Những hạn chế về năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Trị

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề nâng cao năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh ở Bắc Trung bộ pdf (Trang 57 - 63)

chủ chốt tỉnh Quảng Trị

Nhìn chung, năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh ở nước ta còn hạn chế. Còn có những biểu hiện như là bệnh kinh nghiệm, giáo điều, chủ quan, tư duy lôgíc còn hạn chế. Người cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng ở trong thực trạng chung đó, tuy nhiên có thể khác về mức độ, về cách thức biểu hiện. Dưới đây là một số đánh giá cụ thể:

Thứ nhất, tư duy còn mang nặng tính kinh nghiệm.

Qua điều tra khảo sat đối tượng cán bộ này cho thấy, gần 70% cán bộ cho rằng phải giải quyết các công việc chủ yếu bằng kinh nghiệm thực tiễn, hoặc ít ra cũng phải cần có kinh nghiệm mới giải quyết được. Nếu đánh giá một cách toàn diện thì tư duy kinh nghiệm cũng có mặt tốt và mặt trái của nó. Kinh nghiệm xét đến cùng là cái thu được từ hoạt động thực tiễn, nó được thu nhận, đúc rút và truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Quá trình lãnh đạo, quản lý rất cần có kinh nghiệm, bởi chính kinh nghiệm giúp con người tránh khỏi những sai sót mà người đi trước thậm chí cả bản thân đã mắc phải. Nhưng tư duy kinh nghiệm chỉ là lối tư duy quan sát, xem xét từ thực tế lặp đi lặp lại một cách lẻ tẻ chứ chưa nâng đến trình độ lý thuyết, khoa học, hệ thống; chưa trở thành một lý luận chặt chẽ. Như vậy, từ tư duy kinh nghiệm muốn trở thành tư duy lý luận cần phải có sự khái quát hóa, chắt lọc từ những kinh nghiệm rời rạc, tản mạn.

Biểu hiện của tư duy kinh nghiệm ở chổ người cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Trị chưa có tầm nhìn xa, trông rộng, một số kế hoạch khi đề xuất không có một chiến lược lâu dài. Chẳng hạn trong việc quy hoạch xây dựng thành phố tỉnh lỵ, có những công trình vừa xây dựng xong đã thấy bất cập, bất hợp lý. Từ đó phải phá bỏ gây tốn kém công sức và tiền bạc của nhân dân. Một số công trình lớn như nhà văn hóa trung tâm tỉnh,

sau vài năm sử dụng đã cho thấy vị trí của nó nằm không hợp lý, vì vậy mà tỉnh đã chỉ đạo cho phá bỏ và xây dựng lại cái mới. Việc quy hoạch cũng cho thấy thiếu đồng bộ và thiếu tầm nhìn. Khu đô thị mới Nam Đông Hà được xây dựng cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, ở đây đã và đang trở thành nơi đặt các cơ quan công sở của tỉnh, và là nơi có khu dân cư đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, ngay sát khu đô thị này lại là khu công nghiệp. Chỉ hoạt động của một vài nhà máy ở đây đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khu dân cư và các cơ quan công sở vừa mới xây dựng. Việc quy hoạch vùng biển cũng gây mâu thuẩn lợi ích giữa một bên là phát triển du lịch và một bên là phát triển công nghiệp – ngư nghiệp. Để tăng thu nhập cho người đi biển, tỉnh cho xây dựng khu hậu cần nghề cá tại Cửa Tùng. Đây là vùng cửa sông, thường xuyên xảy ra hiện tượng cát xâm lấn làm cạn luồng đường thủy do gió Đông Nam thổi mạnh. Để cho tàu thuyền vào cảng được an toàn và thường xuyên, qua cố vấn của ban tham mưu, tỉnh cho xây dựng một đoạn kè đá rất dài để chắn cát lại. Hậu quả là vì cát không lưu thông nên toàn bộ cát trắng ở khu bãi tắm nổi tiếng ở phía Đông Bắc dần dần biến mất, bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng. Bãi biển ở khu vực này trở nên sâu và xoáy nên đã không thu hút được nhiều du khách như trước đây. Toàn bộ hệ thống nhà hàng, khách sạn ở đây được đầu tư xây dựng đang đứng trước hoàn cảnh khó khăn. Tuy đã phạm những sai lầm như vậy, nhưng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh vẫn chưa rút được kinh nghiệm. Trong những năm gần đây, các dự án tương tự ở Cửa Việt, và sắp tới là ở Mỹ Thủy sẽ lại phải gặp hoàn cảnh như trên. Mặc dù Quảng Trị là tỉnh đang cần và quyết tâm kêu gọi dự án đầu tư, nhưng không phải bất kỳ bằng mọi giá để có dự án. Bởi vì không thể tạo sự hài hòa về lợi ích giữa một bên là khu dịch vụ du lịch sinh thái, một bên là cảng biển và khu công nghiệp. Chính lối tư duy kinh nghiệm đã làm cho cách nhìn của người cán bộ về tổng thể bị hạn chế. Lối tư duy này không chỉ ảnh hưởng mà nó còn níu kéo, cản trở năng lực tư duy lý luận của cán bộ chủ chốt cấp tỉnh hiện nay.

