Một số ưu điểm và hạn chế của phương pháp định giá ngẫu nhiên

Một phần của tài liệu Đánh giá giá trị giải trí và giá trị phi sử dụng của Vườn Quốc gia Ba Bể - Bắc Kạn (Trang 36)

Ưu điểm lớn của phương pháp CVM là trên lý thuyết, nó có thể được sử dụng để đánh giá các nguồn tài nguyên mà sự tồn tại tiếp tục của nó được người ta đánh giá cao, nhưng bản thân họ không bao giờ đến tham quan cả. Một ví dụ về tài sản môi trường như thế là Nam Cực, nơi mà người ta sẵn sàng trả cho việc bảo vệ, nhưng nói chung là không mấy khi có người muốn đến thăm. Một ví dụ khác gần hơn về giá trị phi sử dụng là việc một công ty lâm nghiệp của Anh đã thông báo dự định của họ về việc thoát nước và trồng cây ở vùng Flow Country, nơi sinh sống của các sinh vật hoang dã quan trọng và là khu đất ngập nước ở miền Bắc Scotland. Mặc dù thực tế rất ít người đến thăm khu vực này. Cuộc nghiên cứu CVM (tiến hành khảo sát các hộ gia đình qua đường bưu điện) cho thấy rằng các cá nhân sẵn lòng trả một số tiền để gìn giữ khu vực này cao hơn nhiều so với nguồn lợi do trồng gỗ mang lại.

Một ưu điểm khác của CVM là không đòi hỏi một số lượng lớn thông tin như các phương pháp khác. Số liệu dùng cho CVM có thể thu thập dưới nhiều góc độ khác nhau với mức độ phức tạp khác nhau tuỳ thuộc vào thời gian và nguồn tài chính.

Có thể nói so với các phương pháp đã được nêu ở trên đây, phương pháp CVM tương đối rõ ràng và phù hợp với việc nghiên cứu môi trường. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề liên quan tới tính chính xác và độ tin cậy trong kết quả tính toán:

Bởi CVM không phân tích những hành động thực tế, mà chỉ thăm dò ý kiến của những dự định có thể xảy ra trong tương lai, vì thế kết quả nhận được hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức, hành vi, thái độ, quan điểm về tài nguyên được định giá và mức sống của người được phỏng vấn. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao WTP ở các nước đã phát triển thường cao hơn ở các nước đang phát triển, của người sống tại các khu vực đô thị thường cao hơn người sống tại khu vực nông thôn. Ngoài ra WTP thường bị hạ thấp do người được hỏi thường có tâm lý “sử dụng không mất tiền” các nguồn lực tự nhiên hoặc không cảm thấy cần thiết đến sự tồn tại của các loại tài nguyên này. Bên

cạnh đó một số khiếm khuyết của CVM liên quan tới những thiên lệch trong các kỹ thuật, chủ yếu là thiên lệch chiến lược, thiên lệch do điểm xuất phát, thiên lệch do cơ chế thanh toán, thiên lệch do thông tin và thiên lệch có tính chất giả thiết. Tuy nhiên các thiên lệch này có thể khắc phục được trong quá trình điều tra đánh giá.

Mặc dù cơ sở lý thuyết cho rằng tổng giá trị kinh tế bao gồm giá trị sử dụng và giá trị phi sử dụng, tuy nhiên trên thực tế một vấn đề tương đối phức tạp là giá trị tồn tại và giá trị lưu truyền thường rất ít khi được lồng ghép trong quá trình ra quyết định mặc dù giá trị của nó thường được đánh giá rất cao (chiếm từ 35-70% tổng giá trị của tài nguyên). Một trong những nguyên nhân đó là do CVM là phương pháp duy nhất có thể đánh giá được giá trị này.

CHƯƠNG II: TỔNG QUAN VỀ VƯỜN QUỐC GIA BA BỂ - BẮC KẠN 2.1. Sơ lược lịch sử hình thành và phát triển VQG Ba Bể

Lịch sử hình thành VQG Ba Bể được tính từ năm 1977 theo Quyết Định số 41-TTg ngày 24/1/1977 của Thủ tướng Chính phủ chính thức công nhận Ba Bể là khu văn hoá lịch sử. Quan điểm trên được tái khẳng định trong Nghị Định 194/CP, ngày 9/8/1986 của Chủ tịch HĐBT giao cho Bộ Lâm Nghiệp và các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát và xây dựng dự án đầu tư cho Ba Bể thành VQG.

