phòng và tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa. Xây dựng, ban hành, thực thi luật pháp cùng các chính sách văn hóa
Xây dựng làng văn hóa là một chủ trương lớn và mang tính tổng hợp nên khi triển khai cần kết hợp lồng ghép chặt chẽ với các chương trình kinh tế - xã hội của Nhà nước, của đoàn thể như chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chương trình phát triển văn hóa thông tin - thể thao, y tế, giáo dục đào tạo; chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội...để tạo cơ sở kinh tế - xã hội vững chắc cho yêu cầu xây dựng làng văn hóa.
Quá trình xây dựng làng văn hóa cần chú ý những nét khác biệt về cư dân, về ngành nghề của từng địa phương để có các giải pháp phù hợp, làm sao để mỗi làng có điều kiện thể hiện sắc thái riêng của mình nhằm đảm bảo tính phong phú, đa dạng của địa phương mình. Làng xã hội vốn có những đặc điểm không thuần nhất, do vậy trong quá trình chỉ đạo triển khai cuộc vận động, việc đưa ra các hình thức hoạt động phải tính đến đặc thù của các dạng làng, bản khác nhau, tránh sự áp đặt, truy chụp đồng loạt theo một mô thức rập khuôn và què quặt.
Thực tế những năm qua, những hoạt động bước đầu có hiệu quả ở Quảng Nam phải kể đến sự vận động lồng ghép, phát huy tốt vai trò tích cực của các loại hình câu lạc bộ do các đoàn thể, cấp hội tổ chức; các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian mang tính lễ hội thông qua các ngày lễ lớn của dân tộc, của làng; các hoạt động văn hóa thể thao
quần chúng; các trò chơi dân gian mang tính "cây nhà lá vườn" do Đoàn thanh niên tổ chức; phong trào "Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn" được phát động từ các trường học, các tổ chức đoàn - đội ở từng cơ sở; xây dựng "điểm sáng biên phòng" ở vùng sâu, vùng xa... đã hội tụ được đông đảo quần chúng nhân dân với nhiều lứa tuổi tham gia; những giá trị văn hóa truyền thống được khơi dây, tạo ra một nội lực văn hóa mới trong các làng (thôn, bản).
Mặt khác, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về văn hóa. Kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa biện pháp giáo dục thuyết phục với các biện pháp hành chính, kinh tế, kể cả bằng công cụ pháp luật khi cần thiết, trong đó lấy giáo dục thuyết phục làm biện pháp hàng đầu. Kịp thời khen thưởng, động viên những cá nhân, những mô hình tốt và xử lý, khắc phục những hạn chế, lệch lạc tiêu cực trong đời sống văn hóa ở một số làng. Hai năm một lần, Tỉnh cần tổ chức Hội nghị các điển hình tiên tiến, cá nhân xuất sắc để biểu dương và rút kinh nghiệm nhân rộng phong trào. Phát huy các qui ước của cộng đồng, các qui phạm đạo đức để điều chỉnh các hành vi của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng.
Cùng với các họat động mang tính nội tại vốn có của từng làng (thôn, bản), cần phải có những hoạt động mang tính mũi nhọn từ trên xuống như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu truyền thống lịch sử, pháp luật; thi ứng xử, tài năng cho mọi lứa tuổi, thi tìm hiểu truyền thống văn hóa của từng vùng, miền... cùng với nó là hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền phổ biến kiến thức của các tổ chức, đoàn thể, cấp hội...tạo dư luận, gây ảnh hưởng sâu rộng trong toàn xã hội. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Nghị định 87, 88/CP của Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ tệ nạn xã hội nhằm phát huy các giá trị văn hóa làng, tạo nên môi trường trong sạch, lành mạnh trong các làng.