Thứ hai, tư duy còn mang tính trực giác, trực quan, cảm tính.

Trực giác về mặt hình thức gần với trực quan, cảm tính, chúng gần với tư duy tổng hợp, tổng thể, xa tư duy phân tích cụ thể, thiên về định tính hơn định hướng, bởi vậy không chặt chẽ, thiếu chính xác, do đó, nó ngăn cản sự phát triển của nhận thức khoa học.

Biểu hiện của lối tư duy này đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Trị ở lối tư duy đại khái; tác phong công tác luộm thuộm; đánh giá cán bộ còn mang cảm tính; tuyển chọn người theo quen biết, họ hàng; lối sống còn nặng về tình cảm. Những cái đó vừa có ảnh hưởng, vừa có tác động tiêu cực tới năng lực tư duy lý luận của cán bộ. Có nơi, có lúc cán bộ lãnh đạo chủ chốt cảm thấy không thích người này, vì thế mà họ không đề cử, bổ nhiệm anh ta mặc dù người đó có năng lực thực sự. Hệ thống lãnh đạo trên địa bàn, đơn vị vừa tĩnh lại vừa động. Tĩnh để ổn định, cùng nhau làm việc. Động là luôn có đầu vào, đầu ra, sẵn sàng sa thải những người thái hóa, biến chất, không có năng lực và bổ sung những người có tài, đức, lập trường chính trị vững vàng. Nếu quá đề cao tĩnh sẽ dẫn đến bảo thủ, trì trệ; còn quá đề cao động đôi khi dẫn đến lục đục, mất đoàn kết. Bởi vậy, hệ thống cán bộ phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa tĩnh và động, trước mắt và lâu dài trong công tác cán bộ.

Cũng chính vì cảm tính nên đôi khi ở một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh còn đánh giá con người theo thân quen mà bỏ qua năng lực, thực chất, bản chất của họ. Trong quan hệ, đôi lúc lại chú ý nhiều tới mặt đạo đức mà ít chú ý tới mặt năng lực, từ đó dẫn tới khía cạnh lý trí trong tư duy yếu kém. Những cái đó phần nào còn ảnh hưởng rơi rớt của tư duy truyền thống, nó ngăn cản và hạn chế năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo hiện nay.

Thứ ba, tư duy có biểu hiện của bệnh giáo điều, dập khuôn, máy móc.

Điều này thể hiện rõ nhất ở hiện tượng nhắc lại những vấn đề mà nghị quyết Trung ương đề cập đến và coi đó là một nhiệm vụ phải thực hiện mà không tính đến đặc điểm riêng của tỉnh mình. Nghị quyết của Trung ương thường mang tính chỉ đạo, chiến lược và chung cho cả nước, trên cơ sở đó, các tỉnh tùy vào điều kiện cụ thể của mình mà thực hiện, phát triển hoặc có thể không thực hiện. Ví dụ như những chính sách của Trung ương về hải đảo thì không thể thực hiện tại một tỉnh miền núi được. Khi Chính phủ đề ra chương trình “Mỗi làng một nghề” thì tỉnh cũng nhất nhất làm theo và đưa ngay vào phương hướng hoạt động. Điều đó sẽ đạt được kết quả cao nếu thực sự phù hợp. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy rằng, mặc dù trong lịch sử, Quảng Trị có rất nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, nhưng không phải làng nào cũng có nghề thủ công. Trong hoàn cảnh hiện nay, có một số

