HÌNH ẢNH – NHẠC ĐIỆU TRONGTHƠ HOÀNG CẦM
3.1.2.2. Hình ảnh con người Kinh Bắc trongthơ Hoàng Cầm
Mang cả thế giới Kinh Bắc vào trong thơ mình, Hoàng Cầm làm thơ hóa và
bất tử hóa một vùng quê – vùng quê Kinh Bắc. Chẳng vậy mà khi nhắc đến Hoàng Cầm, người ta nhớ ngay đến Kinh Bắc và ngược lại. Song, để tái sinh một Kinh Bắc trong thơ mình, nhà thơ đâu chỉ đưa vào trang viết những tên đất, tên sông, tên núi, những di tích lịch sử văn hóa, những lễ hội đình đám, ông còn làm hiện về rất sinh
động những con người Kinh Bắc trong nhiều thế hệ khác nhau.
Bên cạnh những trai tài, gái sắc Kinh Bắc, đó là những con người đã hóa thân trong huyền thoại, những con người bất tử và rất đỗi thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Đất Việt. Bằng những hình ảnh đẹp, giàu tính thẩm mỹ và bằng tấm lòng thành kính, Hoàng Cầm viết về những con người mà lịch sử Kinh Bắc nói riêng và lịch sử dân tộc nghìn đời còn lưu nhắc mãi. Đó là An Dương Vương – vị
vua anh minh, sáng suốt với mối oan tình Mị Châu- Trọng Thủy và bài học cay
đắng về việc giữ nước của cha ông. Đó là Thánh Gióng – hình tượng nhân vật kỳ vĩ, lừng danh trong lịch sử dân tộc; là Hai Bà Trưng – những con người đã dệt nên trang sử vàng và là niềm tự hào muôn thuở của nhân dân.
Để con sông Cầu bao đời thương nhớrập rềnh câu ca Quan họ, Hoàng Cầm như muốn đọng lại mãi trong đời nỗi nuối tiếc, ngậm ngùi về câu chuyện tình đau lòng và nỗi oan thảm khốc của người ra đi:
Lông ngỗng trải bờ lau Sông Cầu xuôi bến Hát
…
An Dương Vương ôi Bọt bể bồ hòn
[Gió lông ngỗng, 6, tr.114]
Người anh hùng Thánh Gióng lại được hiện lên trong hình ảnh thơ giản dị, cụ thể, tự nhiên, mà hết sức sinh động:
Thiên Vương chẳng nói Lúc gật đầu
vó ngựa đào ao hồ
liên tiếp mãi Đông Anh Thiên Vương chẳng nói
Lúc nghiêng tai
cò chở nắng tề phi điệp điệp đằng ngà Hoa gạo các triền sông
giải lối Sóc Sơn bay
[Nắng phù sa, 6, tr.113]
Tứ thơ độc đáo gợi rất sâu phẩm chất đáng quý của người Việt nam: thâm trầm,kín đáo, tinh tế và sâu sắc.
Người Kinh Bắc từ rất xưa đã có câu “Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu, mồng chín đâu đâu cũng về hội Gióng”. Về với hội Gióng, với Hoàng Cầm và với người Kinh Bắc, như được trở về và sống lại trong miền thơ hạnh phúc, được
ướm vết chân trên đêmê cát mịn bãi phù sa sông Đuống và ngắm màu Quan họ dọc các triền sông. Trong nắng hồng hoang, sông dài, cát bỏng, hoa gạo đỏ, tre làng cháy..., người anh hùng kỳ vĩ này trở về với vẻ đẹp rất Quan họ, gần gũi, thân thương đến lạ kỳ.
