a. Tình hình thị trường máy bơm nước ở Việt Nam
Trên thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều sản phẩm máy bơm nước rất đa dạng cả về mẫu mã và chủng loại sản phẩm. Các sản phẩm máy bơm đuợc nhập khẩu từ Nhật Bản, Mỹ, Italia, Hàn Quốc… có chất lượng tốt nhưng giá thành lại khá cao. Các sản phẩm được lắp ráp, sản xuất trong nước thường có chất lượng không ổn định nhưng bù lại, có giá cả phù hợp với thu nhập của người dân Việt Nam và mẫu mã có thể thay đổi được theo thị hiếu của khách hàng. Bên cạnh đó, sản phẩm máy bơm nhái, làm giả có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm một tỷ trọng khá cao trong thị trường tiêu thụ máy bơm của Việt Nam do những lợi thế về giá cả. Ước tính, máy bơm của Trung Quốc chiếm khoảng 20% thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế phát triển hiện nay, ý thức của người dân về việc sử dụng sản phẩm chính hãng để góp phần chống lại vấn nạn hàng giả và nhu cầu thực sự của người dân về chất lượng sản phẩm và dịch vụ sau bán hàng đã tạo cơ hội cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và sản phẩm nhập khẩu mở rộng thị trường và làm thu hẹp đi thị trường của sản phẩm máy bơm làm giả đến từ Trung Quốc.
Bảng 20: Tỷ trọng máy bơm nhập khẩu và máy bơm sản xuất trong nước
Máy bơm nhập khẩu 80% 60% 55% 45%
Máy bơm sản xuât trong nước 20% 40% 45% 55%
(Nguồn: Phòng kinh doanh Công ty TNHH SENA Việt Nam)
Theo bảng trên, ta thấy máy bơm sản xuất từ trong nước đang dần chiếm được thị phần cao hơn trong thị trường tiêu thụ máy bơm của Việt Nam. Đây là cơ hội để cho các Công ty sản xuất máy bơm như Công ty TNHH SENA Việt Nam mở rộng sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm tiêu thụ. Nhưng đó cũng đồng thời là thách thức cho SENA Việt Nam trước sự cạnh tranh giành thị phần của các đối thủ trong nước.
Sản phẩm máy bơm nước được chia làm 2 loại: máy bơm phục vụ cho mục đích dân dụng (hộ gia đình) và máy bơm công nghiệp.
Đối với máy bơm phục vụ cho mục đích dân dụng, dải công suất chủ yếu từ 125W – 750W, thích ứng chiều cao (cột áp) tương đương nhà 2 đến 6 tầng, lưu lượng nước từ 2m3 – 7m3/h. Khách hàng của dòng sản phẩm này là tất cả các hộ gia đình có nhu cầu về nước sinh hoạt như:
- Khu vực nông thôn: bơm nước từ giếng khoan, giếng đào, phục vụ bơm tưới vườn, ruộng, phục vụ sản xuất nông nghiệp…
- Khu vực thành thị: Sử dụng bơm nước lên tầng cao, tầng áp cho việc sử dụng nước phục vụ các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Đối với máy bơm công nghiệp, công suất tương đối cao, chủ yếu từ 1,1kW- 50kW, điện áp sử dụng 3 pha, cột áp 30m – 200m, lưu lượng từ 10m3 – 120m3/h. Khách hàng chủ yếu của sản phẩm máy bơm công nghiệp là các cá nhân tổ chức hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực như: Cứu hoả, cấp thoát
nước nói chung (các khu chung cư, khu đô thị mới, các dự án nước sạch, dây chuyền xử lý nước thải, bơm hoá chất…) các nhà máy sản xuất thực phẩm, sản xuất hàng công nghiệp…
Nhu cầu thị trường hiện nay của sản phẩm máy bơm nước đang rất lớn, tổng sản lượng sản xuất trong nước rất hạn chế, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trên. Việt Nam vẫn đang phải nhập một số lượng lớn các sản phẩm của Hàn Quốc, Italia, Nhật Bản… với giá thành cao, hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc với chất lượng thấp. Nhu cầu hiện nay của thị trường ước tính khoảng hơn 1.000.000 sản phẩm một năm và sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới.
b. Các đối thủ cạnh tranh
Trên thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm máy bơm nước với tổng sản lượng khoảng gần 1.000.000 sản phẩm trong đó bao gồm 550.000 sản phẩm sản xuất và lắp ráp trong nước và 450.000 sản phẩm nhập khẩu.
