trường đại học trong và ngoài nước, trung tâm dạy nghề để đào tạo cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân lành nghề theo nhu cầu của đơn vị.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo lại lao động theo định kỳ, kể cả đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân lành nghề để có đủ trình độ tiếp

thu, vận hành công nghệ, thiết bị mới, thích nghi với điều kiện cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế. Do hiện nay vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang được quan tâm hàng đầu do dó cần tăng cường phổ biến các kiến thức về chất lượng VSATTP để đây trở thành ý thức thường trực trong người lao động.

Doanh nghiệp cử các cán bộ đi đào tạo tại các trường và trung tâm nổi tiếng thế giới của một số quốc gia có nền công nghiệp bia, rượu, nước giải khát phát triển; cần nghiên cứu xây dựng hệ thống đánh giá và đãi ngộ xứng đáng, có cơ chế thu hút và giữ người tài.

1.1.3. Giải pháp về phát triển nguyên liệu cho ngành

Nguyên liệu là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm và chi phí sản xuất. Quy hoạch phát triển nguyên liệu cho ngành không những tạo điều kiện để nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giúp cho quy hoạch phát triển ngành hợp lý hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, việc đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất bia, rượu, nước giải khát thời gian qua còn nhiều hạn chế. Trong thời gian tới cần có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng và ổn định cho sản xuất.

Đối với ngành bia, trong thời gian qua chúng ta phải nhập khẩu một lượng lớn đại mạch nên cần có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu này để hạn chế nhập khẩu. Do giống đại mạch hiện có không thích hợp với khí hậu nước ta nên cần tăng cường phối hợp với các nhà khoa học để tìm ra các giống đại mạch mới phù hợp hơn. Việc xây dựng vùng nguyên liệu đòi hỏi nhiều vốn và độ rủi ro lại khá cao vì vậy nên để những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh thực hiện. Cụ thể là các Tổng công ty như SABECO, HABECO sẽ phối hợp với các địa phương để nghiên cứu trồng đại mạch trong nước.

Các doanh nghiệp sản xuất rượu vang cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu cho chính mình. Cần có sự liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân, các địa phương để tạo ra các vùng nguyên liệu tập trung có chất lượng cao, ổn định lâu dài cho doanh nghiệp.

Đối với công nghiệp sản xuất nước giải khát, do nhu cầu nước giải khát có nguồn gốc từ tự nhiên đang rất lớn nên cần ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, sơ chế để có được vùng nguyên liệu tập trung, năng suất cao, chất lượng phù hợp yêu cầu chế biến của ngành. Doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, nhà nông, phát huy các lợi thế sẵn có để phát triển các vùng nguyên liệu cho sản xuất nước giải khát. Đẩy mạnh công tác thăm dò và đánh giá chất lượng các nguồn nước khoáng ở các địa phương để có thể khai thác, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của xã hội.

1.1.4. Giải pháp nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm

Trong thời gian qua, công tác quản lý chất lượng sản phẩm còn yếu, chưa theo kịp được sự phát triển của ngành Bia – Rượu – Nước giải khát. Điều này đã tạo điều kiện cho các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát chất lượng kém xuất hiện một cách phổ biến, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành và xã hội. Muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, ngoài các biện pháp về cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển nguyên liệu như đã nói ở trên, công tác quản lý chất lượng sản phẩm cũng cần phải được cải thiện.

Muốn vậy, trước hết phải có được một khuôn khổ pháp lý đầy đủ và có hiệu lực tạo cơ sở cho công tác quản lý. Thực tế hiện nay các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm bia, rượu, nước giải khát còn thiếu. Chẳng hạn như đối với rượu, đến nay mới chỉ có ba tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cho ba loại là rượu

trắng, rượu màu và rượu mùi, các loại rượu khác vẫn chưa có...Do vậy trong thời gian tới, cơ quan quản lý ngành cần phối hợp với các bộ ngành liên quan như Bộ Y tế, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng...để xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng về bia, rượu, nước giải khát sao cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và các cam kết cũng như xu hướng chung của thế giới. Đồng thời với việc xây dựng các tiêu chuẩn, cơ quan quản lý ngành cũng cần tiếp tục có sự phối hợp với các cơ quan khác như Cục quản lý thị trường, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm...trong việc theo dõi, kiểm soát thực hiện.

Ngoài ra, dựa trên vai trò và chức năng của mình, cơ quan quản lý ngành cần thúc đẩy phong trào nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua các hoạt động như tôn vinh các doanh nghiệp hay sản phẩm có chất lượng tốt, tổ chức các hoạt động bình chọn...để khuyến khích doanh nghiệp tự giác cải thiện chất lượng sản phẩm.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát ở Việt Nam đến năm 2015 (Trang 82 - 86)