Giá trị đa dạng sinh học

Một phần của tài liệu Đánh giá giá trị giải trí và giá trị phi sử dụng của Vườn Quốc gia Ba Bể - Bắc Kạn (Trang 46 - 50)

2.3.2.1 Thực vật

Là VQG nằm trong vùng địa lý sinh học Đông Bắc và nhờ có địa hình đa dạng, núi đất xen núi đá nên thảm thực vật và thực vật rừng có nhiều kiểu đặc trưng riêng. Theo nghiên cứu của các nhà thực vật thì VQG Ba Bể có ít nhất 5 kiểu rừng:

- Rừng kín lá rộng nhiệt đới thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi đá vôi phân bố ở độ cao từ 400 – 1000m, kiểu rừng này còn không nhiều và đặc trưng bởi các ưu hợp thực vật là Nghiến, Đinh thối, lát hoa và một số loài họ Dẻ.

- Rừng trên núi đá vôi: Kiểu này tuy còn diện tích lớn nhưng là rừng thứ sinh sau khai thác chọn nên cấu trúc cũng như tổ thành thực vật rừng đã bị thay đổi, chủ yếu gồm Thung, Đinh thối. Ven hồ có các loài Trám trắng, Mùng quân, Trâm vối.

- Rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới trên núi đất cao trung bình đã bị tác động phân bố chủ yếu ở độ cao từ 700 đến 1500m. Loại rừng này đã bị khai thác nhiều lần, cấu trúc rừng bị phá vỡ. Các đỉnh núi cao có Dẻ, Thích, Côm, Lòng mang; vùng sườn núi có Đinh, Lát, Sấu; vùng phục hồi sau nương rẫy có Hu, Trám, Sòi, Chẹo.

- Trảng cây bụi, cây gỗ mọc rải rác: Loại rừng này chủ yếu ở vùng thấp nơi đất đã bị thoái hoá do làm nương rẫy. Cây gỗ ở đây có Thôi ba, Thôi chanh, Hồng bì và các loại cây bụi như Tổ kén, Cò ke.

- Rừng tre nứa: Kiểu rừng nay gặp ở ven hồ gồm Vầu, Trúc sáo. Trên các vách đá dọc theo sông Năng có nhiều Trúc dây (loài đặc hữu ở Ba Bể).

Khu hệ thực vật ở Ba Bể mang đặc trưng bản địa Bắc Việt Nam với 2 yếu tố cơ bản như sau:

- Yếu tố bản địa có các họ: Re, Dâu, Trầm, Dẻ Đậu, Trôm, Xoan, Bồ hòn, Bứa… - Yếu tố di cư gồm:

+ Yếu tố Malaixia - Indo như các loài Chò nâu,

+ Yếu tố Vân Nam, Quý Châu với các họ Đỗ Quyên, Óc chó, + Yếu tố Miến Điện, Ấn Độ với các loài Chò Xanh, Thung, Gạo.

Thực vật quý hiếm tiêu biểu cho rừng Ba Bể là tập đoàn Nghiến, Trai, Đinh mọc trên núi đá vôi; tập đoàn Thung, Gạo, Sấu có đường kính lớn, cao, to từ 20-40m, mọc xen kẽ ở các thung lũng.

Thực vật đặc hữu của Hồ Ba Bể là loài Trúc dây mọc trên các vách đá, loài tảo đỏ ở Hồ Ba Bể. Đây là những loài duy nhất chỉ tìm thấy tại VQG Ba Bể.

Theo điều tra ban đầu, chỉ riêng các loài thân gỗ đã điều tra được 600 loài bao gồm 300 chi, 137 họ và 10 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Ngoài các loài đặc trưng điển hình của vùng đá vôi Đông Bắc như Nghiến, Đinh, Trai, Lát còn có hàng trăm loài phong lan, địa lan, dược liệu, những loài quý hiếm khác đang nằm trong

rừng hoặc ven hồ. Số liệu về thực vật cho thấy tính đa dạng loài thực vật và quan hệ địa lý thực vật tại VQG Ba Bể là cao nhưng ở đây lại hiếm thực vật cổ nhiệt đới.

Thảm thực vật rừng của VQG giữ vai trò phòng hộ đầu nguồn cho hồ Ba Bể. Mất rừng, hồ sẽ mất khả năng dự trữ nước vào mùa lũ đồng thời lòng hồ bị nâng lên bởi sự lắng đọng, và sẽ gây nên nạn lũ lụt hàng năm, đem lại những hậu quả nghiêm trọng đe doạ các cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng hạ lưu sông Năng.

2.3.2.2 Động vật

Khu hệ động vật của Ba Bể cũng rất đa dạng và phong phú bao gồm ba nhóm động vật: trên cạn, dưới nước, biết bay. Vì vậy, Hội nghị chương trình đa dạng sinh học quốc gia đã xếp hạng Vườn Quốc gia Ba Bể vào loại A về đa dạng sinh học.