làng có nghề nhưng đã mai một do sản phẩm đã lạc hậu, thị trường không có nhu cầu như: quạt giấy, áo tơi, nón lá… (làng Văn Quỹ, Văn Trị); một số làng còn nghề tồn tại nhưng không thể phát triển do thiếu các yếu tố cạnh tranh như: kỹ thuật, chất lượng, thị trường, ví dụ: rèn, luyện đồng (làng Phước Tuyền), nấu đường đen (làng ái Tử), … Chỉ có những nghề đang còn tồn tại mặc dù còn ít nhưng vẫn có thể phát triển như làm nước mắm (Cửa Tùng), nấu rượu (Kim Long)… thì tỉnh nên tập trung đầu tư, tạo điều kiện để phát triển chứ không nên dập khuôn chính sách của Trung ương như vậy. Đây cũng là một trong những lý do mà các cụm công nghiệp làng nghề của địa phương lập ra khá nhiều nhưng không thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư.

Một trong những biểu hiện khác của sự yếu kém năng lực tư duy lý luận chính là tư duy khuôn sáo, máy móc. Có những vấn đề mà cấp trên nói, cấp dưới nhắc lại đầy đủ, địa phương này đã đề cập, địa phương khác nói lại, mà không tính đến việc đúng hay chưa phù hợp. Trong các báo cáo trình Đại hội Đảng bộ tỉnh, trình Hội đồng Nhân dân trong các kỳ họp, phần nêu lên các nguyên nhân khách quan dẫn đến yếu kém luôn đề cập đến lý do về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, vì chúng mà tỉnh không thể thu hút đầu tư như tỉnh khác. Vấn đề này có phần đúng, nhưng đó không phải là lý do cơ bản để bất cứ khi nào cũng đổ lỗi cho nó. Bởi vì có rất nhiều địa phương có điểm xuất phát thấp như nhau, cũng có điều kiện địa lý khó khăn như nhau, nhưng có tỉnh lại thu hút được nhiều dự án và phát triển hơn. Có thể thấy rõ điều đó nếu so sánh Quảng Trị với tỉnh láng giềng là Quảng Bình, và xa hơn là tỉnh Hà Tĩnh. Quảng Bình cùng với Quảng Trị tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên tháng 7 năm 1989 với vị thế và hoàn cảnh khó khăn gần như nhau. Sau 20 năm xây dựng, bộ mặt của hai tỉnh sát liền nhau lại khác nhau. Quảng Bình và Hà Tĩnh phát triển và thu hút nhiều dự án đầu tư hơn hẳn Quảng Trị. Rõ ràng những yếu tố khách quan là hết sức quan trọng đối với sự phát triển của địa phương về kinh tế – xã hội. Nhưng yếu tố chủ quan trong hoạt động lãnh đạo, trong đó có năng lực tư duy lý luận của cán bộ chủ chốt cấp tỉnh có ý nghĩa to lớn trong việc khơi dậy tiềm năng phát triển tỉnh nhà.

Biểu hiện khác nữa là khi chủ trương của tỉnh đã đề ra thì quyết tâm thực hiện cho bằng được mà không tính toán đến tính khả thi và hiệu quả. Khi các khu công nghiệp

được hình thành, tỉnh Quảng Trị đã gấp rút kêu gọi dự án, sau đó ngay lập tức cấp phép mà chưa tính toán chu đáo đến các vấn đề khác. Khi doanh nghiệp đăng ký đầu tư thì tỉnh lập tức đưa tên dự án vào nghị quyết. Ví dụ như dự án nhà máy bia tại Khu công nghiệp Quán Ngang, đăng ký đầu tư trước năm 2005 đến nay dự án vẫn còn nằm trên giấy; dự án xây dựng nhà máy ximăng 35 vạn tấn ở Cam Lộ, do không thể huy động được vốn đầu tư nên dự án phải giải thể và chuyển tiếp cho một liên doanh mới. Một số từ ngữ gọi tên những ngành đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, hiện đại đang rất thịnh hành trên thế giới như: điện, điện tử, điện lạnh, công nghiệp phần mềm, … cũng được đưa vào nghị quyết để phát triển mà không căn cứ trên cơ sở điều kiện của địa phương như năng lực quản lý, kinh doanh, trình độ nhân công, cơ sở hạ tầng… có đáp ứng hay không.

Những biểu hiện giáo điều, dập khuôn, máy móc thể hiện năng lực tư duy yếu kém chưa đạt đến trình độ tư duy lý luận được.