Năm 1992, Viện Điều tra quy hoạch rừng đã hoàn thành việc xây dựng dự án đầu tư thành lập VQG Ba Bể. Dự án đã được Chính phủ phê duyệt và VườnQuốc gia Ba Bể được chính thức thành lập từ 10/11/1992 theo quyết định số 83/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chức năng nhiệm vụ của Vườn là: bảo tồn các nguồn gen động, thực vật, các hệ sinh thái, cảnh quan môi trường; tổ chức, quản lý, phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch dịch vụ.

Theo các nhà địa chất, Vườn Quốc gia Ba Bể nằm trong vùng caxtơ Chợ Rã Ba Bể - Chợ Đồn, gồm khối đá vôi Givet (kỷ Đề vôn giữa) nằm trên phiến đá Protezel và bên cạnh là khối đá hoa cương đã trải qua chế độ lục địa khoảng 200 triệu năm. Điều này khẳng định sự già nua của địa hình caxtơ ở đây khác với những nơi khác. Độ cao trung bình của núi đá vôi là 800 - 900 m so với mặt biển và quá trình diễn biến địa chất phức tạp vẫn tiếp tục xảy ra.

Trước đây, Vườn Quốc Ba Bể thuộc tỉnh Cao Bằng, sau khi tái lập tỉnh, Vườn nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (1997). Từ năm 1997 đến năm 2002, Vườn Quốc gia Ba Bể chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn. Đến cuối năm 2002, VQG Ba Bể được giao cho UBND tỉnh Bắc Kạn quản lý (Quyết định số 51/2002/QĐ-TTg ngày 17/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ v/v chuyển VQG Ba Bể thuộc Bộ NN và PTNT về UBND tỉnh Bắc Kạn quản lý). Hiện nay, tổng số cán bộ nhân viên của Vườn có 65 người, cùng với 20 lao động hợp đồng. Giúp việc cho Ban quản lý có các đơn vị trực thuộc là Hạt kiểm lâm, Trung tâm du lịch, và các phòng chức năng. Tại khu trung tâm Vườn đã có hệ thống đường giao thông đi lại

tốt, có cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu làm việc của Ban quản lý. Hiện có tất cả 11 trạm kiểm lâm bảo vệ rừng được bố trí tại các điểm quan trọng ở trong và dọc theo ranh giới Vườn.

Trong kế hoạch Hành động ĐDSH (1994) đã đề xuất mở rộng VQG Ba Bể lên 50.000 ha. Năm 1995, dự án đầu tư mở rộng Vườn được xây dựng với diện tích đề nghị là 23.340 ha. Tuy nhiên cho đến nay dự án này vẫn chưa được Bộ NN&PTNN phê duyệt. Trong danh sách các khu rừng đặc dụng Việt Nam quy hoạch đến năm 2010, diện tích của VQG Ba Bể đề xuất là 23.340 ha, trong đó có 13.373 ha rừng tự nhiên.

Trong Vườn có các dân tộc Tày, Nùng, Dao, H’Mông, và Kinh sinh sống lâu đời tại các bản làng xung quanh (vùng đệm) và bên trong Vườn, đan xen trong các thung lũng núi đá vôi và bên bờ hồ. Hoạt động kinh tế chính của họ là canh tác lúa nước. Tuy nhiên diện tích ruộng không đủ. Nhiều người trong số họ vẫn lén lút kiếm sống bằng các hoạt động săn bắt, khai thác lâm sản trái phép trong VQG. Bên cạnh đó là các hoạt động mưu sinh tương tự của những cộng đồng sinh sống ở vùng đệm, nhất là các thôn bản nằm dọc theo các đường chính dẫn vào vùng trung tâm Vườn.

Điểm nhấn của VQG Ba Bể là Hồ Ba Bể. Hồ Ba Bể là địa điểm du lịch khá nổi tiếng, hàng năm đã thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và nghỉ dưỡng. Cùng với hệ thống sông suối trong vùng, hồ Ba Bể còn đóng vai trò quan trọng đối với sự giao lưu đi lại của người dân địa phương. Hồ cũng là nơi cung cấp nguồn thuỷ sản quan trọng cho nhân dân địa phương và giữ vai trò to lớn trong việc điều tiết lũ sông Năng. Hồ Ba Bể có nhiều chức năng kinh tế và môi trường quan trọng đối với các địa phương trong vùng và các vùng lân cận.

Do tăng cường công tác quản lý bảo vệ nên rừng đang được phục hồi, chiếm trên 85% diện tích. Số lượng các loài chim thú xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh các loài động, thực vật quý hiếm tìm thấy trước đây, nay đã xuất hiện Voọc đen má trắng ven hồ và dọc sông Năng. Tuy nhiên, do có nhiều dân cư sống xen kẽ trong vùng lõi và xung quanh Vườn, đời sống kinh tế chưa được cải thiện, tập quán canh tác lạc hậu nên đã tạo sức ép khá lớn từ phía cộng đồng đối với công tác bảo tồn VQG.

