Theo Hồ Chí Minh, để phụ nữ tiến bộ thì trước tiên phải vận động và làm cho họ thực quyền bình đẳng về chính trị, nghĩa là phải bắt đầu từ việc trang bị cho phụ nữ công cụ lý luận, tổ chức họ tự giác tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng chính mình, từ người dân mất nước trở thành công dân của một nước tự do, độc lập, có chủ quyền. Về lĩnh vực này, phải vận động và làm cho phụ nữ được tham gia các hoạt động chính trị như quyền bầu cử, ứng cử, trở thành cán bộ lãnh đạo, tham gia quản lý Nhà nước một cách bình đẳng như nam giới, có quyền tự do ngôn luận, đi lại, cư trú và bình đẳng trước pháp luật. Với cương vị là người đứng đầu đất nước, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3.9.1945, Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có tổng tuyển cử, xây dựng Hiến pháp. Người nói:
Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống [42, tr.8].
Với sự quan tâm sâu sắc của Hồ Chủ tịch, vượt qua bộn bề công việc, Chính phủ đã tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 6-1-1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, toàn thể phụ nữ Việt Nam từ 18 tuổi trở lên được cầm lá phiếu trên tay trực tiếp bầu cử những người có đức có tài đại diện cho mình trong Chính quyền Cách mạng. Đây cũng là lần đầu tiên phụ nữ Việt Nam được thực hiện quyền công dân của mình, điều đó đã chứng tỏ “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” đặc biệt là về phương diện chính trị. Điều này được Hồ Chí Minh công bố trong lời phát biểu tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà:
Hiến pháp đó đã tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó đã tuyên bố với thế giới phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân [42, tr.440].
Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để bảo đảm tự do trong cuộc sống của phụ nữ. Nguyên tắc hiến định đó đã được Hồ Chí Minh chỉ đạo, mở rộng và phát triển trong Hiến pháp sửa đổi năm 1959, tại một số điều như Điều 24 - chương III. Điều 56, 57, 58 đã chứng tỏ Hồ Chí Minh hơn ai hết là người số 1 quan tâm tới sự tiến bộ cho phụ nữ trên phương diện chính trị.
Từ những nguyên tắc mà Hiến pháp quy định, trên cơ sở đó Hồ Chí Minh chỉ đạo, triển khai để hiện thực hoá quyền lợi cho phụ nữ. Rất nhiều lần, Người một mặt ghi nhận những việc làm mang lại quyền lợi chính trị cho chị em. Người rất vui khi được biết ở Nghệ An quê hương của mình làm rất tốt công việc này: “Tôi rất vui lòng rằng xã nào cũng có phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân. Phụ nữ phải tham gia chính quyền nhiều hơn nữa” [43, tr.673]. Người luôn động viên phụ nữ ở mọi nơi phải cố gắng, phải vươn lên vì công việc, vì bình quyền: “Nước ta đã được độc lập, nam nữ được bình quyền, việc lớn, việc nhỏ đều cần cất nhắc phụ nữ, nên phụ nữ phải cố gắng” [46, tr.336]. Sự cố gắng của chị em luôn luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của Người. Đến thăm, dự các Hội nghị, bao giờ Người cũng để ý xem số phụ nữ được tham gia là bao nhiêu phần trăm. Những hội nghị, những nơi có ít phụ nữ thì các cấp lãnh đạo thường bị Người phê bình. Nói chuyện với đồng bào xã Đại Nghĩa ở Hà Đông, Bác đã khéo léo phê bình: “Đảng viên phụ nữ ở xã Đại Nghĩa thì lại càng ít, chỉ có hai đồng chí, như thế là các chú còn trọng nam khinh nữ. Không có lẽ cả xã chỉ có hai chị em xứng đáng được vào Đảng. Các chú không chú ý dìu dắt, giúp đỡ chị em, tổ chức chị em vào Đảng là không đúng” [48, tr.403]. Theo Bác có ưu điểm phải phát triển, có những khuyết điểm phải ra sức sửa chữa. Còn nhiều địa phương khác cũng tương tự như xã Đại Nghĩa được Người nhắc nhở, chỉ đạo và đã kịp thời sửa chữa. Năm 1961 về thăm Nghệ An, Người nói: “Phụ nữ ta là một lực lượng lớn trong công cuộc xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tuy vậy so với nam giới thì địa vị của phụ nữ trong xã hội còn quá thấp kém. Ví dụ, ở Hội đồng nhân
dân xã, phụ nữ chỉ được 15% trong số đại biểu ở các hợp tác xã, trong các ban quản trị chỉ có non 7% là phụ nữ. ở các cấp Đảng uỷ và chi uỷ có 7% là nữ đồng chí” [48, tr.451]. Hoặc như ở Thanh Hoá: “Có hơn 46000 Đảng viên trai mà chỉ có hơn 5700 Đảng viên gái” [48, tr.485]. Do vậy mà “Đồng bào ta cần phải tranh đấu để xoá bỏ cái thói “trọng nam khinh nữ” ấy đi. Vì thế, Người cho rằng “Phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ” [48, tr.451], chỉ có như vậy về phương diện chính trị phụ nữ mới có thể “bình quyền” với nam giới được.
Có thể nói dưới sự quan tâm của Hồ Chí Minh, phụ nữ đã được bình đẳng với nam giới trong đời sống chính trị, hầu hết phụ nữ đến tuổi trưởng thành đều được sinh hoạt chính trị: được bầu cử, ứng cử, được tham gia sinh hoạt ở các đoàn thể, đại diện phụ nữ tham gia vào bộ máy Nhà nước. ”Đến nay, số phụ nữ hiện công tác ở các cơ quan Trung ương đã có trên 5000 người, ở huyện, xã có hơn 16000 người và các tỉnh có hơn 330 người, đặc biệt trong Quốc hội khoá II này có 53 đại biểu phụ nữ” [48, tr.184]. Chắc chắn số phụ nữ tham gia hoạt động chính trị ngày càng được tăng lên cả về chất lượng và số lượng. “Các cấp lãnh đạo phải quan tâm hơn nữa về công tác phụ nữ và chú ý hơn nữa đào tạo cán bộ, phát triển Đảng viên và Đoàn viên phụ nữ” [49, tr.194].