Tại VQG Ba Bể khu hệ thú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự có mặt của loài Voọc đen má trắng (Semnopithecus francoisi francoisi) và Cầy vằn bắc (Hemigalus owstoni). Loài Voọc này đã được phát hiện vào năm 1995 tại bờ hồ 2 và mới đây (năm 2001) đã tìm thấy lại ở dãy núi đá gần trạm Đầu Đẳng. Rất có khả năng Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) vẫn còn lại ở vùng lõi của Vườn.

Đây là loài Voọc đã từng bị coi là tuyệt chủng cho đến khi chúng được phát hiện lại ở Khu BTTN Nà Hang vào năm 1992, và gần đây còn được tìm thấy tại một số địa điểm ở miền Bắc Việt Nam. VQG Ba Bể đã có thông tin Voọc mũi hếch đã từng xuất hiện ở phía Tây Bắc của Vườn, gần đây nhất là vào năm 1997. Thông tin phỏng vấn thợ săn cùng các vật mẫu tìm thấy đã chứng tỏ rằng có thể có ba đàn Voọc mũi hếch vẫn còn sinh sống ở vùng phía Nam thuộc khu vực đề xuất mở rộng VQG (luận chứng KTKT 1990, N. Lormee thuật lại. 2000). Nếu những thông tin trên được khẳng định qua việc tìm thấy lại Voọc mũi hếch ở Vườn thì sẽ làm tăng giá trị bảo tồn đa dạng sinh học tại đây.

Vườn Quốc gia Ba Bể cũng là một trong các khu bảo vệ có ý nghĩa về bảo tồn sự đa dạng các sinh cảnh vùng đất ngập nước do có hồ nội địa lớn nhất trong cả nước. Điều này có liên quan đến sự đa dạng của cá loài cá nước ngọt sinh sống trong hồ Ba Bể. Hiện đã thống kê được 87 loài, chiếm khoảng 1/3 khu hệ cá nước ngọt ở miền Bắc Việt Nam, trong đó có 11 loài quí hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

Khu hệ động vật VQG Ba Bể hiện chưa được biết đến một cách đầy đủ do việc điều tra nghiên cứu còn hạn chế. Nhưng riêng khu hệ bướm, trong khoảng thời gian hai năm (1997 và 1998) khảo sát tương đối kỹ ghi nhận 332 loài, trong đó có 20 loài mới được tìm thấy lần đầu ở Việt Nam đã chứng tỏ tính đa dạng khu hệ động vật ở đây. Có thể nhìn nhận tính đa dạng và phong phú về giống loài qua số liệu chưa đầy đủ về hệ động vật có giá trị của Vườn như sau:

- Lớp thú: có 65 loài thuộc 7 bộ, 23 họ trong đó có 22 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

- Lớp chim: có 214 loài thuộc 17 bộ, 47 họ trong đó có 7 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

- Lớp bò sát lưỡng cư: có 46 loài thuộc 3 bộ, 15 họ trong đó có 15 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

- Lớp cá: có 87 loài trong đó có 11 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Như vậy, hiện nay khu hệ động vật Ba Bể có 412 loài động vật trong đó có 55 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt có nhiều loài quí hiếm đang bị đe doạ cần được bảo vệ là:

- Loài Voọc mũi hếch ở Đồng Phúc Ba Bể (loài đặc hữu).

- Loài Gấu ngựa, Báo lửa, báo hoa mai ở vùng Nà Dường, Hin Đăm xã Khang Ninh, Ba Bể.

- Loài Voọc đen má trắng, Vượn đen, Khỉ mặt đỏ ở khu vực Hồ Ba Bể và xã Nam Mẫu. - Loài Sơn dương, Hươu xạ ở Động Puông xã Cao Thượng.

- Loài Phượng hoàng đất, Vạc hoa, Công, Trĩ, Sóc bay… ở Khang Ninh, Đồng Phúc, Ba Bể

Bảng 2.2: So sánh tài nguyên thú rừng ở một số VQG (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

TT Tên VQG Số loài Họ Bộ % số loài toàn quốc

1 VQG Ba Bể 65 23 7 29

2 VQG Ba Vì 43 21 8 19

3 VQG Cát Bà 20 10 5 9

4 VQG Bến En 53 21 10 23

5 VQG Bạch Mã 55 23 9 24

Nguồn: Báo cáo đa dạng sinh học VQG Ba Bể.

Nhìn chung, cho đến nay số liệu thu thập được về khu hệ động thực vật, và các loài có giá trị cần bảo tồn của VQG Ba Bể còn hạn chế, vì vậy đòi hỏi phải đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.

Nguồn tài nguyên sinh vật của Vườn mặc dù được quản lý tốt song hiện đang suy giảm nghiêm trọng. Nhiều loài thực vật bị khai thác quá mức, nhiều cây thuốc quý đã trở nên khan hiếm, nhiều loại động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng do săn bắt trái phép.

Một phần của tài liệu Đánh giá giá trị giải trí và giá trị phi sử dụng của Vườn Quốc gia Ba Bể - Bắc Kạn (Trang 46 - 50)