Một số đánh giá khái quát

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề nâng cao năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh ở Bắc Trung bộ pdf (Trang 44 - 46)

Đứng trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, về cơ bản đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh ở khu vực Bắc Trung bộ nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Trị nói riêng đã có nhận thức ngày càng sâu sắc về vai trò của năng lực tư duy lý luận đối với hiệu quả lãnh đạo, quản lý. Họ có ý thức tốt trong việc học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, rèn luyện bản thân, lăn lộn với thực tiễn cuộc sống; đã xác định đúng sự cần thiết, mục đích của việc nâng cao năng lực tư duy lý luận, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, vấn đề này chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức. Trên thực tế, kết quả lãnh đạo, quản lý vẫn còn bất cập. Bỡi lẽ, trình độ của đội ngũ cán bộ này chưa cao, được đào tạo từ nhiều nguồn lại không cơ bản. Trình độ tư duy lý luận còn hạn chế, vẫn bị ảnh hưởng nặng bởi bệnh kinh nghiệm, bệnh chủ quan của chủ nghĩa thành tích cùng với thói quen ỷ lại, trông chờ vào sự chỉ đạo của Trung ương cũng như sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường. Sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã tác động tiêu cực tới đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, đã làm ảnh hưởng tới hiệu quả lãnh đạo, quản lý của họ.

Quảng Trị là một tỉnh nghèo, điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội hết sức khó khăn. Nhưng điều đó không phải là lý do chính cho sự kém phát triển. Một số tỉnh có

điều kiện khá khó khăn như Quảng Trị, nhưng vẫn phát triển, trong khi đó, một số tỉnh khác có điều kiện tốt hơn nhưng thu hút đầu tư, chỉ số cạnh tranh thấp hơn nhiều. Thực tế chứng tỏ rằng, bên cạnh những yếu tố khách quan khác thì năng lực lãnh đạo, quản lý, trong đó có năng lực tư duy lý luận của cán bộ chủ chốt cấp tỉnh có ảnh hưởng to lớn đối với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội ở mỗi địa phương.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh Quảng Trị hiện nay là lực lượng nòng cốt chỉ đạo quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Họ là những người đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai, vận dụng đường lối, chủ trương, chính sách của Trung ương vào địa bàn tỉnh.

Đến tháng 4 năm 2009, qua các lần bổ sung, thay đổi, số ủy viên Ban chấp hành đảng bộ tỉnh Quảng Trị là 48 người, trong đó phụ nữ là 02, chiếm 4,2% (thấp hơn trung bình toàn quốc: 11%). Cán bộ là người dân tộc thiểu số là 02 người. Như vậy, có thể thấy rằng, đội ngũ cán bộ chủ chốt tỉnh Quảng Trị thiếu sự cân bằng về giới tính, số lượng cán bộ thuộc đối tượng ưu tiên từ chính sách dân tộc là quá ít. Trên địa bàn một tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt là có số lượng đông đảo người dân tộc Pakô, Vân kiều mà đội ngũ cán bộ đại diện cho họ chỉ là 02 người thì đây là điều bất cập. Điều này có thể bắt nguồn nhiều lý do, trước tiên là do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực tư duy lý luận và cả kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ này chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của tỉnh; điều dễ thấy nữa là do những hạn chế mang tính chất đặc trưng của họ như: giới tính, ngôn ngữ, khả năng nhạy bén… đã làm cho số lượng này chưa thể nâng lên được. Qua khảo sát, về độ tuổi trung bình của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Trị: từ 36 – 45 tuổi chỉ có 03 người (chiếm: 6.2%), từ 46 – 55 tuổi là 25 người (chiếm 52.1%), từ 56 – 60 có 20 người (chiếm 41.7% – tỉ lệ này của cả nước chỉ có 24%, cá biệt còn có một số tỉnh dưới 10% như An Giang, Kiên Giang…), không có ai thuộc lứa tuổi từ 18 – 35 và trên 60. Như vậy, theo độ tuổi, thì tuổi trung bình của đội ngũ này là: 54,15 tuổi. Nếu tính giai đoạn chín muồi nhất của tư duy ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt là từ 45 – 50 tuổi, thì cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Trị là những người có độ tuổi trung bình khá cao. ở lứa tuổi này, họ là những người có nhiều kinh nghiệm sống và kinh nghiệm công tác, đảm bảo sự lãnh đạo vừa chắc chắn đúng hướng,

nhưng lúc này cũng là giai đoạn mà sức ỳ của tư duy phát huy tác dụng, độ nhạy bén, phản xạ nhanh nhẹn trong các tình huống chính trị đã đi xuống, khả năng tiếp thu và xử lý thông tin kém chính xác hơn so với tuổi trẻ, lúc này cũng là lúc mà chủ nghĩa kinh nghiệm bắt phát huy tác dụng và tác động, ảnh hưởng đến tư duy và cả hoạt động của con người. Thiếu sức bật trong tư duy sẽ là điều kiện dẫn đến sự thiếu táo bạo trong đề xuất đường lối, chủ trương lãnh đạo của tỉnh. Và như vậy, hiệu quả công việc sẽ không được cao. Một trong những vấn đề đặt ra nữa là lực lượng kế cận của đội ngũ cán bộ chủ chốt thiếu trầm trọng. Nếu không có biện pháp quy hoạch ngay từ lúc này, thì chỉ vài năm nữa thôi, số lượng lớn cán bộ đến tuổi về hưu sẽ để lại một khoảng trống cho tỉnh khó mà thay vào được.

Năng lực tư duy lý luận của đội ngũ này được thể hiện chủ yếu ở: năng lực tiếp thu lý luận, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; năng lực suy nghĩ, tìm tòi phát hiện những vấn đề mới trong thực tiễn ở địa phương; năng lực vận dụng linh hoạt sáng tạo lý luận, đường lối để xây dựng các phương hướng, các mô hình, chương trình, kế hoạch phù hợp với thực tế địa phương; năng lực hoạt động thực tiễn sáng tạo cũng như tổng kết kinh nghiệm rút ra các bài học để góp phần xây dựng, bổ sung cho đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước; năng lực xử lý thông tin, dự báo về sự phát triển của địa phương. Đó cũng chính là những tiêu chí có thể căn cứ vào để đánh giá về ưu điểm cũng như hạn chế về năng lực tư duy lý luận của người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề nâng cao năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh ở Bắc Trung bộ pdf (Trang 44 - 46)