Về đất Luy Lâu, nơi Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Tô Định, Hoàng Cầm càng thấy tự hào và càng yêu sao những trang vàngdiễm sử của dân tộc:
Tay rẽ lá giở trang vàng diễm sử
Áo Hai Bà dăng mắc
rừng liên miên chi chít mộ Hùng Vương
[Đèn nhang 1, 6, tr.119]
Lần tìm về quá khứ vẻ vang ấy, nhà thơ kể lại lịch sử chiến đấu và chiến thắng oai hùng của cha ông:
Cụ tổ mười đời lăn đá Chi Lăng chẹn ngõ Đông Quan cứu viện gõ ba hồi trống tuyên giờ tuyệt mệnh Liễu Thăng Cụ tổ chín đời
mở trang Bình Ngô Đại Cáo
[Đèn nhang 1, 6, tr.119]
Trong đau thương, mất mát con người Kinh Bắc nói riêng và người dân kiêu hùng Đất Việt càng đẹp hơn trong tư thế, trong sức mạnh ghê gớm, lạ thường – sức mạnh của lòng yêu nước, của tinh thần bất khuất kiên cường. Lời thơ trong trạng thái tỏ rõ thái độ thành kính, lòng khâm phục, niềm tự hào sâu sắc của tác giả trẻ.
Đâu chỉ có Hoàng Cầm, mỗi người dân Kinh Bắc đều rất đỗi tự hào về mảnh
đất địa linh nhân kiệt của quê hương mình. Có lẽ, nhờ mạch đất tốt tụ vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần và nhiều người trai tài, gái sắc cho vùng non nước này. Hoang Cầm thật vinh dự có quê hương là nơi sinh ra ông vua đầu tiên của triều Lý- Lý Công Uẩn; trạng nguyên đầu tiên của nước ta – thái sư Lê Văn Thịnh; nhiều nhà khoa bảng và nhiều trai tài khác.
Trong thơ Hoàng Cầm, hình ảnh người trai Kinh Bắc hiện lên trong tư thế
hào hùng, dáng dấp kỳ vĩ:
Ngựa Ô – truy lao cầu vồng Yên Thế
Râu cắm rừng quanh ánh mắt sao bay Ngựa Ô – truy phi một đêm đến cửa BồĐề
Bờm nhả khói Đuôi dựng mây Hí lửa dài Vó chồm nghiêng soái phủ
[Khói Yên Thế, 6, tr.116]
Mượn uy danh lừng lẫy của một vị tướng thời xưa, nhà thơ dựng lên hình tượng rất đẹp về người trai Kinh Bắc. Họ, những người trai Cầu Vồng, Yên Thế, những người trai hùng của đất Kinh Bắc, từ mảnh đất nghìn năm văn hiến, theo điệu hát, câu ca, đến với mọi người. Đẹp trong phong thái và đẹp trong cốt cách, tinh thần, những hình tượng ấy đủ sức chinh phục lòng người bao tháng năm:
- Tuốt gươm trần trăm vệ sĩ
hai hang tăm tắp võ hoàng môn Lệ ba năm nức lòng dòng võ tướng Vua kén người giỏi tiên phong vật núi núi lăn
ngáng sông sông gãy
[Hội vật, 6, tr.127]
- Tài dung phép “Chiếc yêu điểm huyệt” Cò bợ tháng tư mổ rút ruột voi già
[Hội vật, 6, tr.129]
- Vươn tay chạm giời Tóc hất sao mai
[Hội vật, 6, tr.132]
Thanh âm rộn rã của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng hoa vừa tạo nên không khí hừng hực của hội đua tài, vừa như mở ra không gian dài rộng của đất nước, đưa người đọc đến những vùng khác nhau trên đất Kinh Bắc để chiếm ngưỡng tài nghệ
của các đồ vật nổi tiếng.Từ Bá Ngạc (Tiên Du), Tư Đang (Yên Dũng), Tổng Dong (Võ Giàng) đến bảy kình khét tiếng Yên Phong, rồi Ba Ngư (Thuận Thành)... tất cả
họ đều là những nhân tài, có sở trường, có biệt tài riêng làm nên uy danh cho trai làng Kinh Bắc. Ca ngợi tài năng những con người ấy, Hoàng Cầm thật tài tình khi gắn liền tên tuổi của họ với nhiều địa danh KB, Và nhờ vậy, họ đã làm rạng danh vùng đất quê hương mình.
