Hồ Chí Minh không phải là một nhà chuyên nghiên cứu về kinh tế, hơn nữa trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người hầu như không có một bài nói, bài viết riêng về “Đời sống kinh tế của phụ nữ Việt Nam”. Nhưng như thế không có nghĩa là Người không quan tâm tới vấn đề này. Ngay từ khi còn nhỏ Người đã chứng kiến cảnh vất vả, đói nghèo của quê hương trong đó có người mẹ của mình suốt ngày này qua ngày khác phải gò mình bên khung cửi để kiếm sống.
Những ngày đầu tiên trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Người được chứng kiến những cảnh cơ cực, lầm than của phụ nữ An Nam, họ phải sống quằn quại và bị bần cùng hoá bởi chế độ thực dân. Do vậy, Người có hoài bão là “làm sao để dân tộc được độc lập, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Với phụ nữ, Người luôn khát khao giải phóng cho họ khỏi cơ cực, đói nghèo.
Để giúp cho phụ nữ có thu nhập, có đời sống kinh tế phát triển, đảm bảo cuộc sống cho mình, gia đình, có cơ hội việc làm, theo Hồ Chí Minh cần phải xoá bỏ sự lệ thuộc về
kinh tế, giải phóng sức lao động, thực hiện bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế. Điều này ngay trong Hiến pháp đầu tiên đã ghi nhận “Tất cả mọi công dân đều ngang quyền về kinh tế”. Vì thế Người có chủ trương vận động phụ nữ vừa tham gia sản xuất, vừa phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô. Trong Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai
Bà Trưng và ngày quốc tế phụ nữ 8.3.1952, Người khuyên chị em phụ nữ phải “thi đua
tăng gia sản xuất và tiết kiệm, hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu” [44, tr.431-432]. Người cho rằng: “Tăng gia và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc” [49, tr.257], sản xuất mà không tiết kiệm, để lãng phí đó là có tội lớn và chẳng khác gì “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Khi miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người đặt câu hỏi: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải làm gì? Nhất định phải tăng gia sản xuất thật nhiều. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ.
Không giải phóng sức lao động cho phụ nữ, không vận động để phụ nữ tiến bộ về kinh tế thì đó là cuộc cách mạng “chưa đến nơi, chưa đến chốn”. Giải phóng sức lao động của phụ nữ, ngoài việc tạo thêm những cơ hội phát triển tài năng, trí tuệ của họ, còn đưa phụ nữ tham gia vào nhiều ngành, nghề mới phát triển ở nước ta như công thương nghiệp, văn hoá, giáo dục, y tế... không để họ chỉ lao động trong ngành nông nghiệp truyền thống như bao đời nay. Đồng thời gạt bỏ các trở ngại đang hạn chế việc phát huy sức mạnh tiềm tàng về năng lực, trí tuệ, về phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ, kết hợp với sự cần cù khéo léo của họ để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Để làm được như vậy, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở các cấp lãnh đạo cần quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ chị em nâng cao trình độ kiến thức, chuyên môn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công việc. “Đảng bộ và chính quyền các địa phương cần thiết thực giúp đỡ cho phong trào “năm tốt” không ngừng tiến lên” [49, tr.259].
Khi tiến hành vận động phụ nữ trên lĩnh vực kinh tế, Hồ Chí Minh đòi hỏi: “phải đặc biệt chú ý đến sức lao động phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông. Phải giữ gìn cho phụ nữ để chị em tham gia sản xuất được tốt” [50, tr.194]. Người căn dặn: “Khi phụ nữ có kinh thì hợp tác xã chớ phân công họ đi làm ở chỗ ruộng sâu, nước rét” [40, tr.194]. Theo Người thì “lãnh đạo không nên để các cháu gái làm những việc như thế.
Con gái có kinh chẳng hạn, trong lúc có kinh lội nước, dầm mưa, sau này sức khoẻ không tốt. Cho nên phân phối công tác cho phụ nữ phải thích hợp” [50, tr.22].
Chính những quan điểm đúng đắn, khoa học của Hồ Chí Minh đã tạo nên một bước biến chuyển mới mẻ đời sống kinh tế của phụ nữ “Phụ nữ ở xí nghiệp, ở nông thôn, ở cơ quan đều hăng hái tham gia thi đua ái quốc, thành tích không kém đàn ông” [44, tr.431-432]. Thậm chí “Nhiều chị em tiểu tư sản, trước kia quen đời sống phong lưu, nay cũng chịu khó làm lụng, tăng gia sản xuất. Đó là một sự cải tạo lớn, một tiến bộ lớn về tư tưởng và tinh thần” [44, tr.431- 432]. Chuyển biến mới mẻ đó của nhiều thành tố là sự quan tâm của các cấp, các ngành, của tổ chức hội phụ nữ và đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của bản thân phụ nữ. Như thế chứng tỏ phụ nữ đã tiến bộ rõ rệt về mặt kinh tế, phụ nữ xứng đáng được Hồ Chí Minh khen ngợi.