Vườn cũng đang tiến hành đầu tư xây dựng các công trình cơ bản phục vụ bảo tồn và dân sinh như làm đường giao thông ở vùng đệm giúp dân ở 3 xã phía Tây không phải đi xuyên qua Vườn, nâng cấp tuyến đường tuần tra bảo vệ kết hợp du lịch sinh thái. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý bảo vệ. Trình độ cán bộ nhân viên của Vườn trên các lĩnh vực được phân công còn nhiều hạn chế. Các chương trình điều tra nghiên cứu, giám sát sinh cảnh và đa dạng sinh học chưa được triển khai thường xuyên.

Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể cùng với ba Vườn Quốc gia khác của Việt Nam là Hoàng Liên ở Lào Cai, Chư Mom Ray ở Kon Tum và Kon Ka Kinh ở Gia Lai được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Đây là một danh hiệu có giá trị về phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học, văn hóa, giáo dục của ASEAN.

2.2. Điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội

2.2.1. Điều kiện tự nhiên

Vườn Quốc gia Ba Bể cách Hà Nội 250 km về phía Bắc thuộc địa bàn huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn, bao gồm toàn bộ diện tích đất xã Nam Mẫu, một phần ở các xã Khang Ninh, Cao Thượng, Cao Trĩ.

Vườn có tọa độ địa lý: 22030 độ vĩ Bắc, 105036’ độ Kinh Đông. Tổng diện tích đất đai tự nhiên Vườn đang quản lý là 7.610ha trong đó khu bảo vệ nghiêm ngặt 3.226,2 ha, khu phục hồi sinh thái 4.038,6 ha, khu hành chính dịch vụ 300,2 ha, vùng đệm ước tính khoảng 42.100 ha.

Vườn Quốc gia Ba Bể nằm trên độ cao từ khoảng 150 đến 1.098 mét so với mặt nước biển. Về cấu trúc địa chất, chiếm ưu thế là đá vôi với nhiều đỉnh cao lởm chởm, độ phân cắt lớn, nhiều sườn đồi dốc bao quanh các thung lũng, sông suối. Địa hình núi đá vôi có nhiều hang động, lớn nhất là Động Puông, dài tới 300m, có sông Năng chảy qua, tạo nên cảnh quan thiên nhiên đầy vẻ ngoạn mục.

Đặc điểm nổi bật nhất của Vườn Quốc gia Ba Bể là trên địa hình đá vôi có một hồ nước ngọt - Hồ Ba Bể. Hồ nằm ở vị trí trung tâm của Vườn, có cấu tạo đặc biệt thắt ở giữa và phình to ở hai đầu. Quanh Hồ là những vách đá, chỗ dựng đứng như một bức tường, chỗ lại vòng vèo uốn lượn ăn sâu vào các thung lũng làm cho

hình dáng hồ rất độc đáo, hoang sơ. Hồ Ba Bể nằm trong vùng địa hình casto Chợ Rã - Ba Bể - Chợ Đồn thuộc vùng trũng của khối nâng Việt Bắc. Khối nâng này được hình thành do sự phá huỷ của khối lục địa Đông Nam Á và cuối kỳ Cambri khoảng 200 triệu năm về trước. Do có cấu tạo địa chất đặc biệt nên Hồ Ba Bể có những nét riêng biệt so với các hồ Caxto khác trên thế giới. Chính vì vậy mà Hội nghị Quốc tế về hồ nước ngọt tại Mỹ tháng 3/1995 đã đưa Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên của thế giới cần được bảo vệ.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của 3 con sông thường xuyên chảy vào hồ nhưng nước hồ thường xuyên xanh và lưu thông với tốc độ dòng chảy 5m/s làm cho hồ Ba Bể vừa có tính chất sông vừa có tính chất hồ. Hồ có độ sâu trung bình từ 20 - 25m, nơi sâu nhất là 35m, nơi nông nhất cũng sâu từ 5 - 10m. Về mùa lũ mực nước hồ có thể dao động lên xuống từ 2,5 – 3m so với mức bình thường Đáy hồ không bằng phẳng mà có nhiều núi ngầm, hang động là nơi trú ngụ lý tưởng của các loài thuỷ sinh, động vật dưới nước.

