Những điểm yếu của Chaebol

Một phần của tài liệu Mô hình tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc và bài học về chính sách phát triển tập đoàn kinh tế Việt Nam trong điều kiện hội nhập (Trang 32 - 38)

Một là: Sự thao túng quá lớn của các Chaebol với nền kinh tế Hàn Quốc

Địa vị và quyền lực đặc biệt của Chaebol được Chính phủ nâng đỡ đã dẫn đến thái độ bất chấp trách nhiệm xã hội. Nó tạo nên sự độc quyền về giá

cả gây lạm phát triền miên, kèm theo tệ nạn buôn lậu, trốn thuế. Do tính ích kỷ của hệ thống gia đình trị, chế độ làm việc nhiều giờ khi tiền lương thấp, giá cả bị đẩy lên cao đã dẫn đến tình trạng khoảng cách giàu - nghèo tăng và đe dọa sự ổn định xã hội.

Mới đây Chủ tịch của Samsung – ông Lee Kun Hee phải từ chức do trốn thuế và lạm dụng tín dụng. Việc ông Lee từ chức đã được tường thuật trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia Hàn Quốc, đánh dấu sự sụp đổ của một trong những nhân vật quyền lực nhất Hàn Quốc cũng như là dấu hiệu về ngày kết thúc quyền nắm giữ nền kinh tế quốc gia của các tập đoàn kinh tế do các gia đình lập ra và điều hành.

Một lần nữa Hàn Quốc lại phải đối mặt với nghịch lý sâu sắc nhất trong phép lạ kinh tế của mình là: Vì sao một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, tổng sản lượng lên tới 960 tỷ đôla Mỹ lại có thể nằm trong sự kiểm soát của một nhóm các tập đoàn gia đình như Samsung, Huyndae, Daewoo,… Theo thống kê của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc, 30 Chaebol lớn nhất kiểm soát tới 40% nền kinh tế.

Vấn đề bây giờ là Hàn Quốc có tiến tới việc làm suy yếu quyền kiểm soát của các tập đoàn gia đình đối với nền kinh tế hay không hay ít nhất cũng phơi bày sự kiểm soát đó trước sự xem xét kỹ lưỡng trước công chúng và sự giám sát của pháp luật. Lên tiếng sau khi Chủ tịch Lee từ chức về tội trốn thuế và lạm dụng tín dụng, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak hứa sẽ tiêu chuẩn toàn cầu về điều hành doanh nghiệp cho các công ty nước này.

Ở Hàn Quốc có một sự phê phán rộng rãi đối với các Chaebol mà cung cách điều hành khép kín có vẻ như đã lỗi thời trong một đất nước năng động và cởi mở, đã thực thi dân chủ từ đầu những năm 1990. Đối với nhiều người Hàn Quốc, Chaebol làm cho họ nhớ lại thời kỳ chuyên chế trước đây khi mà các tập đoàn công nghiệp cấu kết với các giới quân đội cầm quyền. Tuy vậy họ vẫn coi các Chaebol là viên kim cương đặt trên trước vương miện tôn vinh một trong những nền kinh tế thành công nhất trên thế giới. Chính tham vọng

cũng như động lực của các Chaebol đã làm cho nền kinh tế Hàn Quốc bùng lên từ đống tro tàn sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Hiện nay Hàn Quốc là nền kinh tế thứ 11 thế giới và mức sống cao nhất nhì Châu Á.

Nhìn chung trong thời gian qua Chính phủ đã tỏ ra khắt khe với Chaebol hơn trong thời kỳ trước nhưng cũng không rõ sức ép này đến đâu. Trong vụ ông Chung Mong Koo – Chủ tịch tập đoàn Huyndai ( bao gồm cả công ty xe hơi Hyundai) bị kêu án 3 năm tù về tội biển thủ công quỹ nhưng sau đó tòa phúc thẩm cho hưởng án treo do những đóng góp của ông trong nền kinh tế Hàn Quốc. Tòa cũng miễn thi hành án tù 3 năm về tội gian lận kế toán với Chủ tịch tập đoàn SK- một Chaebol khác. Sở dĩ như vậy vì người ta lo ngại nếu thực thi sẽ tạo ra một tiền lệ ảnh hưởng xấu đến các Chaebol khác mà trong đó những người lãnh đạo gần như là không thay thế được. Do vậy ngành tư pháp Hàn Quốc thường có truyền thống là “nhẹ tay” với các “đại gia”, thường cho họ khỏi ngồi tù sau khi đã đóng một khoản tiền từ thiện lớn.