Trong số các đối thủ cạnh tranh của Công ty TNHH SENA Việt Nam phải kể đến các nhà cung cấp lớn sau:
* Khu vực phía bắc:
- Liên doanh SHINIL-TODIMAX có trụ sở tại Thị trấn Đức Giang, Long Biên với sản phẩm mang tên SHINIL, sản lượng tiêu thụ hàng năm khoảng 60.000 sản phẩm.
- Công ty TNHH Ánh Dương có trụ sở tại Thị trấn Đức Giang, Long Biên với sản phẩm mang tên SHINNING, sản lượng tiêu thụ hàng năm khoảng 40.000 sản phẩm.
- Công ty TNHH Đại Việt có trụ sở tại Hà nội với sản phẩm WILO, KITA… Sản lượng tiêu thụ hàng năm cho tất cả các chủng loại là 70.000 sản phẩm.
- Công ty TNHH Bảo Long có trụ sở và nhà máy tại Lạng Sơn, sản phẩm của Công ty này có thương hiệu Cá sấu với sản lượng tiêu thụ khoảng 180.000 sản phẩm/năm.
- Công ty TNHH Hải Linh có trụ sở tại Phùng Hưng, Hà Nội với sản phẩm mang nhãn hiệu KUTA, sản lượng tiêu thụ hàng năm khoảng 25.000 sản phẩm.
- Công ty TNHH Long Quang, nhà máy tại Hà Đông với sản phẩm mang tên KUTA Nay đổi thành KU&FA. Sản lượng tiêu thụ khoảng 25.000 sản phẩm/năm.
- Công ty TNHH Hà Thu có trụ sở ở Hà Nội là nhà nhập khẩu và phân phối máy bơm nước SIMIZU, sản lượng tiêu thụ khoảng 15.000/năm.
* Khu vực phía nam:
- Công ty Toàn Mỹ có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh với sản lượng khoảng 120.000 sản phẩm/năm
- Công ty TNHH Phước Thạch có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh là nhà phân phối các sản phẩm mang nhãn hiệu Panasonic và hiện đang phân phối sản phẩm máy bơm nước Panasonic với sản lượng tiêu thụ khoảng 60.000 sản phẩm/năm.
- Công ty Việt Tiến TungShing có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh là nhà phân phối các sản phẩm máy bơm nhãn hiệu EBARA, sản xuất tại Italia, sản lượng tiêu thụ khoảng 30.000 sản phẩm/năm.
- Công ty Tân Việt có trụ sở tại tại Tp. Hồ Chí Minh, là nhà phân phối các sản phẩm mang nhãn hiệu PENTAX, MARQUIS, sản lượng khoảng 15.000 sản phẩm/năm.
Ngoài các doanh nghiệp đã kể trên, vẫn còn có một số doanh nghiệp cũng đang tham gia phân phối sản phẩm máy bơm nước nhưng với quy mô và thị phần nhỏ, chưa được coi là đối thủ cạnh tranh của Công ty TNHH SENA Việt Nam.
Bảng 21: Thị phần tiêu thụ máy bơm nước ở Việt Nam
Doanh nghiệp Sản lượng
(sản phẩm/năm)
Thị phần nắm giữ (%)
Công ty TNHH SENA Việt Nam 270.000 28,4
Công ty TNHH Bảo Long 180.000 18,9
Công ty Toàn Mỹ 120.000 12,6
Công ty TNHH Đại Việt 70.000 7,4
Liên doanh
SHINIL –TODIMAX
60.000 6,3
Công ty TNHH Phước Thạch 60.000 6,3
Công ty TNHH Ánh Dương 40.000 4,2
Công ty Việt Tiến TungShing 30.000 3,2
Công ty TNHH Hải Linh 25.000 2,6
Công ty TNHH Long Quang 25.000 2,6
Công ty TNHH Hà Thu 15.000 1,6
Công ty Tân Việt 15.000 1,6
(nguồn: Phòng Marketing Công ty TNHH SENA Việt Nam)
Các doanh nghiệp sản xuất máy bơm nước ở Việt Nam hiện nay mới chỉ chú trọng vào việc sản xuất các sản phẩm giá rẻ, chất lượng ở mức trung bình nhằm phục vụ nhu cầu của các khách hàng có thu nhập trung bình. Do các doanh nghiệp trên chưa chú ý đến việc xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm nên thị phần của họ thường không ổn định, thường xuyên thay đổi theo thị hiếu của khách hàng trong các khoảng thời gian khác nhau.
