Xây dựng làng văn hóa là một phong trào mang tính quần chúng rộng rãi nên trong quá trình phát động cần phải có kế hoạch với những nội dung, biện pháp triển khai thực hiện cụ thể. Thực hiện Chỉ thị 04/CT-TU của Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng làng (thôn, bản) văn hóa do Phó chủ tịch tỉnh làm Trưởng ban và các thành viên bao gồm đại diện các ban ngành trong tỉnh. Trong thời gian ngắn, Ban chỉ đạo đã khẩn trương vạch ra kế hoạch công tác với những bước đi thích hợp như:
* Phối hợp triển khai khảo sát tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội ở cơ sở; tổ chức quán triệt học tập Chỉ thị 04/CT-TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch 01/KH của Ban chỉ đạo xây dựng làng văn hóa đều khắp đến tận gia đình hội viên, nông dân, làm cho hội viên, nông dân nhận thức được mục đích, ý nghĩa, những định hướng cơ bản cũng như những quyền và nghĩa vụ của hội viên nông dân trong việc xây dựng làng văn hóa.
* Tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền đề xuất các giải pháp nhằm biến Nghị quyết của Tỉnh ủy, nghị quyết của UBND tỉnh về xây dựng làng văn hóa thành hành động cụ thể.
* Tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ tham gia phong trào xây dựng làng văn hóa về phương pháp hoạt động và cách thức tiến hành sơ kết cũng như tổng kết theo định kỳ hoạt động. Đồng thời, Ban chỉ đạo cử đoàn cán bộ đi học tập, rút kinh nghiệm ở những địa phương có phong trào phát triển mạnh như: Quảng Trị, Thanh Hóa...
* Chọn địa bàn làm mô hình điểm, và thông qua đó rút kinh nghiệm để có cơ sở thực tiễn nhân rộng phong trào ra diện rộng.
a) Xây dựng làng văn hóa là phong trào có qui mô lớn trong toàn dân nên nó phải gắn chặt với chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng các tổ chức đoàn thể quần chúng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp phần tích cực vào việc hình thành lực lượng lao động có kiến thức khoa học - kỹ thuật, biết làm giàu cho mình và cho xã hội trong xu thế phát triển chung hiện nay.
b) Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao ở các làng; tạo ra môi trường văn hóa nghệ thuật đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng cao của nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân tự làm chủ đời sống văn hóa tinh thần của mình, lập lại sự cân bằng giữa hưởng thụ văn hóa và sáng tạo văn hóa.
c) Ngày càng hoàn chỉnh mô hình làng văn hóa nhằm từng bước khắc phục những mô hình cứng nhắc, dập khuôn, máy móc như đã xảy ra ở một số địa phương. Mô hình làng văn hóa có tính định hướng vì vậy trong quá trình vận dụng cần từng bước bổ sung, sáng tạo những khuôn mẫu mới để đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.
d) Do sự chi phối của đặc điểm tính đặc thù dân tộc, tính truyền thống, điều kiện cư trú, điều kiện nghề nghiệp, điều kiện sống có khác nhau, nên trong quá trình xây dựng làng văn hóa mỗi làng có thể vận dụng theo mô hình khác nhau. Song chỉ có thể trở thành làng văn hóa khi đảm bảo được các nội dung lớn về xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng qui ước nếp sống và xây dựng các mặt hoạt động khác. Trong các nội dung lớn đó, nhiệm vụ xây dựng gia đình văn hóa phải được quan tâm thường xuyên vì nó có tính quyết định đến sự thành bại của phong trào xây dựng làng văn hóa ở các mặt: nhân lực, tiềm lực và truyền thống văn hóa.
Sau khi quán triệt chủ trương, Ban chỉ đạo huyện và xã thống nhất khảo sát chọn mỗi huyện - thị một làng để lập đề án xây dựng điểm. Làng này được tỉnh hỗ trợ trang thiết bị kỹ thuật trị giá 10 triệu đồng. 14 làng điểm trong toàn tỉnh được chọn là: làng Hà Trung (Cẩm Nam-Hội An); Châu Lâu (Điện Thọ- Điện Bàn); Thuận An (Tam An-Tam Kỳ); Đhơrồng (Talu-Hiên); Đại Bình (Quế Trung - Quế Sơn); Bà Sua (Tabin-Nam Giang); thôn 2 (Đại Cường - Đại Lộc); thôn 1 (Trà Bui-Trà My); thôn 5 (Tam Xuân 2-Núi Thành); Hà
Mỹ (Duy Vinh-Duy Xuyên); thôn 2 (Tiên Thọ-Tiên Phước); thôn 2 (Phước Trà-Hiệp Đức); Lôlô (Phước Đức - Phước Sơn); khu phố 3 (Hà Lam - Thăng Bình).
Cũng với thời điểm trên, Ban chỉ đạo tiến hành thăm dò nguyện vọng chung của nhân dân trong tỉnh và cho tiến hành đăng ký xây dựng làng văn hóa. Kết quả tỷ lệ đăng ký ở 14 huyện thị như sau:
Bảng 3.1: Số làng đăng ký xây dựng làng văn hóa tỉnh Quảng Nam
STT Huyện thị Tổng số làng Số làng đăng ký % so với tổng số làng
1 Đại Lộc 144 36 25,00 2 Thăng Bình 132 28 21,72 3 Duy Xuyên 87 27 31,76 4 Trà My 115 21 18,10 5 Quế Sơn 112 18 16,07 6 Điện Bàn 136 15 11,62 7 Tam Kỳ 187 15 8,72 8 Tiên Phước 109 11 10,37 9 Núi Thành 111 10 9,43 10 Hiên 165 10 6,66 11 Phước Sơn 62 07 11,29 12 Hiệp Đức 70 07 10,76 13 Hội An 60 06 10,5 14 Nam Giang 61 05 8,06
Toàn tỉnh 1551 216 14,86
Nguồn: [87, tr. 77].