Thứ tư, trong hoạt động lãnh đạo còn bị động, thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Những ảnh hưởng của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp đã trói buộc và thui chột khả năng độc lập sáng tạo của người cán bộ chủ chốt. Điều đó đã khuôn người cán bộ vào những quan điểm bị chính trị hóa, vào những bậc thang đẳng cấp xã hội; làm cho người trong cuộc không dám sáng tạo vượt ra ngoài khuôn mẫu có sẵn; hướng con người vào một trật tự an bài, ổn định, tránh được mạo hiểm. Từ đó, người cán bộ trở nên thụ động trong suy nghĩ và hành động. Tất cả đều phụ thuộc vào cấp trên, cơ chế xin – cho từ đó mà có mảnh đất để phát triển. Người cán bộ không còn tư duy bằng đầu của mình nữa, tất cả chỉ dừng lại ở việc giải thích, tuyên truyền, minh họa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các ý kiến của lãnh đạo cấp trên. Họ giải quyết vấn đề không bằng cách vận động nhân dân mà dựa vào sự đồng tình, ủng hộ của cấp trên. Tính bị động còn thể hiện ở tâm lý chờ đợi chính sách từ Trung ương mà không chủ động tìm kiếm, đề xuất chính sách. Và khi Trung ương có chỉ đạo thì làm theo mà không có phản hồi.

Trong sự chỉ đạo, lãnh đạo của cán bộ chủ chốt cấp tỉnh đối với các địa phương, các ban, ngành chưa thật nhịp nhàng, hiệu quả. Điều này thể hiện lối tư duy tự phát, thiếu tính biện chứng. Vì vậy mà trong hoạt động của họ vẫn còn biểu hiện của sự cào bằng,

dàn trãi, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Dường như trong lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ chủ chốt thường tập trung nhiều vào thành phố Đông Hà, các thị trấn, các huyện điểm của tỉnh. Huyện miền núi, hải đảo, xã vùng sâu, vùng xa thì chưa được quan tâm đúng mức. Những vấn đề như đầu tư các cụm điểm công nghiệp cần có sự tập trung vốn thì lại làm dàn trãi, huyện, thị xã nào cũng có. Quảng Trị là một tỉnh nghèo, chi tiêu phụ thuộc vào ngân sách, cho nên số vốn để đầu tư trở nên giàn trãi, thiếu thốn. Vì vậy, chưa có cụm điểm công nghiệp và khu công nghiệp nào của tỉnh hoàn thiện xong cơ sở hạ tầng. Hậu quả dẫn đến là không có khu công nghiệp nào thu hút nhiều nhà đầu tư. Mục tiêu phải phát triển công nghiệp đã dẫn đến việc vội vàng, hoặc chưa có tính toán cụ thể, chính xác khi xây dựng các nhà máy. Nhà máy ván gỗ MDF là một ví dụ. Vì khó khăn do vay ngoại tệ, doanh nghiệp này đã vay vốn bằng đồng Ơ - rô (Euro) để đầu tư xây dựng, sau đó đổi thành Đô - la (Dollar) để mua sắm máy móc. Khi mới đưa vào hoạt động, đồng Ơ - rô tăng giá, ngay lập tức, nhà máy đã lỗ hơn 150 tỷ đồng. Sau một thời gian, do không có tiền để trả lãi suất, nhà máy phải đổi chủ. Giai đoạn gần đây, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng do không đủ nguyên liệu và thị trường đầu ra. Việc tính toán, dự đoán sai nguồn nguyên liệu để xây dựng nhà máy chế biến cũng thể hiện hạn chế của tư duy người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực tế, sản lượng sắn trên toàn tỉnh không đủ nguyên liệu cho một nhà máy hoạt động. Thế mà vẫn có chủ trương cho xây dựng hai nhà máy tinh bột sắn. Việc xây dựng nhiều nhà máy gây ra lãng phí, hoạt động của chúng lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để nhà máy tồn tại, một mặt, doanh nghiệp phải ra sức quy hoạch vùng nguyên liệu mặt khác phải cất công đi tìm nguyên liệu ở các tỉnh khác. Việc quản lý đầu tư như vậy là không hiệu quả. Công cuộc công nghiệp hóa không đòi hỏi tất cả các địa phương phải có cơ sở sản xuất và sản phẩm từ công nghiệp. Phát triển công nghiệp phải đi từ nhu cầu và điều kiện thực tiễn. Sự thiếu nhịp nhàng, đồng bộ trong lãnh đạo, quản lý có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân cơ bản là năng lực tư duy

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề nâng cao năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh ở Bắc Trung bộ pdf (Trang 57 - 63)