Quảng Nam có 125 km bờ biển trải dài theo các cửa biển: Cửa Đại (Hội An), cửa An Hòa (Tam Kỳ), cửa An Tân (Tam Kỳ).
Hoạt động ở các làng biển diễn ra rất sôi nổi từ phương thức sản xuất tới những hình thức sinh hoạt văn hóa:
Những hôm trời lặn, cá trong cá ngoài. Cá thu cho chí cá khoai
Còn như cá lẹp, cá mai đã nhiều".
(Ca dao) Làng biển ở Quảng Nam có những đặc điểm đáng chú ý là:
* Làng biển ở Quảng Nam khá phát triển và phồn thịnh. Hải sản rất phong phú, có những đặc sản quý hiếm mà những vùng khác ít có như: cá mòi Cửa Đại, tôm hùm Cù Lao Chàm...
* Cư dân của làng thường cư tụ trên các cồn cát, lâu ngày dần dần thành lập nên làng. Thổ nhưỡng ở những vùng này thích hợp cho cây màu (khoai, đậu, mè...) không thích hợp cho cây lúa. Do vậy phần lớn cư dân ở những làng kiểu này phải mua lúa gạo để sinh sống chứ không trực tiếp tham gia trồng lúa.
* Rất ít làng làm nghề biển thuần túy mà thường kết hợp cả hai: vừa làm nghề biển, vừa làm màu. Làm biển theo mùa: cá bắc từ tháng 9 đến tháng 2 (âm lịch), mùa cá nam từ tháng 3 đến tháng 6. Các tháng 7, 8 là mùa lũ lụt. Hàng năm, đến ngày rằm tháng 7 là chuyển mùa cá. Vào thời điểm này các chủ lưới gọi thợ đi biển để giao ước hợp đồng mới; chuẩn bị chu đáo (thuyền bè, lương thực - thực phẩm, nhân lực...) cho mùa cá mới. Hợp đồng giữa chủ và thợ thường được bảo đảm trong một năm, và chỉ đến khi chuyển mùa cá mới giao ước lại, ít có sự thay đổi giữa đường.
* Do gió biển thổi cát thành doi cát song song với bờ biển, nên làng biển cũng kéo dài theo các doi cát ấy. Các cánh đồng thấp hơn làng chạy dọc theo làng được gọi là ruộng triều (chủ yếu sản xuất nông sản).
* Phương tiện đi biển của cư dân Quảng Nam chủ yếu là thuyền vừa. Thuyền có trọng tải từ 10 đến 20 tấn chỉ chiếm khoảng 15%. Phương tiện đánh bắt hải sản có các hình thức: đánh bắt ven bờ gọi là kéo vớ gồm các loại: lưới, vét... Đánh bắt cá ở xa bờ gọi là khơi, gồm có các loại như: câu, lưới rát, lưới rê, ngòn...
Các làng biển ở Quảng Nam trong thời gian gần đây có dấu hiệu chững lại trong hoạt động sản xuất. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân; song nguyên nhân chủ yếu nhất là do phương tiện hoạt động đánh bắt còn lạc hậu chưa theo kịp xu thế phát triển. Mặt khác, nguồn cá ngày càng hiếm và ở xa bờ. Do vậy cần phải có phương tiện hiện đại mới có khả năng tiếp cận được nguồn cá. Đây là những khó khăn cần tháo gỡ để các làng biển Quảng Nam phát triển mạnh trong thời gian tới.