Hai là: Làm mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu kinh tế quốc gia, công nghiệp nhẹ bị bỏ rơi, công nghiệp nặng cũng chỉ tập trung vào một số ngành nhất định

Trong thời kỳ đầu khi đưa ra mục tiêu cải cách kinh tế sau chiến tranh, Chính phủ Hàn Quốc đã khuyến khích các Chaebol nước này đầu tư vào các ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất. Khi đầu tư vào hai ngành này, Chaebol sẽ được hưởng ưu đãi rất lớn của Chính phủ. Chính vì thế các Chaebol đầu tư lớn vào công nghiệp nặng, dẫn đến công nghiệp nhẹ bị bỏ rơi. Nhưng sau đó để giảm ảnh hưởng của Chính phủ vào kinh doanh của mình, cũng như xuất phát từ yêu cầu phải đa dạng hóa để hạn chế rủi ro và gia tăng lợi nhuận các Chaebol đã giảm đầu tư vào công nghiệp nặng, tăng đầu tư vào sản phẩm công nghệ cao như điện tử, điện lạnh, tài chính,… Chính điều này đã dẫn đến sự mất cân đối trong cơ cấu kinh tế của Hàn Quốc.

Các Chaebol không chỉ được hưởng những ưu đãi về thuế, điều kiện thuận lợi từ phía Chính phủ mà còn tập trung được nguồn lực và tài nguyên lớn. Do đó đã dẫn tới tình trạng những nguồn lực cần thiết cho sản xuất chỉ tập trung trong tay một nhóm Chaebol, gây bất lợi rất lớn với những công ty nằm ngoài Chaebol. Số liệu cho thấy rằng có tới 94,6% các công ty vừa và nhỏ không được nhà nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khiến chúng sụp đổ kéo theo thất nghiệp và bất ổn xã hội .

Bốn là: Tình trạng vay nợ quá lớn của các Chaebol

Với sự phát triển của xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa cộng thêm tốc độ đa dạng hóa diễn ra quá nhanh thì các Chaebol thường vay nợ cao để mở rộng và phát triển kinh doanh. Thông thường họ vay từ 100-200% số vốn tự có để mở rộng kinh doanh va coi nợ ngân hàng là nguồn lực không thể thiếu.

Đa dạng hóa mang lại những lợi ích nhất định cho sự tăng trưởng của các Chaebol và nền kinh tế Hàn Quốc nói chung nhưng bên cạnh đó chiến lược này cũng làm cho tỷ lệ nợ trên tổng giá trị tài sản của các Chaebol không ngừng gia tăng ( do để đa dạng hóa các Chaebol buộc phải huy động vốn bổ sung từ bên ngoài chủ yếu là từ các tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư nước ngoài). Từ năm 1970 đến nay tỷ lệ nợ trên tổng giá trị tài sản của 30 Chaebol hàng đầu luôn ở mức cao. Thời điểm năm 1982 và 1997 tỷ lệ này là gần 400%. Tỷ lệ nợ trên tổng giá trị tài sản cao làm cho mức chi phí về vốn lớn dẫn đến mức doanh lợi thấp và làm xuất hiện nguy cơ mất khả năng thanh toán. Vì lý do này đã khiến nhiều Chaebol phá sản vào cuối năm 1997.

Năm là : Tình trạng tiêu cực trong hoạt động của Chaebol

Kết quả điều tra cũng cho thấy tình trạng tham nhũng phổ biến trong các Chaebol đặc biệt là sự tồn tại của các quỹ đen và tình trạng hối lộ. Gần đây, người khổng lồ Samsung, tập đoàn được coi là “bầu sữa” đối với hàng ngàn nhà cung cấp linh kiện đã chao đảo vì những lời buộc tội tham nhũng. Kim Yong-Chul, cựu luật sư trưởng của Samsung tố cáo tập đoàn này có một

quỹ đen khổng lồ lên tới 217 triệu USD để phục vụ cho mục đích hối lộ. Theo vị luật sư này, quỹ đen nói trên được lập ra bằng tiền của tập đoàn và ẩn dưới dạng cổ phiếu giả cũng như nằm trong các tài khoản ngân hàng đứng tên các quan chức tập đoàn, trong đó có chính vị luật sư này. Quỹ này được dùng để hối lộ các chính trị gia, cơ quan luật pháp và báo giới, và thậm chí được chi cho bộ sưu tập nghệ thuật của gia đình ông Chủ tịch tập đoàn. Mặc dù Samsung kịch liệt phản đối lời buộc tội này, nhiều người Hàn Quốc tỏ ra vô cùng lo ngại khi thấy tập đoàn vốn là niềm tự hào của họ về sức mạnh xuất khẩu của Hàn Quốc cũng như tiêu chuẩn toàn cầu về trách nhiệm doanh nghiệp, vẫn là “con tin” của “văn hóa tham nhũng”. Hiện các quan chức của Samsung bị cấm không được ra khỏi Hàn Quốc. Cơ quan chức năng liên tục tới kiểm tra các văn phòng của tập đoàn để tìm kiếm các dấu hiệu phạm tội.