Nam nhân Kinh Bắc ngoài nét hùng tráng, tinh thần thượng võ hào hùng còn nổi tiếng phong lưu quân tử. Rượu uống tàn đêm Bình pha lê nghiêng rượu liệm
đêm tàn, vẫn hiên ngang:
Áo nẹp vàng lênchín ngọn Hùng Sơn Dường nắng bay từng đám hỏa hoàng san sát rừng gươm
Gia Bình Bạch Hạc
tràn lên thốc ngược cờđốc đồng Kinh Bắc [Ngựa 2, 6, tr.125]
Chân dung người trai tài Kinh Bắc, sự hùng tráng và nét thượng võ của họ
Thơ Hoàng Cầm dìu chúng ta qua những chùa chiền, lăng miếu, những cầu, những bến, những hội hè và qua những cặp mắt đa tình của người con gái xứ quê. Cùng với người trai tài Kinh Bắc, những con người gái quê Kinh Bắc luôn ẩn hiện, thấp thoáng trong thơ Hoàng Cầm. Chẳng phải ngẫu nhiên khi đọc thơ Hoàng Cầm, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã viết: “Trên cái nền thời gian, khong gian ấy, cứ thấy thấp thoáng một cô gái quê Kinh Bắc của một thuở nào, có vẻđẹp duyên dáng tình tứ Cười như mùa thu tỏa nắng” [66, tr.26]. Có thể nói Hoàng Cầm đã dành cho người phụ nữ nói chung và nhất là người phụ nữ Kinh Bắc một sự ân ưu đặc biệt. Bóng dáng của họ, dấu chân của họ hằn in trên khắp những trang thơ của ông, từ
ngày xưa và cả ngày nay vẫn thế. Từ hoàng hậu, ái phi công chúa hay tiên nữ cho
đến những người gái quê chân chất, dịu dàng ...Nhưng có lẽ, hình tượng nổi bật nhất được nói đến nhiều nhất trong thơ ông là hình tượng người Chị Quan họ.
Viết về người gái quê Kinh Bắc, Hoàng Câm dường như đã dành cho họ
những tình cảm đẹp nhất, sự thương yêu tha thiết nhất. Trong thơ ông, những người con gái đất quan họ ấy, dù là ai, là hoàng hậu cao quý, sang trọng hay là người mẹ, người chị giữa đời thường, vẫn toát lên sự dịu dàng, nét duyên dáng, tình tứ của người Kinh Bắc.
Vẻđẹp, nét duyên của người gái quê Kinh Bắc đã đi vào nhiều câu ca, điệu lí thắm thiết, nồng nàn, níu kéo không chỉ người làng quan họ. Theo cách riêng mà
độc đáo, Hoàng Cầm làm hiện rõ trong thơ mình hình ảnh cô gái Kinh Bắc nhan sắc óng ả, kiều diễm, có đôi mắt lung liếng tình tứ, đôi mắt màu Quan họ, với dáng đi
đài các, uyển chuyển thanh tao... Đó vốn là nét đẹp truyền thống của người con gái xứ Kinh Bắc và trong thơ mình, Hoàng Cầm lại còn dành nhiều thời gian và công sức để tạo dáng cho họ. Khuôn mặt búp sen, làn môi cắn chỉ quết trầu, răng đen rưng rức hạt na, tóc đuôi gà, khăn mỏ quạ, nón ba tầm quai thao cùng bao nhiêu là váy, yếm, thắt lưng... tất cả đều thể hiện cảm xúc tỷ mĩ,cái nhìn văn hóa đầy xúc
động của nhà thơ.
Hiện về từ trang thơ Hoàng Cầm là những người con gái xinh đẹp, tình tứ và rất mực giỏi giang. Từ cô Tấm thưở xưa đến Nguyên Phi Ỷ Lan đời Lý, bà chúa chè
Đặng Thị Huệ thời vua Lê Chúa Trịnh, rồi những người Mẹ, người Chị... Họđã gửi lại trong hồn ông và trong thơ ông nỗi khắc khoải, nuối tiếc đến dai dẳng, như là
định mệnh, như là duyên kiếp. Cả tập thơ Về KinhBắc, nhà thơ viết về quê hương, về cảnh ngộ gia đình mình, về số phận mỗi người thân yêu nhưng nhiều nhất vẫn là về số phận, những người gái quê Kinh Bắc. Có thể nói, họ là hiện thân trọn vẹn
nhất, sinh động nhất của quê hương Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm.
