Đầu tiên là sự đổi mới về tên môn học. Trước đây (trước khi bộ sách giáo khoa Ngữ Văn
ở cả hai bậc cơ sở và phổ thông được đưa vào sử dụng) bộ môn Văn gồm có ba phân môn: Văn học, Tiếng Việt, Làm văn. Tương ứng với ba phân môn này là ba bộ sách giáo khoa được biên soạn độc lập. Chương trình mới môn Văn gọi chung là môn Ngữ văn và sách giáo khoa chỉ có một cuốn cho ba phân môn và được xây dựng theo nguyên tắc tích hợp.
Thứ hai là vấn đề chọn văn bản. Chương trình cũ lựa chọn tác phẩm theo lịch sử nặng về
văn học sử, minh hoạ cho văn học sử. Chương trình Ngữ văn mới lựa chọn văn bản văn học theo thể loại và tổ chức dạy học theo đặc trưng thể loại. Và những kiến thức về lịch sử văn học, lí luận văn học được coi như những kiến thức công cụ giúp học sinh tiếp nhận tốt hơn văn bản. Không chỉ vậy “biên độ khái niệm văn” cũng được mở rộng hơn. Ngoài những tác phẩm văn học mang tính hình tượng, sử dụng hư cấu (với một số thể loại chính như thơ, truyện, tiểu thuyết … ) còn có những văn bản không hư cấu. Đó là những văn bản viết bằng nhiều thể loại khác nhau theo mỗi giai đoạn. Văn học trung đại học các thể loại như : thơ, nghị luận, truyện kí, văn tế … Văn học nước ngoài cũng lựa chọn một số thể loại lớn như sử thi, tiểu thuyết, kịch …
để học. Nếu chương trình cũ ít chú ý đến văn nghị luận thì chương trình Ngữ văn mới học khá nhiều loại văn này (cả nghị luận văn học và nghị luận xã hội; nghị luận trung đại lẫn hiện đại, trong nước và ngoài nước). Ngoài ra, chương trình còn đưa vào một số văn bản nhật dụng vào cuối lớp 12 nhằm giúp học sinh quan tâm đến những vấn đề gần gũi, bức thiết đang đặt ra trong cuộc sống.
Thứ ba : Chương trình văn học cũ lựa chọn tác phẩm dừng lại ở mốc lịch sử 1975. Chương trình Ngữ văn THPT mới mở rộng lựa chọn đến cuối những năm 2000. Các tác phẩm văn học sau 1980, đại diện cho thành tựu văn học đổi mới, được đưa vào với một mức độ nhất
định, chẳng hạn: Nguyễn Minh Châu với tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa; Nguyễn Khải với
Một người Hà Nội ; Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đàn ghi ta của
Lorca của Thanh Thảo …). Ngoài ra, giai đoạn văn học đổi mới này còn được giới thiệu trong mục Đọc thêm bắt buộc với một số tác phẩm như : Đò Lèn ( Nguyễn Duy ); Mùa lá rụng trong vườn ( Ma Văn Kháng ) …
Thứ tư : Môn học Ngữ văn THPT có 2 chương trình : Chương trình chuẩn và Chương trình nâng cao. Chương trình chuẩn dành cho những học sinh ở các ban Khoa học tự nhiên và ban Cơ bản. Chương trình này nhằm đáp ứng cho các học sinh có nhu cầu nắm vững nội dung môn học để có thể hoàn thành tốt kì thi tốt nghiệp THPT. Chương trình nâng cao ngoài những nội dung có trong Chương trình chuẩn còn có thêm một số yêu cầu và nội dung khác biệt nằm phân hóa và đáp ứng nhu cầu của những học sinh không chỉ thi tốt nghiệp mà còn thi đại học vào các ngành Khoa học xã hội và nhân văn. Yêu cầu về nội dung, khối lượng kiến thức và mức độ kĩ năng của hai chương trình có khác nhau, nhưng không quá chênh lệch. Nội dung
Chương trình chuẩn được xác định là mặt bằng kiến thức, kĩ năng cơ bản, ( tối thiểu, đại trà). Sau đó bổ sung một số nội dung tri thức và kĩ năng trong Chương trình nâng cao. Việc nâng cao tiến hành bằng cách tăng thêm thời gian, số lượng tác phẩm, tri thức đọc văn, yêu cầu viết bài, hoặc cũng cùng một tác phẩm nhưng thời gian nhiều hơn để có điều kiện khai thác kĩ hơn ; ngoài ra một số hình thức luyện tập trong làm văn chỉ dành cho học sinh học Chương trình nâng cao…
Ngoài những đổi mới vừa kể trên, chương trình Ngữ văn mới còn có những thay đổi ở
phần Hướng dẫn học bài. Phần này gồm hệ thống câu hỏi hướng dẫn học sinh đọc – hiểu, giúp học sinh phát hiện đúng, đầy đủ, sâu sắc những giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản.
