Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, chỉ có tri thức, trình độ mới giải phóng được con người, đưa con người tới mọi sự bình đẳng, tiến bộ. Để giải phóng phụ nữ đòi hỏi phụ nữ phải học tập, nâng cao nhận thức và hiểu biết về mọi mặt.
ở Việt Nam, do ảnh hưởng của chính sách cai trị, một chính sách “ngu dân” hạn chế mở trường học nhằm “không muốn cho dân ta biết chữ để dễ lừa dối và bóc lột dân ta” [42, tr.36]. Vì thế “số người Việt Nam thất học so với số người trong nước là 95%, nghĩa là hầu hết người Việt Nam mù chữ” [41, tr.36] trong đó phụ nữ chiếm số đông. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám Hồ Chí Minh vạch rõ: “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí” [41, tr.36]. Vì thế, ngay sau khi giành độc lập năm 1945, mặc dù bề bộn với công việc khôi phục đất nước, Người vẫn hết sức chú trọng đến việc phát động chiến dịch diệt “giặc dốt” trong cả nước để xoá dần tình trạng lạc hậu, dốt nát của nhân dân do chính sách ngu dân để lại.
Trong chiến dịch diệt giặc dốt, Người đặc biệt quan tâm tới phụ nữ, bởi lẽ phụ nữ đã bị “kìm hãm quá lâu”, do vậy “phụ nữ càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước” [42, tr.37], có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà.
Người cho rằng, chỉ có nâng cao trình độ cho phụ nữ mới có thể giải thoát họ khỏi những trói buộc của chế độ cũ. Chính sự dốt nát đã làm cho phụ nữ lâm vào bước đường cùng khổ, nó cũng là nguồn gốc sâu xa dẫn tới sự kéo dài của những thiên kiến lạc hậu, hà khắc. Do người phụ nữ ít được học hành, mặt khác bị công việc trói buộc cho nên đầu óc càng “u mê, đần độn”. Không thể khác, chỉ có nâng cao trình độ văn hoá cho phụ nữ thì mới thực sự giải phóng được cho họ.
Với mục đích như vậy, Hồ Chí Minh đã đề nghị và đưa vào Hiến pháp vấn đề bình đẳng nam nữ trong lĩnh vực văn hoá, vừa tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, vừa ghi nhận vai trò mà phụ nữ đã cống hiến. Điều 6, Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ
cộng hoà 1946 đã công nhận “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi
phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá”. Trước đó, Người đã khẳng định trong chương trình Việt Minh: “Về các phương diện kinh tế, chính trị, văn hoá, đàn bà đều được bình đẳng với đàn ông” [41, tr.585]. Trong Hiến pháp 1959 một lần nữa khẳng định quyền bình đẳng về văn hoá của phụ nữ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để vận động phụ nữ tiến bộ về lĩnh vực này, trước hết bản thân phụ nữ phải “gắng học tập chính trị, học tập văn hóa, kỹ thuật” [48, tr.89] góp phần xây dựng đất nước, nhanh chóng đuổi kịp “chị em phụ nữ ở thế giới”. Vì vậy, Người luôn quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng phụ nữ. Người vui mừng khi biết phụ nữ đã có mặt ở cả vị trí người dạy cũng như người học: “Trong phong trào phát triển bình dân học vụ, phụ nữ chiếm một phần lớn trong số người dạy cũng như trong số người học” [44, tr. 432]. Người kịp thời biểu dương những gương điển hình học giỏi của nữ giới vừa động viên, vừa khích lệ phụ nữ vì thế mà cần phải cố gắng thi đua: “Cháu thi quốc ngữ đỗ thứ nhì, Bác gửi lời khen cháu và khuyên cháu gắng học thêm, sao cho lần sau thi đỗ thứ nhất. Bác lại mong cháu cùng các chị em xung phong trong cuộc thi đua ái quốc” [43, tr.450]. Người không hài lòng khi tỷ lệ nam, nữ còn chênh lệch “Giáo viên phụ nữ còn quá ít. Chúng ta phải cố gắng hơn nữa. Sau này công tác giáo dục phần nhiều phải do phụ nữ đảm nhận, muốn phụ nữ đảm nhận thì phải bồi dưỡng phụ nữ” [46, tr.137]. Để nâng cao địa vị cho phụ nữ đòi hỏi “chúng ta phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ” [48, tr.451]. Đó là sự nhắc nhở của Bác đối với các cấp
lãnh đạo và những người phụ trách giáo dục. Nói chuyện với Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc, Bác căn dặn:
Công tác chúng ta ngày càng tiến lên càng đòi hỏi nhiều về mặt kỹ thuật khoa học văn hoá, nhưng trình độ phụ nữ ta còn kém. Đó là một nhược điểm. Từ nay, các cấp Đảng, chính quyền địa phương khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độ của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa [48, tr.184].
Người thường xuyên chú trọng tới những nét đặc thù của phụ nữ để từ đó đề ra chính sách phù hợp với chị em. Hiến pháp 1959 đã quy định: “Nhà nước đảm bảo cho
phụ nữ công nhân và phụ nữ viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn được hưởng nguyên lương. Nhà nước bảo hộ quyền lợi này của người mẹ và của trẻ em”.
Mỗi lần tới thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ từ Trung ương đến địa phương, Người đều nhắc nhở các cấp, các ngành cần quan tâm thực hiện chính sách xã hội đối với phụ nữ để chị em được hưởng những quyền lợi của mình. Đến thăm và nói chuyện với đồng bào tỉnh Bắc Giang ngày 6.4.1961, Người căn dặn: “Muốn giữ gìn sức khoẻ thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch. Cần phải tìm mọi cách để bảo vệ phụ nữ thai nghén, để chữa các bệnh đau mắt hột và bệnh sốt rét” [48, tr.335]. Người yêu cầu: “Các hợp tác xã phải có những tổ giữ trẻ tốt để phụ nữ có con mọn có chỗ gửi các cháu để yên tâm lao động” [50, tr.194]. Người quan tâm tới việc giải phóng phụ nữ “ra khỏi bếp núc”, có điều kiện phát huy khả năng của mình nhằm đạt tới sự tiến bộ nói chung.
Tất cả những điều đó đã khẳng định sự quan tâm, đi sâu đi sát của Hồ Chí Minh đối với phụ nữ về lĩnh vực văn hoá, xã hội nói riêng, sự tiến bộ của phụ nữ nói chung.