Phương pháp vận động phụ nữ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vận động phụ nữ trên địa bàn xã ở tỉnh Hải Dương trong giai đoạn hiện nay ppt (Trang 39 - 43)

Phương pháp vận động phụ nữ có thể hiểu là tổng hợp những cách thức, biện pháp, quy trình tổ chức, tập hợp mọi tầng lớp phụ nữ làm cách mạng có hiệu quả cao nhất.

Phương pháp tiến hành công tác vận động phụ nữ mỗi thời kỳ cách mạng, có sự khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: điều kiện hoàn cảnh, trình độ nhận thức, đối tượng và chủ thể vận động.

Trong bài Dân vận, Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân vận không thể chỉ dùng báo

chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn chỉ thị mà đủ.

Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.

Điểm thứ hai là, bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành.

Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân.

Khi thi hành luật xong phải cùng dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng” [43, tr.698-699].

Như vậy, theo Hồ Chí Minh: Trước hết phải tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục cho phụ nữ hiểu, khi họ hiểu rồi thì mới tin theo và quyết tâm thực hiện. Trong thời kỳ Người còn bôn ba hoạt động ở nước ngoài, bằng nhiều cách khác nhau, Người đã giải thích cho phụ nữ hiểu rằng: “Những việc đó là vì lợi ích của họ mà phải làm”. Thông qua việc lên án chế độ thực dân, sự thông cảm, thấu hiểu với phụ nữ ở phương Đông cũng như An Nam phải chịu sự đàn áp, bóc lột hà hiếp, từ đó Người kiên trì “vận động, tuyên truyền”. Cách tuyên truyền có hiệu quả nhất ở thời kỳ này theo Người là thông qua tài liệu: “Xin các đồng chí gửi đều cho tôi, không chỉ riêng báo cáo của các đồng chí, mà cả những sách báo Nga mà phụ nữ và thiếu nhi có thể ưa thích, bởi vì ở đây còn phải làm nhiều việc vận động phụ nữ”. Kết hợp là nêu gương, Người đã dùng những gương phụ nữ điển hình, những phong trào phụ nữ điển hình trên thế giới, qua đó tuyên truyền cho phụ nữ An Nam cùng thực hiện. Người nêu ra phong trào “phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia bảo vệ đất nước”, “phụ nữ ấn Độ chống thực dân Anh”, “phụ nữ Triều Tiên đã và đang đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc”, “phụ nữ Nhật Bản buộc Chính phủ từ bỏ cấm phụ nữ tham gia đời sống chính trị” [39, tr.267]. Vì thế An Nam cách mạng cũng phải “vận động đàn bà con gái tham gia”. Khi họ đã hiểu, đã đồng lòng, thì việc gì cũng làm được “Lúc đầu nông dân rất sợ chủ nghĩa cộng sản” nhưng nhờ “tuyên truyền chính trị” mà họ đã hiểu “Đảng Cộng sản là duy nhất có thể giải thoát họ khỏi sự khốn cùng hiện tại của họ” [40, tr.190] và “Họ tán thành cương lĩnh của Đảng Cộng sản khi nỗi lo của họ về “xã hội hoá phụ nữ” được xua tan” [40, tr.205].

Người khẳng định “Nước ta là nước dân chủ” cho nên mọi người dân, mọi phụ nữ có quyền được thông tin, được biết, được giải thích, được bàn bạc. Thông qua đó mà rút ra những kinh nghiệm quý báu, những bài học hay. Trong bài Bệnh máy móc, Người đã phê bình ở tỉnh A không làm tốt công tác phụ vận, không cùng nhân dân, không cùng phụ nữ bàn bạc và chỉ “Ra lệnh bắt phụ nữ góp, và bắt phụ nữ có 3,4 con mọn cũng phải đi tập “một, hai”” [44, tr.4]. Trong khi đó ở tỉnh B do có cách tuyên truyền họ cùng bàn bạc, có kế hoạch cho nên “phụ nữ đã xung phong góp quỹ nhiều hơn, và nữ du kích thì mạnh mẽ hơn” [44, tr.4]. Kinh nghiệm cho thấy: “ở nơi nào công việc kém, là vì cán bộ xa dân chúng, không cùng dân chúng bàn bạc, không giải thích. Nơi kha khá là vì cán bộ biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc nhưng chưa hoàn toàn. Nơi nào khá lắm là vì việc gì to nhỏ, cán bộ cũng biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc đến nơi, đến chốn, dựa vào dân chúng” [43, tr.295]. Trong Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Liên hiệp phụ nữ toàn quốc về vấn đề phát động quần chúng nông dân tháng 3 năm

1953, Người nói “Cán bộ phụ nữ đi vận động, có cô vận động khéo, đến đâu dân làm gì mình làm nấy, thân thiết như người nhà thì có thành tích. Cô nào không hoà lẫn được với nhân dân, vẫn giữ thói quen thành phố thì vận động không thành công” [45, tr.57]. Như vậy, cách vận động, giải thích trong phụ nữ là ngọn nguồn để dẫn tới mọi sự thành công. Khi phụ nữ đã được giải thích, cùng đặt ra kế hoạch thì họ tham gia một cách tự nguyện và có hiệu quả cao. Người đã từng khẳng định: Phải biết “đem sức dân, tài dân, của dân làm lợi cho dân” [43, tr.61]. Có như vậy đường lối, chủ trương của Đảng, Pháp luật của Nhà nước mới được thực hiện một cách tốt nhất, phụ nữ mới đem hết sức mình để phục vụ cách mạng:

