Sự yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước ở Quảng Bình thể hiện trên các mặt sau đây:
Một là, Hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý còn thấp, chưa tương xứng với điều kiện và lợi thế hiện có, tốc độ tăng trưởng có biểu hiện giảm dần, không ít các doanh nghiệp nhà nước còn ỷ lại sự bao cấp của Nhà nước.
Theo Báo cáo tổng hợp về tài chính của doanh nghiệp nhà nước và kết quả xếp loại trong năm 2002, trong tổng số 49 doanh nghiệp nhà nước có 61% số doanh nghiệp kinh doanh có lãi, số vốn nhà nước có tại các doanh nghiệp này là 155,6 tỷ đồng chiếm 73%, doanh thu chiếm 74,5%, số lao động chiếm 78% và thu nộp ngân sách chiếm 79,9%. Số doanh nghiệp kinh doanh chưa có hiệu quả (hòa vốn) chiếm 29% trong tổng số doanh nghiệp, có số vốn nhà nước là 35,3 tỷ đồng chiếm 16%, doanh thu chiếm 18,5%, lao động chiếm 15,2% và thu nộp ngân sách chiếm 15,1%; số doanh nghiệp kinh doanh không có hiệu quả (thua lỗ) chiếm 4% trong tổng số doanh nghiệp, có số vốn chiếm 11%, doanh thu chiếm 6,7%, lao động chiếm 7,3% toàn bộ doanh nghiệp nhà nước trên toàn tỉnh (xem phụ lục 02).
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước của doanh nghiệp nhà nước nhìn chung là thấp và có xu hướng giảm dần, nếu như năm 2000 là 3,5%, năm 2001 là 2,9% thì năm 2002 là 2,4%.
Tình trạng công nợ ở các doanh nghiệp nhà nước tỉnh hiện nay là khá nghiêm trọng, nợ quá hạn, nợ khó đòi có xu hướng ngày càng tăng. Theo Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2002, tổng số nợ phải trả của các doanh nghiệp là 748 tỷ đồng (vay dài hạn chiếm 30%, nợ khác 2% còn lại là nợ ngắn hạn và nợ ngân sách), gấp 1,5 lần nguồn vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước, trong đó nợ quá hạn 7 tỷ đồng; tổng số nợ khó đòi của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao 10,2 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp nhà nước hoạt động gần như hoàn toàn bằng vốn vay và khả năng thanh toán nợ thấp. Tình trạng đầu tư, mua sắm tài sản cố định bằng vốn vay là khá phổ biến tại các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh, do phải chịu chi phí trả lãi vay lớn nên giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp nhà nước tỉnh luôn cao hơn so với giá thành của doanh nghiệp ngoài quốc doanh, dẫn đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm kém, hiệu quả kinh doanh thấp (xem phụ lục 04).
Hai là, các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh tuy đã được sắp xếp lại nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, số lượng doanh nghiệp còn nhiều, nhưng lại nhỏ về quy mô, dàn trải, chồng chéo về ngành nghề kinh doanh.
Việc sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước của tỉnh trong thời gian qua đã làm thay đổi một bước cơ cấu vốn và lao động tại các doanh nghiệp, có tác động nhất định tới quá trình tập trung và tích tụ sản xuất. Tuy vậy, hiện nay quy mô của các doanh nghiệp nhà nước tỉnh vẫn còn rất nhỏ, lẻ, trong số 214 tỷ đồng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì bình quân mỗi doanh nghiệp chỉ có 4,3 tỷ đồng vốn, trong đó: có 5 doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 1 tỷ đồng, chiếm 10,2%, 21 doanh nghiệp có vốn Nhà nước từ 1 - 3 tỷ đồng chiếm 42,8%; 11 doanh nghiệp có vốn Nhà nước trên 3 - 5 tỷ đồng chiếm 22,5%; 7 doanh nghiệp có vốn Nhà nước từ trên 5 - 10 tỷ đồng chiếm 14,3%, 3 doanh nghiệp có vốn Nhà nước từ trên 10 - 20 tỷ đồng chiếm 6,1% và 2 doanh nghiệp có vốn trên 20 tỷ đồng chiếm 4% (xem phụ lục 03).
Trong tổng số 49 doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh thì có đến 6 lâm trường, thực hiện nhiệm vụ quản lý và khai thác tài nguyên rừng, 6 doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ thi công xây lắp các công trình dân dụng, giao thông thủy lợi, 3 Công ty tư vấn thiết kế, 2 doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ duy tu, sửa chữa các công trình giao thông đường bộ từ đó đã tạo ra sự chồng chéo về ngành nghề kinh doanh cũng như cơ quan quản lý trên cùng một địa bàn.
