Đối với Nhà nước
Cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn chính sách ưu đãi, hỗ trợ dưới dạng bao cấp hoặc bảo hộ và nếu có, cần tính toán thời gian và phương pháp hợp lý. Cần tập trung xây dựng chính sách tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường phù hợp, tự chủ, minh bạch cho hoạt động của doanh nghiệp. Thực tế chứng minh trong quá trình đổi mới, những chính sách thành công nhất không phải là ưu tiên, ưu đãi mà là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển.
Khẩn trương tiến hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang cản trở hoạt động bình thường của các doanh nghiệp, tập trung chủ yếu trên các nội dung sau:
- Khắc phục tình trạng thiếu nhất quán, không đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách và việc thực hiện không thống nhất giữa các cấp, các ngành. Cho đến nay, chính sách vẫn còn nhiều thay đổi bất thường, khó dự đoán, làm đảo lộn các tính toán chiến lược của doanh nghiệp, chuyển lãi thành lỗ, rủi ro đầu tư cao.
- Các lĩnh vực tài chính, thuế, tín dụng… chậm được đổi mới, việc thực thi còn gây nhiều phiền hà, cản trở.
- Những can thiệp phi kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp . Để đối phó với tình hình đó các doanh nghiệp phải luồn lách, trốn tránh, khai báo thiếu trung thực để trang trải nhiều chi phí phát sinh. Với môi trường như vậy không thể có cạnh tranh lành mạnh. Doanh nghiệp “chiến thắng” chưa chắc là doanh nghiệp kinh doanh giỏi, tuân thủ luật pháp. Khắc phục tình trạng này cần tiếp tục cải cách hành chính triệt để, mạnh mẽ, được tiến hành một cách đồng bộ, kiên quyết
- Kiến thức về kinh tế thị trường và lý thuyết kinh doanh mới du nhập vào nước ta trong thời gian ngắn. Trong khi đó, việc nghiên cứu, hướng dẫn xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh của Nhà nước, các cơ quan nghiên cứu đối với các doanh nghiệp lại ít được quan tâm, đề cập đến. Do vậy, việc nghiên cứu và vận dụng chúng vào thực tiễn kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam là một quá trình khó khăn, phức tạp và chưa đầy đủ là điều không tránh khỏi.
- Những điều kiện để xây dựng, thực hiện chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa được hình thành đầy đủ và đồng bộ; việc ban hành các chính sách quản lý vĩ mô chưa ổn định và chưa đáp ứng kịp thời sự chuyển biến của nền kinh tế. Điều đó dẫn đến việc xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh trong các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn kinh doanh trong cơ chế thị trường và đặc biệt trong xu thế hội nhập hiện nay.
- Chính sách thuế và quy định nộp thuế doanh thu của doanh nghiệp chưa thống nhất ở các địa phương ( có địa phương áp dụng nộp lại cho 1% doanh thu, có địa phương yêu cầu nộp toàn bộ thuế tại địa phương,...).
Nhiều doanh nghiệp đang phải đối phó với tình trạng thiếu vốn lưu động nghiêm trọng. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp thiếu vốn lưu động là do các doanh nghiệp chiếm dụng vốn của nhau, dẫn đến vốn lưu động trong thanh toán giữa các doanh nghiệp quay vòng luẩn quẩn, nợ động kéo dài, dây dưa. Nhà nước có các biện pháp can thiệp giúp việc giải ngân nguồn vốn nhanh tạo phần nào cho các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về vốn.
Riêng trong ngành xây dựng:
Tổ chức phát hành trái phiếu công trình.
Trên phương diện đầu tư phát triển, trái phiếu công trình là hình thức huy động vốn có hiệu quả nhất trong 3 hình thức: trái phiếu kho bạc, trái phiếu ngân hàng đầu tư và trái phiếu công trình.
Trong thực tế giữa tiến độ thi công công trình và khả năng thanh toán vốn của Nhà nước không đồng nhất. Phần lớn các nguồn vốn được cấp vào quý 3, quý 4, trong khi đó các công trình thi công liên tục trong 12 tháng. Vì vậy các doanh nghiệp xây lắp thường phải chiếm dụng vốn của các nhà sản xuất và các nhà cung cấp, vay ngân hàng với lãi suất cao để khắc phục tình trạng này. Việc huy động vốn đầu tư phát triển theo hình thức trái phiếu công trình là cần thiết.
Các quy định về đấu thầu trong xây dựng luôn luôn thay đổi và còn nhiều kẽ hở cho các tiêu cực xảy ra ( giảm giá để trúng thầu do không áp dụng giá sàn; hầu hết không lành mạnh giữa các nhà thầu để trúng thầu, và bỏ thầu giá cao,...).
Nhà nước cần có khung pháp lý về việc định “ giá tối thiểu hợp lý nhất”
của từng gói thầu, có nghĩa là giá trúng thầu có cận trên dưới không cao quá hoặc cũng không thấp quá. Từ đó đảm bảo được tính cạnh tranh lành mạnh, khách quan trong đấu thầu. Việc xác định giá tối thiểu hợp lý là hình thức định lượng hoá các
nguyên tắc đấu thầu, tạo khung pháp lý loại bỏ các nhà thầu có giá thầu thấp bất hợp lý tránh được những tiêu cực trong đấu thầu. Trong thực tế có hiện tượng một số nhà thầu đua nhau bỏ giá thấp để giành giật công trình, giá trúng thầu thấp gây hàng loạt hậu quả nghiêm trọng về kinh tế xã hội, cụ thể là:
- Công trình xây dựng bị đe doạ bởi tiến độ không đảm bảo, chất lượng khó kiểm soát.