Cán bộ lại ra sức giúp dân làm mọi việc, nhân dân thấy thế rất cảm phục. Nhờ đó mà nhân dân với cán bộ khăng khít với nhau, cơ sở gây lại được, cán bộ sống hoà lẫn với dân, dần dần tổ chức lại sản xuất và chiến đấu. Một hôm dõng đến làng, phụ nữ trong làng ăn mặc chải chuốt, ra chuốc rượu. Dõng mắc mưu uống phải rượu có thuốc mê, ngã quay ra cả. Phụ nữ gọi du kích vào tước súng [44, tr.51].

Một trong những phương pháp quan trọng của công việc vận động phụ nữ, theo Người cần phải tổng kết đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, phải có sự

khen chê kịp thời, từ đó tuyên truyền để mọi người cùng noi theo; sinh thời đi tới đâu, Người cũng thay mặt Đảng, Chính phủ “kiểm thảo công tác” phụ vận. Người đồng thời cho rằng: phải thẳng thắn phê bình, chỉ ra những việc chưa làm được của phụ nữ “phụ vận ta còn có thiếu sót: ít chú ý vận động gia đình các cán bộ và các nhà chủ công nghiệp, gia đình các nhà công thương và các chị em nội trợ” [46, tr.132]. Như thế có nghĩa là trong những trường hợp này công tác phụ vận còn “bỏ sót” đối tượng cần vận động. Người khẳng định: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng cách mạng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào” [43, tr.698]. Vì thế mà “phụ vận ta còn thiếu sót”, “Nhiều cháu thường hay bắt chước cái xấu hơn là cái tốt” [46, tr.516], khuyết điểm đó một phần do “người lớn, xã hội là chính, nhất là của thanh niên, phụ nữ” [46, tr.516]. Vì thế muốn làm tốt phải tìm cách giáo dục, tìm cách để vận động, phải tìm ra được nguyên nhân, đề ra giải pháp thì phụ vận mới có kết quả. Một trong những quan điểm của Người là: Trong khi vận động phụ nữ phải kết hợp, gắn bó tuyên truyền, giải thích với pháp luật để họ tự nguyện, tự giác thực hiện nghĩa vụ công dân. Chúng ta biết rằng trong phụ nữ có nhiều người, trình độ nhận thức, quan điểm, nguyện vọng là khác nhau, do đó phải có kết hợp vận động tuyên truyền với pháp luật. Người dẫn ra một số người vẫn cố tình làm sai “Cha mẹ ép buộc chúng cưới vợ lấy chồng, con không làm theo thì chửi mắng, đánh đập. Tệ yêu sách của cải trong cưới hỏi vẫn thường xảy ra” [48, tr.662] cho nên phải “ra sức tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình sâu rộng hơn nữa” [48, tr.662].

Nhưng quan trọng hơn tất cả vẫn là cán bộ dân vận, Người khẳng định: muốn muôn việc thành công thì người cán bộ dân vận nói chung, phụ vận nói riêng phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc” [43, tr.699].

Như vậy, để phụ vận có hiệu quả thì người cán bộ phụ vận trước hết phải có sự hiểu biết về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hiểu rõ đối tượng hoàn cảnh, tìm mọi cách để giải thích cho mọi người hiểu rõ. Điều mà Hồ Chí Minh khẳng định “mắt trông, tai nghe, chân đi” nghĩa là làm công tác dân vận phải đi sâu, đi sát thực tế, không được quan liêu. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết hội nghị 12 Ban chấp hành Trung ương Đảng (16.01.1966), Người nói:

Có một cô phụ trách các cháu mẫu giáo, trước khi đi sơ tán cô giáo đi gặp tất cả bố mẹ các cháu, xem gia đình thế nào, dặn dò các cháu trước khi đi sơ tán, nhắc phải làm gì cho các cháu. Đến chỗ sơ tán, cô giáo đi thăm tất cả các gia đình để gây cảm tình với các gia đình ấy, kết nghĩa các cháu sơ tán đến với các cháu địa phương. Cô giáo lại đi xem những chỗ gần đấy để xem tình hình giá cả, ... Vì vậy sau khi đi sơ tán, các cháu rất mạnh khoẻ, vui vẻ [50, tr.19]. Tóm lại, để công tác phụ vận ngày càng phát triển đòi hỏi phải có phương pháp vận động khéo: “Khéo vận động, tổ chức và hướng dẫn thì chị em phụ nữ ấy có tác dụng lớn đối với xã hội. Cách làm của phụ vận Trung Quốc đơn giản, thiết thực và kết quả to” [46, tr.132]. Đó là một lời khuyên, đồng thời cũng chỉ ra cho chúng ta cách làm hiệu quả nhất đối với công tác vận động phụ nữ của Hồ Chí Minh.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vận động phụ nữ trên địa bàn xã ở tỉnh Hải Dương trong giai đoạn hiện nay ppt (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)