Làng thuần nông

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam hiện nay potx (Trang 40 - 44)

Cũng như trong phạm vi cả nước, làng thuần nông là hình thức làng phổ biến nhất ở Quảng Nam từ xưa đến nay. Theo thống kê, trong số 1551 làng (bản, thôn) ở Quảng Nam có 1318 làng thuần nông chiếm 85% tổng số làng.

Làng thuần nông lấy cây lúa và cây công nghiệp làm cơ sở kinh tế chủ đạo. Sách

Đại Nam nhất thống chí, mục "khí hậu" có chép về công việc làm nông của xứ Quảng:

"...Thổ nghi nhà nông có 5 đảng: ruộng hạ, thì mùa đông cấy, màu hạ gặt; ruộng mùa thì mùa hạ cấy, mùa đông gặt; ruộng hai mùa đã gặt ở mùa hạ lại gặt ở mùa thu; ruộng hạ hạn, một lần gặt trong tháng 2,3,4 và một lần gặt trong tháng 10, tháng 11; ấy là phân

theo đất ruộng cao thấp nên sự cấy gặt có sớm muộn vậy" [19, tr. 14].

Xét về thổ nhưỡng, làng thuần nông ở Quảng Nam gắn bó với các loại hình sau: Ruộng rộc là ruộng thấp, nằm ở vùng đất trũng, tích tụ nhiều phù sa sau mỗi trận lụt và không sợ thiếu nước. Ruộng này xếp vào loại "nhất đẳng điền" - Vụ lúa tháng tám thu hoạch xong mà mùa lụt chưa đến sớm, người ta chỉ cần bừa qua một lượt rồi bỏ đó chờ ăn "lúa sinh khôn". Đây là một lối canh tác tận dụng hiệu quả của đất đai; chẳng tốn công sức bao nhiêu nhưng có năm cho sản lượng cao. "Lúa sinh khôn" đã đem lại sản lượng đáng kể cho nhà nông trong các làng ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn.

Ruộng triều có độ cao trungbình so với địa thế đất đai chung quanh. Loại ruộng này khá thuận lợi so với việc canh tác, tưới tiêu.

Ruộng treo là loại ruộng cao hơn tất cả, nhưng thấp hơn đất thổ, có khả năng giữ nước cho cây lúa phát triển với điều kiện bờ được đắp, được chăm sóc cẩn thận. Ruộng

này thường ở gần thổ cư, nên tục ngữ địa phương có câu"Ruộng nhất ở xa, không bằng ruộng ba ở gần" là có ý nói đến việc thăm nom thường xuyên; đặc biệt là theo dõi mực nước cần thiết để cho cây lúa sinh trưởng.

Đất ba châu còn gọi là đất tân bồi, đất nà, đất nùng...; loại đất này được phù sa bồi đắp dọc những triền sông, đất cát pha, tơi xốp, màu mỡ hơn tất cả so với các loại đất khác; phù hợp cho cây dâu tằm và các loại hoa màu như: ớt, thuốc lá, đậu nành, dưa hấu... Do đó, người ở vùng đất ba châu này thường có cuộc sống sung túc, dáng vẻ thanh tú hơn người sinh sống ở các vùng đất khác:

"Con gái ba châu làm dâu đất điền

Cũng đáng đồng tiền dạm hỏi cưới xin".

Đất đồi là loại đất ở triền núi, hay gò trước núi. Nông sản chủ yếu trên loại đất này là sắn, khoai.

Sự phân loại đất là một trong những biểu hiện tiến bộ của trình độ canh tác qua tiến trình lịch sử. Đây là kết quả của những kinh nghiệm tích lũy do những con người gắn bó với đất đai, với hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân xứ Quảng.

Công việc canh tác lúa ở Quảng Nam trước đây rất vất vả. Do vậy, người dân ở những địa phương khác khi có người thân đến đất Quảng để làm ăn đều phải thở dài:

"Dậm chưng xuống đất kêu trời!

Chồng tôi vô Quảng biết đời nào ra".

Tuy nhiên, ở Quảng Nam cũng có những cánh đồng rất phì nhiêu thuận lợi cho quá trình sản xuất và cho sản lượng lúa cao như ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc... Đặc biệt, làng nông ở những huyện này đã cho ra loại gạo nấu cơm ngon có tiếng: "Nhứt gạo lúa can, nhì gan cá bống".

Từ sau năm 1975, cùng với việc xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh kết hợp với quá trình nhân các giống mới; lúa đã được trồng 3 vụ/năm. Canh tác lúa trong các làng đã được tiến hành chủ động nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Năng suất lúa ngày càng cao trong các làng thuần nông ở Quảng Nam.

2.2.1.2. Làng nghề

Quảng Nam có trên 50 nghề và làng nghề thủ công truyền thống dưới nhiều hình thức cũng như qui mô sản xuất khác nhau. Nhiều sản phẩm được giới thiệu và bán rộng rãi trong và ngoài nước. Một số địa danh làng nghề tiêu biểu được lưu truyền qua những câu ca dao, lý ở Quảng Nam:

"Bảo An có thợ nấu đường.

Vôi vừa thén khéo chẳng nhường nhịn ai Thợ dệt có làng Thi Lai

Đông Yên, tứ Mã gái trai biết đều

Ngã Giáp thì có thợ thêu...".

Nhiều tên làng và sản phẩm trở nên gần gũi, quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước như:

* Chiếu cói: Bàn Thạch (Duy Xuyên)

* Chằm nón lá: Chợ Chùa, Mã Châu (Duy Xuyên); Mông Lãnh, Dưỡng Mông (Quế Sơn).