Trong khi đó, các sản phẩm nhập ngoại như: Ebara, Pentax, Perrolo (nhập khẩu từ Italy, Grunfort, Wilo, LG (nhập khẩu từ Hàn Quốc) Power pump, Leo, Panasonic (Indonesia), Shimizu…. đáp ứng tốt về chất lượng sản phẩm nhưng
giá thành cao, chỉ phù hợp với khách hàng có thu nhập khá trở lên, được bán tập trung chủ yếu ở thành thị.
Từ việc phân tích các đối thủ cạnh tranh, Công ty TNHH SENA Việt Nam nhận thấy việc đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có tính chất quyết định đến sự thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Công ty đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm với giá thành thấp hơn các sản phẩm ngoại nhập. Đây là ưu thế của Công ty trong việc tiếp xúc với thị trường nông thôn cũng như thành thị, khi mà khách hàng luôn yêu cầu sản phẩm có chất lượng tốt nhưng lại đòi hỏi giá thành có tính cạnh tranh.
c. Những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường máy bơm nước
- Nhu cầu thị hiếu của khách hàng:
Nhóm khách hàng ở nông thôn thường rất nhạy cảm về giá. Họ có xu hướng lựa chọn những sản phẩm có giá rẻ do mức sống của vùng nông thông là tương đối thấp. Nhưng họ lại đòi hỏi hình thức sản phẩm ở mức tương đối và không quan tâm nhiều đến tuổi thọ của sản phẩm. Đây là khu vực chiếm tỉ trọng tương đối lớn trong thị trường tiêu thụ sản phẩm máy bơm nước do nhu cầu sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất ở vùng nông thôn.
Các khách hàng ở khu vực thành thị lại quan tâm đến xuất xứ của sản phẩm, họ có xu hướng lựa chọn các sản phẩm có thương hiệu trên thị trường (bơm nhập khẩu). Người tiêu dùng ở thành thị thường có yêu cầu khá khắt khe về chất lượng sản phẩm, sản phẩm phải có chất lượng tốt và sử dụng được trong thời gian tương đối dài. Mặt khác, họ cũng có yêu cầu khá cao về hình thức, mẫu
mã và tính năng của sản phẩm. Một trong những khó khăn nữa của các công ty sản xuất trong nước là tâm lý ưa dùng hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam. Muốn thay đổi suy nghĩ của nhóm khách hàng này cần đầu tư một chính sách marketing mang tính chất lâu dài, bên cạnh đó yếu tố chất lượng và tính năng của sản phẩm cần được quan tâm thích đáng.
- Yếu tố mùa vụ: mùa khô được coi là mùa tiêu thụ sản phẩm máy bơm nước lớn nhất được bắt đầu từ tháng 01 – 07 trong năm.
- Nguồn nguyên vật liệu:
Các nhà cung cấp nguyên vật liệu trong nước thường chưa đáp ứng tốt về chất lượng các chi tiết có kỹ thuật cao. Công ty TNHH SENA Việt Nam cũng như các công ty sản xuất và lắp ráp máy bơm trong nước cũng đang phải đối mặt với khó khăn đến từ việc tăng giá mạnh của các nguồn nguyên vật liệu kể từ đầu năm như giá đồng, thép, gang…
Hiện nay, thị trường máy bơm nước ở Việt Nam có sự phân khúc mạnh giữa khu vực nông thôn và khu vực thành thị với thị hiếu rất khác nhau giữa 2 khu vực này. Điều này đòi hỏi Công ty TNHH SENA Việt Nam phải có sự đầu tư hợp lý vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển chiến lược đa dạng hóa sản phẩm để chiếm được thị phần của cả 2 thị trường có tiềm năng dồi dào trên. Công ty phải chú trọng vào việc phát triển các sản phẩm cho từng khu vực, phù hợp với yêu cầu của các nhóm khách hàng trên. Bên cạnh đó, việc xây dựng một chiến lược định vị thương hiệu của sản phẩm máy bơm nước Sena nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng khu vực thành thị cũng phải được đặt sự quan tâm đúng mức nhằm thay thế các sản phẩm nhập khẩu trên thị trường.
