- Những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách
2.4.1. Kinh nghiệm đổi mới doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc
Quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc được bắt đầu từ những năm 1980 của thế kỷ XX, khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện chiến lược "cải cách và mở
cửa" nền kinh tế. Trong quá trình cải cách, các doanh nghiệp quốc hữu vẫn luôn được xác
định là trụ cột của nền kinh tế, có vị trí hết sức quan trọng đối với xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa màu sắc Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc coi việc cải cách các doanh nghiệp quốc hữu là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải kiên định, tìm tòi và mạnh dạn thực hiện.
Từ sau Hội nghị Trung ương 5 khóa XIV của Đảng Cộng sản Trung Quốc (1995), căn cứ vào chiến lược phát triển và thực tế phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều cải cách và sự điều chỉnh quan trọng về quyết sách đối với các doanh nghiệp quốc hữu, thể hiện ở các nội dung cơ bản sau:
- Với tư tưởng lấy chế độ công hữu làm chủ thể, kinh tế quốc hữu làm chủ đạo, thúc đẩy các hình thức sở hữu khác cùng phát triển nên không giới hạn việc phát triển doanh nghiệp quốc hữu, chuyển đổi hình thức công hữu sang hình thức sở hữu nhiều thành phần, khuyến khích phát triển loại hình kinh tế hỗn hợp.
- Sắp xếp tổ chức lại các doanh nghiệp quốc hữu nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp, thông qua các giải pháp điều chỉnh lại cơ cấu nợ, sáp nhập, giải thể, phá sản doanh nghiệp.
- Thay đổi mạnh từ góc độ chiến lược về chế độ công hữu để thực hiện phương châm "nắm cái lớn, buông cái nhỏ", nhà nước tập trung nắm các doanh nghiệp then chốt,
có vị trí quan trọng đặc biệt, trọng điểm là các doanh nghiệp quốc hữu lớn, là huyết mạch của nền kinh tế.
- Thực hiện các hoạt động cải cách nhằm thay đổi chức năng của Chính phủ theo hướng Chính phủ chỉ kiểm soát và chỉ đạo về chính sách đối với các doanh nghiệp, tách bạch chức năng của doanh nghiệp và cơ quan hành chính.
- Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính doanh nghiệp, thực hiện chính sách giảm thuế, để lại lợi nhuận cho doanh nghiệp; thúc đẩy công ty hóa, tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XV Đảng Cộng sản Trung Quốc (1999) đã tập trung thảo luận các biện pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, Hội nghị cũng đã thông qua Nghị quyết: "Một số vấn đề trọng đại về cải cách và phát triển doanh nghiệp
nhà nước" với một số nội dung chính là:
Tiếp tục thực hiện phương châm " nắm cái lớn, buông cái nhỏ";
Chuyển nợ thành cổ phần (khuyến khích công nhân và tư nhân mua cổ phần để
thanh toán nợ cho ngân hàng);
Thực hiện chế độ tiền lương mới cho giám đốc doanh nghiệp;
Tăng cường sự giám sát doanh nghiệp và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong 4 biện pháp trên thì 3 biện pháp đầu được coi là "Tam pháp bảo" để xoay chuyển tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp.
Để thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước theo các quan điểm định hướng cơ bản trên. Trung Quốc thực hiện hàng loạt các biện pháp cơ bản sau:
- Điều chỉnh, cơ cấu lại nền kinh tế quốc hữu: Theo hướng này, kinh tế quốc hữu (kinh tế nhà nước) tập trung vào những ngành nghề quan trong then chốt có liên quan đến hệ thống huyết mạch của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, thông tin, giao thông, điện tử, năng lượng, vật liệu cơ bản, công nghiệp quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhà nước tập trung vốn, tài nguyên cho các tập đoàn doanh nghiệp có thế mạnh, đóng góp phần lớn cho ngân sách nhà nước; các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, sức mạnh tài chính
hình thành các tập đoàn lớn ở từng khu vực với đặc điểm đa ngành nghề, đa chế độ sở hữu và vươn ra ngoài lãnh thổ.
Cải cách chế độ sở hữu doanh nghiệp quốc hữu: Có 4 hình thức chính trong cải cách chế độ sở hữu và quản lý các doanh nghiệp quốc hữu là sáp nhập; chia tách; bán, giải thể và phá sản, công ty hóa và cổ phần hóa.
Việc sáp nhập được bắt đầu thực hiện từ 1984, tính đến 1988 đã có 2.856 doanh nghiệp sáp nhập từ 3.428 doanh nghiệp, riêng năm 1996 có gần 1.200 doanh nghiệp bị sáp nhập. Đến nay ở trung Quốc đã hình thành 1.630 tập đoàn doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bên cạnh việc sáp nhập, quá trình tách doanh nghiệp cũng được thực hiện như một biện pháp cải cách doanh nghiệp nhà nước, được hình thành và phát triển từ chế độ khoán kinh doanh. Qua sàng lọc của thị trường, một bộ phận của doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả sẽ dần tách ra khỏi doanh nghiệp cũ, hình thành các doanh nghiệp mới, tính đến năm 1996, Trung Quốc có 5.980 cơ sở được tách ra khỏi doanh nghiệp cũ.