Điểm khác và cũng là điểm mới của hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa Ngữ văn là hạn chế tới mức tối đa câu hỏi tái hiện một nội dung mà người soạn định sẵn. Hệ thống câu hỏi này giúp học sinh tự phát hiện, phát huy những suy nghĩ cá nhân
Mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá là những thành tố có liên hệ mật thiết với nhau. Khi mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học đã thay đổi thì không thể
không thay đổi cách kiểm tra đánh giá.
“Kiểm tra đánh giá trước hết là để tìm hiểu và đánh giá trình độ năng lực của học sinh ở
vào những thời điểm nhất định của quá trình dạy học theo chương trình và mục tiêu đã qui định. Sau đó, nó góp phần điều chỉnh phương pháp dạy của giáo viên và phương pháp học của học sinh. Kiểm tra đánh giá là khâu cuối cùng của quá trình dạy học, đồng thời là cơ sở để mở ra một quá trình dạy học mới. Chính vì vậy, khâu kiểm tra đánh giá có một vị trí và tầm quan
trọng đặc biệt đối với toàn bộ quá trình dạy học. Trong kiểm tra đánh giá, việc ra đề là công
đoạn quan trọng nhất”(12, tr.135). Đổi mới kiểm tra đánh giá cũng tức là đổi mới cách ra đề. Trước khi bộ sách giáo khoa Ngữ văn mới bắt đầu được thực hiện đại trà, tự luận là hình thức kiểm tra được sử dụng phổ biến trong các thường kỳ, cuối kỳ, cuối năm, các đợt thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp. Một đề tự luận truyền thống thường có ba phần: phần dẫn và nêu vấn đề, phần yêu cầu kiểu bài, phần giới hạn vấn đề. (ví dụ :“Nhà thơ
Xuân Diệu viết : “Nguyễn Khuyến mặc dù không cầm gươm chiến đấu dưới lá cờ phấn nghĩa Cần Vương, vẫn đáng được xếp vào hàng những nhà thơ yêu nước”. Hãy giải thích và chứng minh”)[27, tr.241]. Nội dung kiểm tra chú trọng nghị luận văn học (những tác phẩm, đoạn trích học sinh đã được học) trong khi nghị luận xã hội ít được quan tâm. Đề văn nặng về kĩ năng ghi nhớ và tái hiện kiến thức. Những điều này tạo nên thói quen học tủ, học vẹt, làm văn thiếu sáng tạo, “dạy gì học nấy”, “học gì thi nấy”, “thi gì học nấy”, “thi gì dạy nấy”
Hiện nay, đề văn đã và đang có sự thay đổi về hình thức lẫn nội dung. Về hình thức, giáo viên có thể đa dạng hoá cách ra đề, hoặc tự luận hoặc trắc nghiệm khách quan. Một đề tự luận kiểu mới chỉ nêu vấn đề, đề tài cần bàn bạc, làm nổi bật, còn các thao tác thì học sinh tuỳ vào nội dung từng vấn đề, tuỳ vào cách làm, kiểu văn bản cần tạo lập mà sử dụng cho phù hợp. Nội dung kiểm tra cũng phong phú hơn. Đề bài có thể yêu cầu học sinh nghị luận về một tư tưởng
đạo lí, nghị luận về một hiện tượng đời sống, nghị luận về một vấn đề xã hội trong văn học… Chẳng hạn : “Em nghĩ gì về những em bé lang thang, không nhà cửa”, “Bài học đạo lí từ cuộc đời cô Tấm”, “ Nếu em là cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm – Cám”, “ Hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng” … là những kiểu đề mới.
Sự đa dạng hoá hình thức và nội dung kiểm tra đánh giá vừa phát huy khả năng độc lập suy nghĩ, tính sáng tạo của học sinh vừa rèn luyện cho các em cách “diễn tả cái gì mình suy nghĩ, mình cần bày tỏ một cách trung thành, sáng tỏ, chính xác, làm nổi bất điều mình muốn nói”[38, tr.41].
Đề văn hiện nay là một vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn thể xã hội. Thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đã trao đổi rất sôi nổi về vấn đề này, nhất là từ khi Báo Văn nghệ
số 27 ra ngày 8/7/2007 đăng một số đề thi tuyển sinh đại học môn Văn ở Trung Quốc. So sánh với những đề văn truyền thống của chúng ta không ít ý kiến qui “tội” cho những người làm công tác giáo dục ra đề đơn điệu về hình thức, quá thiên về nghị luận văn học, “nội dung kiểm tra chỉ xoay quanh vài chục đề trong sách giáo khoa Làm văn, bó gọn trong vài chục tác phẩm của chương trình …”[5, tr.103]. Thực tế ra một đề văn kiểu mới không khó đối với giáo viên
nhưng vì học sinh còn hơi xa lạ với kiểu đề này nên các em sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết những vấn đề đặt ra trong đề bài. Vì thế cần phải tỉnh táo để thấy rằng đề văn kiểu mới có những ưu điểm nhất định nhưng không thể áp dụng một cách nóng vội, máy móc vào thực tiễn giáo dục nước ta mà phải thay đổi từng bước thì mới mang lại hiệu quả như mong muốn.