1.1.2 Tình hình kinh tế vĩ mô
Năm 2006 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam kể từ khi tiến hành đổi mới nền kinh tế năm 1986, đó là việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Song song với đó là việc thực thi các điều khoản của hiệp định tự do thương mại AFTA, theo đó các mặt hàng máy bơm sẽ được cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình. Đây là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam trước sức ép cạnh tranh đến từ sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp nước ngoài. Mặt hàng máy bơm nước được dự đoán là sẽ vấp phải sự cạnh tranh dữ dội đến từ các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, việc lạm phát tăng mạnh trong năm vừa qua và được dự đoán sẽ vẫn ở mức cao trong năm tới là một trong những khó khăn cho các ngành sản xuất nói chung và Công ty TNHH SENA Việt Nam nói riêng. Việc giá cả của các nguồn nguyên vật liệu như đồng, gang… liên tục tăng cao đã làm tăng giá thành sản phẩm dẫn đến tăng chi phí và làm giảm lợi nhuận của Công ty. Mặt khác, việc giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao sẽ làm giảm nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng và tác động không nhỏ đến cầu thị trường của sản phẩm.
Việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO cũng đã mở ra cơ hội cho Công ty TNHH SENA Việt Nam trong việc tiếp cận với các thị trường mới. Là thành viên của WTO không chỉ là việc phải mở cửa thị trường với các nước khác trên thế giới mà nó còn đồng nghĩa với việc các thành viên khác cũng phải mở cửa thị trường tương ứng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu có một chiến lược nắm bắt cơ hội hợp lý, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có khả năng tiếp cận được thị trường thế giới với nhu cầu dồi dào, quy mô lớn hơn rất nhiều so với thị trường trong nước. Tuy nhiên,
các yêu cầu của một số thị trường, đặc biệt là thị trường tại các nước đang phát triển lại rất cao, cả về mẫu mã sản phẩm lẫn chất lượng sản phẩm. Không những vây, sản phẩm xuất khẩu còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn khá khắt khe của nước nhập khẩu. Do vây, để xây dựng chiến lược hàng xuất khẩu cần chú trọng đầu tư vào sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã để đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường xuất khẩu, đồng thời tiến hành đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của từng thị trường khác nhau.
1.2 Khái quát năng lực cạnh tranh của Công ty TNHH SENA Việt Nam
Việc xác định năng lực cạnh tranh của Công ty TNHH SENA Việt Nam và xây dựng các chiến lược đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của Công ty được thực hiện thông qua sử dụng mô hình phân tích SWOT. SWOT – viết tắt của 4 chữ Strengths (điểm mạnh), Weaknesses (điểm yếu), Opportunities (cơ hội) và Threats (thách thức) là một công cụ rất hữu dụng cho việc nắm bắt và ra quyết định trong mọi tình huống đối với bất kỳ tổ chức kinh doanh nào. SWOT cung cấp một công cụ phân tích chiến lược, rà soát và đánh giá vị trí, định hướng của một công ty hay của một đề án kinh doanh.
Để lập ma trận SWOT phải tiến hành các bước sau: 1- Liệt kê các điểm mạnh của Công ty.
2- Liệt kê các điểm yếu của Công ty.
3- Liệt kê các cơ hội lớn từ thị trường của Công ty. 4- Liệt kê các thách thức của Công ty.
5- Đưa ra chiến lược tận dụng các ưu thế của Công ty để tận dụng các cơ hội của thị trường (S/O).
6- Đưa ra các chiến lược dựa trên khả năng vượt qua các yếu điểm của Công ty để tận dụng cơ hội thị trường (W/O).
7- Đưa ra các chiến lược dựa trên ưu thế của của Công ty để tránh các nguy cơ của thị trường (S/T).
8- Đưa ra các chiến lược dựa trên khả năng vượt qua hoặc hạn chế tối đa các yếu điểm của công ty để tránh các nguy cơ của thị trường (W/T).
Lập mô hình SWOT cho Công ty TNHH SENA Việt Nam theo những bước đã phân tích như trên.
a. Những điểm mạnh
- Sản phẩm của công ty TNHH SENA Việt Nam có uy tín trên thị trường.