Hồ Ba Bể có diện tích là 500ha có sức chứa bình quân 90 triệu m3 nước có vai trò rất lớn trong việc phân lũ cho lưu vực sông Năng, Sông Lô tỉnh Tuyên Quang. Khi lũ sông Năng lớn, hồ Ba Bể là nơi chứa nước; khi lũ hạ, nước hồ lại chảy ra sông Năng điều tiết giảm lũ cho các lưu vực sông Gâm, sông Lô tỉnh Tuyên Quang. Đây là một giá trị quan trọng của hồ.

Ba con sông, suối chính đổ nước về Hồ là Sông Tà Han, suối Bó Lù ở phía Tây, sông Chợ Lèng ở phía Tây Nam. Hệ thống sông suối này hợp thành hệ thuỷ phía Nam của VQG. Nước Hồ Ba Bể chảy theo hướng Nam - Bắc đổ ra sông Năng, chảy qua phần phía Bắc của VQG, sau đó tiếp tục chảy theo hướng Tây gặp sông Gâm ở phía Đông của tỉnh Tuyên Quang.

Vườn Quốc gia Ba Bể nằm trong tiểu vùng khí hậu của vùng Đông Bắc Việt Nam, lại được che chắn, bao bọc bởi các dãy núi cao như Phja Bjoóc và Phja Dạ nên khí hậu ở đây khá thuận lợi cho sự phát triển của các loài rừng nhiệt đới. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 220C, nhiệt độ cao nhất trong ngày là 390C, nhiệt độ thấp nhất

là 60C, độ ẩm bình quân hàng năm là 83%, lượng mưa trung bình hàng năm là 1378mm.

2.2.2. Điều kiện kinh tế - xã hội

Vườn Quốc gia Ba Bể nằm trong địa giới hành chính huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn nhưng phía Tây lại giáp huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, có chung vùng đệm với Khu BTTN Nà Hang (xã Đà Vị, huyện Nà Hang). Hiện nay, trong khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn có 524 hộ, với 3.200 nhân khẩu, số dân sống trong vùng đệm có hơn 6.000 nhân khẩu.

Các dân tộc sinh sống ở đây có người Tày chiếm 44%, người H’mông chiếm 54%, người Dao, Nùng và Kinh chiếm 2%. Tuy có nhiều dân tộc khác nhau nhưng dân cư ở đây có tính cộng đồng cao, sống đoàn kết. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá độc đáo riêng của mình. Người Tày thường làm nhà sàn bằng gỗ ở các vùng thấp thuận tiện cho canh tác nông nghiệp, đánh bắt cá, dệt vải. Người H’Mông, Dao sinh sống trên các sườn núi cao hay thung lũng chủ yếu canh tác nương rẫy, du canh và săn bắt chim thú rừng.

Với phương thức canh tác chủ yếu là trồng lúa nước, và canh tác nương rẫy, người dân ở đây chỉ có thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 298kg lương thực quy thóc, mức thiếu lương thực ở các hộ nghèo là từ 2 đến 4 tháng trong năm. Các khoản chi tiêu hàng ngày của mỗi hộ gia đình đều lấy từ sản phẩm nông nghiệp và bán các sản phẩm khai thác từ rừng. Khi không còn dựa vào nghề rừng như hiện nay thì các khoản tiền đó lấy từ thu nhập sản xuất nông nghiệp (lúa, hoa màu và sản phẩm phụ) và các thu nhập khác do Nhà nước trợ cấp (nếu có).

Bảng 2.1 Thu nhập của dân cư vùng Hồ Ba Bể

TT Dân số Đất NN bình quân (ha) Thu nhập bình quân năm 2000 (đồng) 1 Nam Mẫu 2802 0.06 450.000 2 Cao Thượng 3189 0,06 350.000 3 Cao Trĩ 2234 0,1 320.000 4 Khang Ninh 3451 0,09 480.000

5 Quảng Khê 2993 0,13 Không có số liệu

6 Đồng Phúc 2573 0,13 650.000

7 Hoàng Trĩ 1221 0,08 Không có số liệu

Nguồn: Số liệu điều tra tháng 8/2000 – Báo cáo đa dạng sinh học VQG Ba Bể.

Đi liền với tình trạng kinh tế còn thấp kém là trình độ dân trí thấp. Trong 7 xã quanh VQG mỗi xã chỉ có 1 trường tiểu học. Các trường lớp đã xuống cấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ giáo viên thiếu. Tình trạng mù chữ vẫn còn tồn tại ở nhiều bản. Kết quả điều tra tháng 8/2000 cho thấy còn 11,8% số người đến tuổi không đi học, 4,4% đạt trình độ cấp III, trình độ cao đẳng đại học không đáng kể (0,1%).

Một phần của tài liệu Đánh giá giá trị giải trí và giá trị phi sử dụng của Vườn Quốc gia Ba Bể - Bắc Kạn (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w