Chưa có đầy đủ các cuộc khảo sát, điền dã để tìm lại tất cả các hương ước, lệ làng ở nông thôn Quảng Nam. Nhưng thực tiễn bao giờ cũng là minh chứng sinh động và quy luật kế thừa trong văn hóa luôn biểu hiện dưới nhiều hình thức phong phú qua bao nhiêu thay đổi về cơ cấu, tên gọi, tách nhập do việc phân bổ về dân cư và yêu cầu quản lý xã hội của Nhà nước đến bây giờ hầu như các thôn bản ở Quảng Nam đều vẫn gọi tên làng và tất cả các làng đều để lại vết tích của đình làng, miếu thần hoàng, miếu ông, miếu bà, các chùa
chiền dùng cho sinh hoạt tín ngưỡng các hương ước. Chẳng hạn ở Điện Bàn vẫn còn tên gọi của 6 giáp: Nhứt giáp (thôn Phong Nhứt), Nhị Giáp (thôn Phong Nhị), Tam Giáp (thôn Ngọc Tam), Tứ Giáp (thôn Ngọc Tứ thuộc xã Điện An), Ngũ Giám (thôn Long Ngũ, Lục Giáp (thôn Phong Lục thuộc xã Điện Thắng bây giờ). ở các thôn này đều là nơi sinh cơ lập nghiệp của các dòng tộc lớn: Phong Nhứt (Trần Nguyễn), Phong Nhị (Trịnh - Nguyễn), Phong Ngũ - Phong Lục (Đỗ - Phạm) Ngọc Tam - Ngọc Tứ (Hà, Đoàn, Tống); mỗi làng đều có đình làng. Giáp là đơn vị hành chính quan trọng nhất của làng xã thời phong kiến. Giáp điều hành các thành viên trong giáp bằng quy ước cộng đồng theo hương ước, lệ làng.
Qua tìm hiểu một số bản hương ước cũ ở một số làng trong tỉnh như: Hương ước của làng La Qua (phủ Điện Bàn), quy ước thôn Uất Lũy (Điện Minh, Điện Bàn), Hương ước thôn 2 (Trà Giang, Trà My)... Chúng tôi thấy, mặc dù có những điều quy định riêng theo đặc điểm của từng làng, song về cơ bản các hương, khoán ước cũ ở Quảng Nam có những nội dung cơ bản sau:
a) Những quy định về ranh giớilàng xã.
b) Những quy định liên quan đến sản xuất nông nghiệp.
c) Những quy định về cơ cấu tổ chức và quan hệ xã hội của làng. d) Những quy ước về việc bảo vệ an ninh làng xã.
g) Những điều khoản quy định việc đảm bảo các nghĩa vụ với Nhà nước. h) Những quy định về hình phạt của làng.
Trong bối cảnh một cộng đồng dân cư nông nghiệp ở làng xã sống tụ cư, cùng chung những tác động tự nhiên, của cải vật chất gia tăng có hạn thì nội dung chính của hương ước là hướng tới sự ổn định trật tự vốn có, chống lại các tác động của tự nhiên và phân phối một cách hợp lý các sản vật ít ỏi có được theo định kỳ sản xuất lúa nước một cách lệ thuộc vào thiên nhiên. Sự lệ thuộc đó đã quy định khuôn khổ mối quan hệ giữa người và người trong làng xã cổ truyền. Do vậy, có thể xét hương ước là những quy định
của cộng đồng dân cư nông nghiệp ở cấp cơ sở về mối quan hệ giữa người với người mà trong những điều kiện tự nhiên và thiên nhiên đã tạo ra.
Hương ước ở Quảng Nam không chỉ có ý nghĩa như một thứ luật pháp, mà còn có ý nghĩa như một hệ thống tiêu chuẩn đạo đức. Bởi những điều đã ghi trong hương ước, vấn đề bổn phận và nghĩa vụ của người dân được đặt lên hàng đầu. Những điều đó không những người dân mà quan viên, chức sắc, lý dịch đương thời cũng vậy, tất cả đều có trách nhiệm thực hiện. Đó là điều tiên quyết làm cho hương ước có sức sống.
Lệ làng có thưởng, có phạt. Thưởng và phạt đều giữ gìn phong hóa của làng, giữ gìn nếp sống ổn định của làng, muốn đưa mọi người vào khuôn phép của cộng đồng để người dân hành động theo đạo đức, theo phong tục tập quán tốt đẹp. Cứ như vậy lâu ngày thành thói quen. Và thói quen khi đã thành nếp, trở thành phổ biến hết đời nọ sang đời kia và thường xuyên được bổ sung, trong đó hàm chứa những tiêu chuẩn đạo đức. Huống chi các hương ước lại do quan viên, chức sắc trong làng hợp đồng với dân làng bàn soạn ra. Hương ước chỉ được chính thức thi hành qua bàn tay vận dụng của bộ máy nói trên. Bộ máy này được sự hỗ trợ tích cực của triều đình, của các quan tỉnh, quan phủ, quan huyện để duy trì sự thăng bằng cần thiết trong xã hội và bảo vệ nền chuyên chế. Như vậy hương ước càng có sức sống, vì qua nội dung và phương pháp thực hiện, nó là sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa truyền thống làng mạc và quyền lực của chính quyền các cấp trong pháp đình quân chủ phong kiến.
Nghiên cứu làng xã Quảng Nam trong nền kinh tế nông nghiệp trước đây ta thấy rằng, với một nền kinh tế tự cung, tự cấp, với một vũ trụ tinh thần tự tại (có đền thờ thành hoàng, có đình, có chùa, miếu thờ thổ thần...) với những phong tục tập quán riêng, với những lệ làng - hương ước - điều lệ tự đặt ra, trong đó gói gắm những gì thuộc về đất đai, ngôi thứ, trật tự trị an, quan, hôn, tang, tế, khao vọng, kính biếu... đã tạo nên những giá trị văn hóa đặc thù từng làng và luôn được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình xã hội qua thời gian lịch sử. Cũng như trong tổng thể chung của người Việt, con người xứ Quảng đi từ làng đến nước, làng - nước hai từ ấy hòa quyện hữu cơ với nhau thì lệ làng,
luật nước cũng hòa đồng với nhau. Làng có vững nước mới yên. Đó là cơ sở tồn tại bền vững của văn hóa làng Quảng Nam trước đây và hiện nay.
Chương 3
Thực trạng công tác xây dựng làng văn hóa và phương hướng, giải pháp đẩy mạnh công tác
xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam hiện nay