Ba là, trình độ kỹ thuật và công nghệ thiết bị sản xuất cũ kỹ, lạc hậu, đầu tư chắp vá, thiếu đồng bộ, công suất huy động thấp, không ổn định, đặc biệt chưa đáp ứng các yêu cầu chế biến nông lâm hải sản và phát huy thế mạnh của tỉnh.
Theo Báo cáo tổng hợp tài chính doanh nghiệp nhà nước năm 2002, trong tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước có 46% là tài sản cố định, nhưng chỉ có 65% tài sản cố định hiện đang sử dụng được coi là có hiệu quả, số tài sản cố định còn lại hoặc là không sử dụng được, hoặc vẫn sử dụng nhưng do công nghệ quá lạc hậu và cũ nên giá thành sản phẩm thường cao hơn rất nhiều so với giá thành chung của sản phẩm cùng loại. Theo đánh giá của Ban đổi mới doanh nghiệp, đa số máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất tại các doanh nghiệp tỉnh đều lạc hậu so với thế giới từ 15 đến 20 năm, trình độ cơ khí hóa, tự động hóa rất thấp. Tình hình đó dẫn đến hậu quả là chất lượng sản phẩm thấp, khả năng cạnh tranh của sản phẩm bị hạn chế mà điển hình nhất là sản phẩm đường kính của Nhà máy đường Quảng Bình.
Bốn là, tình trạng lao động thiếu việc làm và dôi dư trong các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh là một trở ngại lớn làm chậm tiến trình đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước hiện nay.
Lao động dôi dư đến nay vẫn là vấn đề nan giải ngay cả với các doanh nghiệp đã hoặc đang thực hiện các hình thức chuyển đổi sở hữu như cổ phần hóa hay bán, khoán, cho thuê... lý do chủ yếu là từ thời bao cấp, trong các doanh nghiệp nhà nước giám đốc doanh nghiệp được tự chủ trong tuyển dụng lao động, không có quy định khống chế định mức, dẫn đến tình trạng giám đốc tuyển chọn quá nhiều lao động so với nhu cầu sản xuất. Hậu quả là khi các doanh nghiệp tiến hành sắp xếp lại đều có một bộ phận người lao động không đáp ứng được yêu cầu và trở thành lao động dôi dư. Trong khi theo quy định hiện hành trường
hợp doanh nghiệp chuyển quyền sở hữu, thì người sử dụng lao động kế tiếp vẫn phải thực hiện hợp đồng lao động với tất cả lao động của doanh nghiệp, điều này đã trở thành vật cản của quá trình cải cách đổi mới doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tỉnh.
Theo báo cáo của Ban đổi mới doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2002 tại các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh có khoảng 12% số lao động thiếu việc làm, cá biệt ở một số doanh nghiệp con số này còn lên đến 40%. Điều đáng quan tâm là trong cơ cấu lao động dôi dư của doanh nghiệp nhà nước ở tỉnh thì chiếm đại đa số là lao động có trình độ thấp, chưa qua đào tạo hoặc đào tạo hạn chế, trừ một số dự án, nhà máy, xí nghiệp mới đầu tư có kỹ sư, công nhân được đi đào tạo, bồi dưỡng cả trong và ngoài nước theo chương trình dự án, các doanh nghiệp còn lại đều có trình độ tay nghề công nhân thấp. Ngay cả một số dự án mới đầu tư nhưng do thiếu công nhân có tay nghề, thiếu thợ kỹ thuật bậc cao và chuyên gia, kỹ sư giỏi nên chất lượng sản phẩm kém như: Gạch CERAMIC; nhôm thanh định hình; nước khoáng…
Năm là, trình độ quản lý của các doanh nghiệp nhà nước ở tỉnh còn yếu, thiếu năng động, chưa đáp ứng với cơ chế thị trường.
Một số cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo của các doanh nghiệp vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp, bảo hộ từ phía Nhà nước. Trong hoạt động kinh doanh vẫn chưa có sự gắn kết, ràng buộc trách nhiệm giữa người giám đốc với hiệu quả sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nếu làm ăn thua lỗ, nợ nần thì Nhà nước gánh chịu, trong khi đó trách nhiệm về vật chất của người giám đốc doanh nghiệp lại không được quy định rõ.
Từ những phân tích trên cho thấy, mặc dù trong những năm qua doanh nghiệp nhà nước ở Quảng Bình đã có nhiều đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng kinh tế đối ngoại, tạo điều kiện và cơ hội cho kinh tế của tỉnh hội nhập với kinh tế cả nước và khu vực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước ở Quảng Bình vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém. Do vậy, để phát huy những ưu điểm và vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong điều kiện phát triển mới, cần phải tiếp tục tổ chức sắp xếp lại và đổi mới các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 của Đảng và chương trình hành động của Chính phủ.