Hình ảnh người con gái mắc váy lụa kiểu Đình Bảng, mép váy buông chùng cửa võng tưởng như đang đi trên sóng rập rờn, đẹp lồng lộng và đầy quyến rũ. Vẻ đẹp ấy có thể nói đủ sức che lấp cả những mái đình, nóc miếu và làm mê mẩn cậu trai quê đến cả một đời. Để rồi, từ cánh đồng chiều làng Như Thiết năm ấy, cậu bé si tình cứ cầm chiếc lá Diêu Bông trong tay đi xuyên thời gian, xuyên suốt vùng quê
đa tình, diểm ào, đi mãi, tìm mãi và yêu mãi dù biết rằng hạnh phúc thật xa xôi, xa xôi. Dễ hiểu vì sao những dòng thơ về người gái quê Kinh Bắc của Hoàng Cầm thường thấm đẫm nỗi đau, nỗi khát khao trong nghẹn ngào luyến tiếc, tuyệt vọng. Gái Cầu Lim- Nội Duệ nổi tiếng có nhan sắc. Từ góc nhìn riêng, Hoàng Cầm vừa khắc họa nét đẹp kiều diễm của họ, lại vừa cho thấy số phận đáng thương của họ. Trong bài sương cầu Lim thi nhân viết:
Chấp chới lá chè non Cầu Lim Nội Duệ
The Hà Đông đón kiệu bỏ quê Xim
[Sương cầu Lim, 6, tr.115]
Chuyện người con gái đẹp nghiêng nước nghiêng thành bỏ quê, theo chúa về
Thăng Long để lại nỗi hụt hẫng, xa xa cho bao nhiêu người, cho cả quê hương.Câu thơ Hoàng Cầm vì thế mà nghe thiết tha da diết: Gái cầu Lim Nội Duệ đã đi. Rõ ràng, thơ Hoàng Cầm đâu chỉ có những khuôn mặt búp sen, những khóe mắt, miệng cười tình tứ, sâu trong câu chữ của thi phẩm của ông là cả cuộc đời, là số phận người con gái quê Kinh Bắc. Tiếng thơ lúc nhỏ nhẹ, thâm trầm, khi mạnh mẽ, quyết liệt và chẳng bao giờ nhà thơ thôi không thấy đau xót cho nỗi nhục nhằn, hờn tủi mà họ phải gánh chịu. Thơ ông theo đó có sức lay động rất sâu, rất mạnh tâm hồn người đọc:
- Em gánh gạo về dinh phú hộ Nứt vai thành sẹo lá lan đao Em chở nứa sang bờ duyên phận Tay đóng bè chân xuôi thác ghềnh Tuổi đã rách vá gì cho kịp
Da mởđông tuốt sẹo ngang thân (…)
Cành tre trải áo nép thân mình Phấn mùa trăng thoa mờ sẹo tuổi
Một cuộc đời, một thuở sắc xuân chẳng có niềm vui, hạnh phúc, chỉ có mồ
hôi, nước mắt hòa trong nỗi vất vả, sự tảo tần. Thời gian vô hình làm sao xóa được những vết sẹo dọc ngang đã hằn sâu trên thân thể, khắc sâu trong tâm hồn và trở
thành nỗi ám ảnh trong cuộc đời họ. Có biết bao tác phẩm thơ văn viết về nỗi đau ấy và có biết bao cách để người viết bày tỏ niềm cảm thông, chia sẻ, tình yêu thương của mình đối với họ. Trong thơ Hoàng Cầm, hình tượng người con gái quê Kinh Bắc hiện lên vừa chân thực, vừa diễm ảo, mang đậm hồn cốt và tình người đất Việt.
