- Những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách
2.4.2. Kinh nghiệm cải cách, đổi mới doanh nghiệp nhà nước ở Liên bang Nga
Tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Liên Bang Nga được tiến hành theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1: thực hiện tư nhân hóa nhỏ, được thực hiện từ năm 1992, chủ trương tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp và xây dựng. Giai đoạn 2: đẩy mạnh tư nhân hóa đối với hàng loạt doanh nghiệp lớn thuộc các ngành khác được thực hiện từ nửa cuối năm 90. Tuy nhiên Chính phủ Nga không tư nhân hóa các tài sản Nhà nước là tài nguyên trong lòng đất, rừng biển, các di sản văn hóa, lịch sử….
Để tiến hành tư nhân hóa và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước tiến hành phát không một lượng phiếu tư nhân hóa như nhau cho mọi công dân Nga không kể tuổi tác, địa vị xã hội và thu nhập. Phiếu tư nhân hóa có thể sử dụng theo các cách thức: bán đi để lấy tiền tiêu dùng cá nhân; đổi lấy cổ phiếu của các quỹ đầu tư tư nhân hoặc quốc
doanh. Các quỹ này dùng chúng để mua cổ phần của doanh nghiệp và dùng lãi cổ phần thu được để trả lãi cho những người mua cổ phiếu của mình; đổi trực tiếp lấy cổ phiếu của doanh nghiệp, các công nhân của doanh nghiệp có thể đổi chúng lấy cổ phiếu với các điều kiện ưu đãi. Nhà nước đòi hỏi các doanh nghiệp tư nhân hóa phải bán tối thiểu 35% cổ phiếu của mình để lấy phiếu tư nhân hóa; đồng thời Nhà nước cũng đảm bảo điều kiện thông tin để mọi người công dân có thể quyết định sử dụng cổ phiếu của mình sao cho có lợi nhất. Đến năm 1995, đã có gần 40.000 doanh nghiệp đã được tư nhân hóa bằng phiếu tư nhân hóa, trong số này có tới 70-80% số doanh nghiệp có trình độ kỹ thuật lạc hậu, cũ kỹ.
Tuy nhiên, những khó khăn trong quá trình chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp ở Liên bang Nga là: công chúng không có đủ tiền để mua khối lượng tài sản khổng lồ của Nhà nước (ước tính chỉ có thể mua được 15% giá trị tài sản này), nếu có nhiều biện pháp ưu đãi (giảm giá, cho vay dài hạn với lãi suất thấp) cũng chỉ có thể mua thêm gấp 2-3 lần tỷ lệ trên là cùng. Mặt khác, do thực trạng kinh doanh kém hiệu quả, trình độ kỹ thuật - công nghệ thấp, tình trạng luật pháp yếu kém, tệ nạn tham nhũng… đã không tạo được sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần. Ngoài ra sự bất đồng trong dư luận xã hội và thế lực khác nhau trong Quốc Hội và Chính phủ cũng là những trở ngại và gây ra những bất ổn định trong chính sách và kết quả thực hiện quá trình này.