Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội đã ra đời và bắt đầu hoạt động từ 2/1/1989. Cùng với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của các thế hệ Hội đồng quản trị, Ban điều hành và các cán bộ nhân viên, HABUBANK đã dần khẳng
định hướng đi bằng vị thế của mình cả ở trong nước và quốc tế. Nhìn lại chặng đường 19 năm qua, các lớp thế hệ HABUBANK hoàn toàn có thể tự hào khi mỗi người trong số họ đã góp phần làm nên thành công và diện mạo cho thương hiệu HABUBANK hôm nay. Ngọn lửa về niềm say mê, tận tâm với nghề, về sự sáng tạo không ngừng trong công việc là những viên gạch vững chắc xây dựng nên nền móng của một ngôi nhà mang đậm bản sắc văn hóa HABUBANK. Đang ở tuổi căng sức sống và tràn đầy nhiệt huyết với mong muốn góp sức mình vào sự phồn thịnh của xã hội và sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, liên tục trong nhiều năm qua, HABUBANK đã đạt được thành công trên mọi phương diện. Đến nay thương hiệu HABUBANK đã có một chỗ đứng nhất định trên thị trường và với các khách hàng. Tuy nhiên, nhìn chung HABUBANK vẫn không phải là một ngân hàng thực sự nổi bật, nhất là về mạng lưới hoạt động. HABUBANK đã đi từng bước đi chậm rãi và vững chắc, với chất lượng luôn song song cùng số lượng. HABUBANK không có mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch lên đến con số hàng trăm nhưng điểm giao dịch nào của HABUBANK cũng hoạt động ổn định, hiệu quả - điều đó được khẳng định bằng các kết quả kinh doanh hàng năm của toàn ngân hàng. Năm 2007 là năm thứ 2 liên tiếp HABUBANK là đại diện duy nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam vinh dự được tạp chí The Banker (thuộc tập đoàn Finacial Times - Anh) trao tặng danh hiệu Bank of the year – Vietnam. Đây là một giải thưởng lấy tiêu chí tăng trưởng, ổn định và hiệu quả quản lý làm thước đo đánh giá chứ không dựa vào quy mô về vốn và mạng lưới. Điều đó càng chứng tỏ hướng đi mà HABUBANK lựa chọn là đúng đắn.
Định hướng của HABUBANK trong tương lai sẽ trở thành một Ngân hàng Đầu tư. Với những đồng vốn huy động từ khách hàng, vốn góp cổ đông, từ phát hành trái phiếu và đi vay liên ngân hàng,… HABUBANK sẽ sử dụng
để cho vay, đầu tư tài chính, mua sắm tài sản cố định… Trong đó cho vay sẽ tăng về số tuyệt đối nhưng giảm về số tương đối (%) trong sử dụng nguồn vốn (phát triển bán buôn và mở rộng bán lẻ). Còn hoạt động đầu tư tài chính sẽ tăng cả về số tuyệt đối và số tương đối.
Năm 2008, HABUBANK đề ra kế hoạch cho các chỉ tiêu cơ bản gồm: tổng tài sản đạt 30.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng, tổng huy động đạt 24.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 12.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 650 tỷ đồng, duy trì tỷ lệ nợ quá hạn thấp hơn 2% đảm bảo cho ngân hàng hoạt động an toàn và ổn định.
Với chiến lược kinh doanh đúng đắn và đúng lúc của HABUBANK là “Lấy ngân hàng làm trọng tâm, phát triển và mở rộng các mảng kinh doanh tài chính mới một cách linh hoạt về hình thức tổ chức nhằm thu hút khách hàng mới, phục vụ tốt hơn khách hàng hiện tại, gia tăng giá trị đầu tư cho các cổ đông”, HABUBANK đã sẵn sàng cho năm 2008 trước những khó khăn khi với việc thắt chặt các chính sách tiền tệ để giảm lạm phát của chính phủ và cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt trong ngành tài chính ngân hàng.