* Nước mắm: Trường Xuân (Tam Kỳ).

* Trống (trống lịnh, trống chiến, trống chầu): Lâm Yên (Đại Lộc)

* Đồ gốm, sành, sứ (chum, vại, hũ, gạch, ngói, nồi niêu, chén bát): Thanh Hà (Hội An), Phúc Lâm, Lò Chén (Quế Sơn).

* Lụa tơ tằm đũi lãnh, dệt vải bông: Mã Châu, Thi Lai, Đông Yên, Bảo An, Phú Đông, Hà Mật, Đông Bàn, Xuân Đài, Tư Phú, La Qua (Điện Bàn, Duy Xuyên).

* Thêu trướng hoành phi, liễn, áo quần: Ngũ Giáp (Điện Bàn). * Đúc đồng: Phước Kiều (Điện Bàn).

* Đóng ghe bầu, ghe chiến đi biển và nghề mộc, chạm trổ, cẩn xà cừ: Kim Bồng (Hội An).

* Nấu đường mía: Bảo An (Duy Xuyên), Phương Trì (Quế Sơn). * Trồng các loại rau sống: Trà Quế (Quế Sơn).

* Làm lúa: Chợ Chùa (Duy Xuyên). * Làm thịt bò tái: Cầu Mống (Điện Bàn).

* Làm quế, miếng lát quế, ấm chén quế bằng cây và vỏ quế: Trà My. * Khai thác chế biến yến sào: Cù Lao Chàm (Hội An).

Mỗi làng nghề truyền thống của Quảng Nam đều có những nét đặc thù riêng, sức sống riêng, đã định hình và đã gắn chặt trong tâm thức cũng như trong sinh hoạt của con người xứ Quảng. Trong số các làng nghề vừa nêu trên, có 3 làng nghề nổi tiếng nhất mà cho đến nay giá trị và hiệu quả hoạt động vẫn còn tác dụng rất tốt đó là:

Làng dệt Duy Trinh:

Đây là chiếc nôi, đất tổ của nghề dệt lụa tơ tằm, ra đời sớm từ những năm 1928- 1930. Người có công sáng lập, tạo dựng làng nghề như cụ Võ Dần, Cửu Viễn đã tập hợp con cháu, bà con trong làng hướng dẫn việc nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi, đóng khung cửi dệt lụa, lãnh... Làng dệt Duy Trinh đã có những thời kỳ hưng thịnh, được đánh dấu bằng những mốc thời gian như năm 1930, 1945, 1964, 1976. Ngày nay, làng dệt Duy Trinh là một hợp tác xã vẫn hoạt động rất năng động. Đến cuối năm 1994 đã cổ phần hóa 100% tạo nên động lực kích thích sự thay đổi và phát triển nhanh chóng cơ cấu sản xuất, tiếp thị thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Với đồng vốn hợp tác xã 2 tỷ đồng, với hơn 800 lao động, 2275 nhân khẩu ăn theo, hàng năm Duy Trinh sản xuất từ 13 đến 15 triệu mét lụa vải. Chắc chắn, làng dệt Duy Trinh sẽ phát triển với tốc độ nhanh hơn trong thời gian tới.

Làng đúc đồng Điện Phương (Điện Bàn):

Từ xa xưa, những người dân của 2 làng Phước Ninh và Đế Kiều xứ Bắc đã tụ hội vào dinh chấn Thanh Chiên - trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của Quảng Nam (từ thế kỷ 15-19) để làm ăn, lập nghiệp mang theo nghề đúc đồng nổi tiếng và lưu truyền cho đến ngày nay.

Để tưởng nhớ nơi chôn rau cắt rốn, họ ghép hai tên làng trên thành Phước Kiều thuộc xã Điện Phương (Điện Bàn).

Sản phẩm của làng Phước Kiều gồm đồ thờ cúng: chân đèn, lư hương, khay trầu, bình rượu và hàng kỹ xảo: tứ linh (long, lân, quy, phụng); đồ tế lễ hội như: chiêng, thanh la, chuông (có cả đại đồng chuông cho nhà chùa); đồ dân dụng như: mâm, nồi, soong, chảo, chén, bát... Các sản phẩm của làng nổi tiếng không chỉ ở miền Trung và Tây Nguyên mà còn ở phạm vi cả nước.

Làng mộc Kim Bồng (Hội An):

Nhiều thế hệ thợ mộc làng Kim Bồng không những đã để lại dấu ấn tài nghệ tuyệt vời của mình ở các di tích đô thị cổ Hội An mà còn trong nhiều di tích khác ở Đà Nẵng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh... Sản phẩm dân dụng của nghề mộc Kim Bồng từ xưa đến nay không những có mặt ở trong nước mà còn vượt đại dương theo thuyền buôn có mặt ở nhiều nước.

Nhà nước ta đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân cho một số thợ mộc lành nghề. Ngày nay, trong các xóm ngõ của gần 100 hộ gia đình với hàng trăm thợ thủ công lành nghề của làng mộc nổi tiếng này vẫn lao động miệt mài với nghề chạm khắc gỗ, đóng gỗ dân dụng, làm nhà... Đặc biệt nghề đóng thuyền đi biển trọng tải 10 tấn đến 20 tấn cho khách hàng từ Đà Nẵng đến Bình Thuận khá phát triển trong thời điểm hiện nay.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam hiện nay potx (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)