- Nhà thầu có nhiều khả năng thua lỗ, thu nhập của công nhân giảm dẫn tới tình trạng thiếu trách nhiệm, tìm cách lẩn trốn yêu cầu nghiêm ngặt của công trình.
- Bản thân các nhà thầu nếu đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng và tiến độ của công trình, thì cũng không thể có lãi, không có khả năng tích luỹ tái sản xuất. Đây chính là nguy cơ lâu dài dẫn đến sự lụi bại, phá sản của các doanh nghiệp xây lắp.
Việc đăng ký mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh còn khó khăn và phiền hà, hạn chế khả năng mở rộng các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính bởi vậy mà Nhà Nước cần phải quan tâm giải quyết tạo điều kiện cho công ty có thể mở rộng và phát triển các hoạt động kinh doanh của mình.
KẾT LUẬN
Trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, trong bối cảnh hội nhập với nề kinh tế khu vực và Việt Nam đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, các doanh nghiệp Việt Nam đang có những cơ hội to lớn song cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn, đó là vấn đề cạnh tranh giành giật thị trường không những với các doanh nghiệp trong nước mà còn với các doanh nghiệp nước ngoài, đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng cho mình một chiến lược cạnh tranh phù hợp với năng lực, khả năng hiện có để có thể đạt được mục tiêu phát triển ổn định, bền vững.
Trên cơ sở ứng dụng lý luận các học thuyết về cạnh tranh, mô hình phân tích môi trường bên ngoài, môi trường nội bộ doanh nghiệp và ứng dụng mô hình xây dựng chiến lược cạnh tranh, để xây dựng chiến lược kinh doanh tăng cường khả năng cạnh tranh cho Công ty Cổ phần Xây Dựng Sông Đà 11 ,giúp cho lãnh đạo Công ty nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội, duy trì những lợi thế cạnh tranh và hạn chế tối đa các rủi ro để công ty có thể chiếm lĩnh được tối đa thị trường xây lắp trong nước và nước ngoài, hoàn thành sứ mệnh của Công ty và góp phần xây dựng nên thành công cho cả Tổng Công ty Sông Đà.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường ĐH Kinh tế quốc dân, giáo trình Quản trị chiến lược, PGS.TS Lê Văn Tâm, NXB Thống kê, 2000, Hà Nội.
2. Trường ĐH Kinh tế quốc dân, giáo trình “Chiến lược và chính sách kinh doanh”, PGS.TS. Nguyễn thị Liên Diệp. Th.S Phạm Văn Nam. NXB Lao Động- Xã Hội, 2006, Hà Nội.
3. Nguyễn Cảnh Chắt (biên dịch), “Xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh , con đường dẫn tới thành công.”, NXB Lao Động và Xã Hội,2007, Viện nghiên cứu đào tạo về quản lý.
4. PGS.TS Nguyễn Thành Độ,1996: “Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh doanh”, Nhà xuất bản giáo dục.
5. GS. PTS Phan Thị Ngọc Thuận, 2003: “Chiến lược kinh doanh và kế hoạch hoá nội bộ doanh nghiệp”, Nhà xuất bản Kế hoạch và kỹ thuật.
6. PGS.TS Lê Văn Tâm, 2000: “Giáo trình quản trị chiến lược”, Nhà xuất bản Thống kê.
7. PGS.TS Nguyễn Thành Độ, TS Nguyễn Ngọc Huyền, 2002: “Giáo trình chiến lược kinh doanh và phát triển doanh nghiệp”, Nhà xuất bản Lao động xã hội.
8. GS.TS Vũ Thị Ngọc Phùng, Thạc sĩ Phan Thị Nhiệm, 1999: “Giáo trình chiến lược kinh doanh”, Nhà xuất bản Thống kê Hà Nội.
9. Chiến lược phát triển Ngành Xây dựng, Ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2004-2010, định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
10.FredR.David, 2000: “Khái niệm về quản trị chiến lược ( bản dịch), NXB Thống kê”.
11.Garry D.Smit, Danny R. Arnold.2003. Chiến lược và sách lược Kinh doanh ( bản dịch ) Nhà xuất bản Thống kê.
12.PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Diệp và Ths.Phạm Văn Nam, 2001. Chiến lược và sách lược kinh doanh, Nhà xuất bản Thống kê.
13. Tài liệu của Công ty Cổ phần xây lắp điện 1:
• Các báo cáo thường niên, báo cáo tài chính được kiểm toán các năm 2004, 2005 và 2006
14.Tài liệu của Công ty cổ phần Sông Đà 11 :
• Các báo cáo thường niên, báo cáo tài chính được kiểm toán các năm 2002, 2003, 2004, 2005 và 2006
• Quyết định chuyển Công ty Sông Đà 11 thành Công ty Cổ phần
• Các nghị quyết của Hội đồng quản trị về phương hướng phát triển công ty các năm 2004, 2005 và 2006
• Các báo cáo tài chính và báo cáo nghiệp vụ của Công ty
15. Tài liệu của Công ty Lắp máy và xây dựng số 10: Hồ sơ năng lực Công ty LILAMA 10.