Có thể nói cho tới nay, Hàn Quốc đã phát mệt vì các vụ scandal tham nhũng trong các doanh nghiệp lớn của nước này. Tuy nhiên, do kinh tế Hàn Quốc vẫn phụ thuộc quá nặng nề vào các Chaebol - và ảnh hưởng của những “ông lớn” này là quá rộng, người Hàn Quốc lo sợ rằng, việc đối xử “nặng tay” với họ sẽ gây tổn thương đối với chính nền kinh tế nước này. Chính vì lẽ đó, người dân Hàn Quốc gần như đã quen với việc năm nào nước này cũng cũng chao đảo vì một vụ scandal liên quan tới một trong số các chaebol. “Điều đáng ngại trong vụ này là mọi người vẫn thường coi Samsung là một trong những doanh nghiệp được quản lý tốt nhất ở Hàn Quốc. Bởi thế, mọi người sẽ đặt câu hỏi là liệu trên thực tế, mức độ tham nhũng ở các doanh nghiệp khác ở Hàn Quốc còn trầm trọng đến mức nào”, Tom Coyner, Chủ tịch công ty tư vấn quản lý Soft Landing Korea, nói.

Mặt khác, các Chaebol khuyến khích công ty con mua cổ phần của nhau nhằm ngăn cản sự tham gia của nhà đầu tư bên ngoài. Do mô hình tổ chức khép kín của các Chaebol nên hiện tượng chuyển nhượng cổ phần bất hợp pháp diễn ra khá thường xuyên và rất khó phát hiện các gia tộc sáng lập Chaebol lợi dụng điều này để thu lợi bất chính. Một tổ chức dân sự có tên là

Đoàn kết nhân dân tham gia dân chủ (PSPD) đã âm thầm điều tra suốt 10 năm qua và phát hiện hơn 70 trường hợp bất hợp pháp, chiếm tỷ lệ 27% các vụ chuyển nhượng cổ phần đã thực hiện ở 64 trong 250 công ty con thuộc 38 Chaebol. Điển hình là năm 2001, cha con Chủ tịch Hyundai Chung Mong Koo lần lượt thâu tóm 40% và 60% cổ phần của Glovis, công ty vận tải có lãi nhất của Hyundai. Ngay sau đó, họ đã thu được 13,3 tỷ won (13,6 triệu USD) tiền cổ tức; 104,3 triệu USD tiền bán cổ phiếu và 417 triệu USD chênh lệch giá khi Glovis lên sàn chứng khoán. PSPD đã phát hiện hơn 30 vụ chuyển nhượng bất hợp pháp như vậy tại Hyundai, 10 vụ ở Samsung, 3 vụ ở LG,...

Sáu là: Sự thiếu năng động trong điều hành của Chaebol

Các Chaebol bắt đầu bộc lộ hạn chế trước yêu cầu năng động của thị trường. Các Chaebol được công nhận đã đóng góp lớn trong công cuộc công nghiệp hóa đất nước, các thương hiệu như Samsung, LG, Hyundai đã trở thành niềm tự hào của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, bước vào thời đại toàn cầu hóa, nền kinh tế Hàn Quốc phải chuyển dần từ chế tạo sang dịch vụ có giá trị gia tăng cao, sử dụng có hiệu quả hơn đồng vốn và lao động, từ các đại công ty nặng nề sang các doanh nghiệp nhỏ năng động, từ cung cách quản lý gia tộc khép kín sang các tổ chức toàn cầu, minh bạch và quản lý chuyên nghiệp thì các Chaebol không đáp ứng được. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn rất thấp, người tài khó có cơ hội phát triển ở các Chaebol, nơi chỉ coi trọng lòng trung thành, quản lý gia trưởng, độc đoán.

Khi các cơ sở sản xuất lớn chuyển dần từ các nước công nghiệp hóa sang Trung Quốc để tận dụng nhân công rẻ và thị trường tiêu thụ khổng lồ, người Hàn Quốc chợt nhận ra rằng họ không có doanh nghiệp dịch vụ nào có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các Chaebol với quy mô to lớn rất khó xoay trở trước tình hình mới.

CHƯƠNG 3

GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC NHỮNG NHƯỢC ĐIỂM CỦA MÔ HÌNH CHAEBOL

Một phần của tài liệu Mô hình tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc và bài học về chính sách phát triển tập đoàn kinh tế Việt Nam trong điều kiện hội nhập (Trang 32 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(84 trang)
w