Việc bán doanh nghiệp ở Trung Quốc áp dụng chủ yếu đối với các doanh nghiệp nhỏ, không thuộc ngành và lĩnh vực quan trọng huyết mạch của nền kinh tế, trong những năm 80 thậm chí đến đầu những năm 90 việc bán doanh nghiệp cho các thành phần kinh tế khác rất hạn chế. Tuy nhiên, từ giữa những năm 90 trở lại đây, đối tượng mua doanh nghiệp được mở rộng đến tất cả các thành phần kinh tế, thậm chí cho cả các công ty nước ngoài. Việc bán doanh nghiệp có thể là bán một phần hoặc bán đứt toàn bộ doanh nghiệp, trong những năm 1998 Trung Quốc đã thực hiện bán hàng loạt doanh nghiệp. Chẳng hạn, tỉnh Liêu Ninh đã bán 50% số doanh nghiệp nhà nước cho tư nhân, trong đó 684 doanh nghiệp được bán đứt.
Hình thức phá sản và giải thể doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, không có khả năng thanh toán nợ đến hạn cũng được Trung Quốc quan tâm thực hiện để lành mạnh hóa khu vực doanh nghiệp nhà nước, Số doanh nghiệp nhà nước bị phá sản chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả, không bán hoặc cho thuê được. Nếu như năm 1990 Trung Quốc mới cho phá sản 32 doanh nghiệp nhà nước thì đến năm 1996 số doanh nghiệp bị phá sản lên tới 6.000 và đang có xu hướng tăng nhanh. Tuy nhiên việc phá sản doanh nghiệp
cũng gặp khó khăn là phải trợ cấp sinh hoạt phí cơ bản cho công nhân thất nghiệp. Do vậy Chính phủ Trung Quốc có chính sách sử dụng tiền bán tài sản các doanh nghiệp này để ưu tiên sắp xếp, giải quyết việc làm cho người lao động.
Một hình thức khác để chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc là công ty hóa và cổ phần hóa. Hình thức công ty hóa được áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước vừa và lớn và được coi là hình thức cơ bản của doanh nghiệp hiện đại, có thể khắc phục được các nhược điểm truyền thống của các doanh nghiệp nhà nước ra đời từ thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung và mô hình công hữu truyền thống. Ưu điểm cơ bản của mô hình này là phân định được ranh giới quyền tài sản một cách chặt chẽ. Từ sau khi Luật Công ty của Trung Quốc ra đời (1993), việc áp dụng hình thức công ty ngày càng trở nên rộng rãi. Hiện nay có hai hình thức công ty được áp dụng rộng rãi ở Trung Quốc là công ty Trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần hữu hạn. Việc cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng công ty hóa theo đánh giá các học giả Trung Quốc là rất phù hợp với công cuộc cải cách từng bước chế độ sở hữu ở Trung Quốc hiện nay. Bởi vì, công ty theo nghĩa rộng còn bao hàm cả chế độ cổ phần với nhiều hình thức quản lý khác nhau.
Cùng với công ty hóa, cổ phần hóa là hình thức chuyển đổi sở hữu được đẩy mạnh. Trung Quốc quan niệm việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không phải là việc chuyển từ chế độ công hữu sang chế độ tư hữu mà là hoàn thiện và phát triển hơn nữa chế độ công hữu, điều chỉnh và làm rõ hơn mối quan hệ tài sản trong chế độ công hữu. Khi chuyển sang công ty cổ phần, quyền sở hữu tài sản do cổ đông nắm giữ, quyền sở hữu pháp nhân do hội đồng quản trị nắm giữ, quyền kinh doanh do Tổng giám đốc nắm giữ. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vì vậy mà hoàn toàn độc lập, hình thành một cơ chế ràng buộc giữa quyền lực, lợi ích và rủi ro.
- Cải cách chính sách, cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp quốc hữu. Những nội dung cơ bản trong cải cách thể chế quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước là: Kiên quyết tách bạch chức năng của chính quyền (quản lý nhà nước) với chức năng của doanh nghiệp, chính quyền không can thiệp vào công việc kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp trả lại cho chính quyền những chức năng xã hội mà lâu nay doanh nghiệp vẫn phải đảm nhận (xây dựng và quản lý trường học, nhà trẻ, bệnh viện, cơ sở hạ tầng khác…) để tập trung vào thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Thực hiện cải cánh bộ máy Chính phủ từ
Trung ương tới địa phương. Xây dựng thể chế xí nghiệp hiện đại, được thể hiện ở các nội dung cơ bản là: Doanh nghiệp thực hiện chế độ pháp nhân, có đầy đủ quyền sở hữu và quyền kinh doanh (khác với trước đây Nhà nước chỉ trao quyền kinh doanh cho doanh nghiệp). Nhà nước chỉ là chủ sở hữu phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp như các cổ đông (thông qua đại diện chủ sở hữu của mình tại doanh nghiệp), không chịu trách nhiệm vô hạn đối với doanh nghiệp. Mặt khác các doanh nghiệp hoạt động như các công ty Trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần như các công ty Nhà nước ở các nước kinh tế thị trường phát triển. Doanh nghiệp phải hoạt động và chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn của họ, thực hiện lời ăn lỗ chịu. Do vậy giảm được tình trạng nợ nần và các quyết định vô trách nhiệm của doanh nghiệp.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ kinh doanh thích ứng với đòi hỏi của thị trường, Trung Quốc rất coi trọng chất lượng đội ngũ các nhà kinh doanh, coi việc thiếu người tài còn trầm trọng hơn thiếu vốn. Vì vậy đã và đang áp dụng hàng loạt các biện pháp như: bắt buộc những người quản lý kinh doanh phải tham dự các khóa đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế, kinh tế thị trường. Chính phủ thực hiện sát hạch, kiểm tra và sẵn sàng điều chỉnh ban lãnh đạo các doanh nghiệp, đồng thời không ngừng nâng cao hoàn thiện cơ chế quản lý đối với lãnh đạo doanh nghiệp.