Quả vậy, trong thơ mình, Hoàng Cầm đã lưu giữ được không chỉ dáng hình và những nét đáng yêu của người con gái Kinh Bắc trong sinh hoạt hội hè hay trong cuộc sống cực nhọc, tần tảo mà cả những nếp cảm, nếp nghĩ, những tâm tư và số
phận của họ.Trước nay, hiếm nhà thơ nào có thể khắc họa được một cách trọn vẹn hình ảnh trữ tình như thế trong nhà thơ mình.Hoàng Cầm thật may mắn từ thưở rất xa xưa đã được mẹ ru vào hồn những chuyện kể về Kinh Bắc, về cảnh quê, về con người và về những số phận… Sau hình ảnh người mẹ, bên cạnh cậu bé con với chiếc lá Diêu Bông trong tay, là người gái quê đa tình diễm ảo, như cánh mây trắng mỏng choán ngập tâm hồn và làm thành thế giới mê say của thơ ông. Thời gian vẫn làm nhòa đi tất cả trong mảnh hồn lả lướt xanh xao, trong tâm tư u buồn chạng vạng, kỷ niệm thật đẹp đã có với Chị từ rất lâu sẽ mãi còn đầy, mãi tươi tắn và nguyên vẹn như thưở nào. Bóng tình yêu niềm hạnh phúc và cả cuộc đời Chị mà rộng ra là người gái quê Kinh Bắc cứ vương vấn mãi khiến thi nhân nhớ mãi trong yêu thương, xót xa không chỉ một kiếp này.
Hồn thơ Hoàng Cầm nhờ lắng sâu vào lòng đất quê hương, chìm sâu trong niềm ký ức miên man xanh một màu huyền diệu vĩ vãng nên cái nghiệp thơ đầy đau khổ nhưng cũng lắm hào quang tỏa ra từ tâm linh và những câu chữ kỳ diệu ấy đã có những giờ phút say sưa, những rung động mãnh liệt về mảnh đất và đặc biệt là về
con người Kinh Bắc. Bằng cách nhìn, cách cảm và tài năng sáng tạo ngôn ngữ riêng, Hoàng Cầm luôn có cách thể hiện rất độc đáo về con người Kinh Bắc. Ở đó, hình
ảnh người gái quê Kinh Bắc hiện lên đẹp nhất, ấn tượng và có sức ám ảnh lòng người nhất. Những khuôn mặt búp sen với những nụ cười như mùa thu tỏa nắng
chắc sẽ còn mãi bên đời như cuộc đời đã có những gái quê Kinh Bắc.
Về Kinh Bắc, Hoàng Cầm thực sự đã được trở về và sống với những tâm tư
sâu kín của riêng mình, về với quê hương Kinh Bắc vừa rất thực vừa như là ảo ảnh, vừa gần gũi lại rất đời xa xôi chập chờn, bảng lảng…, và về với những người đã khuất bóng ở nhân gian vẫn còn mãi trong hồn ông. Mang trong hồn “nỗi đau của
những thuyền tình không đến bến, những nguyện ước không thành, những mộng
đẹp tan vỡ, những men say nửa chừng, những con mắt mỹ nhân đã khép, những tiếng hát nguời yêu đã tắt, những làn da mịn màng người quê Kinh Bắc đã nhăn nheo, những sợi tóc xưa óng ả nay đã úa bạc” [6, tr.195], hòa thực tại vào quá khứ, Hoàng Cầm viết nên những dòng thơđầy ẩn ức, đầy bi kịch. Hình tượng con người Kinh Bắc trong sáng tác của ông, trong sự biến hóa khá đa dạng, hiện lên thật sôi
động với nhiều vẻ. Người Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm tuy chịu nhiều đau thương, mất mát vẫn lạc quan, tin yêu cuộc sống. Đó là những con người đã mang trong mình nét đẹp truyền thống của Kinh Bắc nói riêng và dân tộc nói chung. Chính cảm xúc thơ ca và tình yêu với Kinh Bắc đã giúp Hoàng Cầm có được những giai điệu đẹp.