Giả sử mỗi du khách đến với VQG Ba Bể đều hiểu được giá trị của VQG mang lại cho mình và cho thế hệ tương lai. Nếu cá nhân i sẵn sàng chi trả một mức Wi cho việc bảo tồn giá trị của VQG (chẳng hạn bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn những loài thú có nguy cơ tuyệt chủng, bảo tồn các nguồn gen quý cho thế hệ mai sau) thì tổng mức sẵn lòng chi trả phản ánh giá trị phi sử dụng của tài sản môi trường. Đến lượt nó, mức sẵn lòng chi trả lại phụ thuộc vào một loạt những biến số xã hội
của đối tượng được phỏng vấn như thu nhập, độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn, những hiểu biết về sinh thái môi trường và sự nhận thức về mức độ cần thiết của việc bảo tồn. Quan hệ hàm số giữa mức sẵn lòng chi trả và các biến xã hội này được mô tả như sau:
Wi = Si.b + ei
Trong đó: Si là ma trận các biến số xã hội của đối tượng được phỏng vấn, b là hệ số thể hiện mối quan hệ giữa mức sẵn lòng chi trả với các biến khác; ei là nhiễu (sai số) của mô hình với trung bình bằng 0 và phương sai bằng δ2.
Sử dụng phương pháp bình phương nhỏ nhất (OLS) tìm ra mối quan hệ giữa các biến số xã hội của đối tượng phỏng vấn Si với mức sẵn lòng chi trả Wi. Nếu các quan hệ này là có ý nghĩa thì có thể căn cứ vào mức sẵn sàng chi trả của đối tượng được phỏng vấn để nội suy tổng mức sẵn lòng chi trả của du khách cho vấn đề bảo tồn.
3.3.2.Thiết lập thị trường giả tưởng
Thực hiện đánh giá giá trị phi sử dụng VQG Ba Bể, tác giả đã tiến hành khảo sát bằng bảng hỏi đối với khách tham quan và phỏng vấn trực tiếp đối với người dân địa phương - người hưởng lợi trực tiếp từ bảo tồn VQG.
Đối với khách tham quan, các thông tin cần thu thập gồm:
- Thông tin về cảm nhận của du khách đối với giá trị của VQG: Trong phần này bảng hỏi cung cấp thêm một số thông tin về giá trị của VQG như tính đa dạng sinh học, các loài đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ để du khách có thể hiểu giá trị của VQG và sự cần thiết phải bảo tồn những giá trị hiện có.
- Thông tin về sự sẵn sàng chi trả của du khách để bảo tồn VQG Ba Bể: Đề tài đặt giả định “một Quỹ bảo tồn được thành lập nhằm bảo tồn cảnh quan và các loài động thực vật trong VQG cần đến sự đóng góp tiền của khách tham quan, vậy ông/bà có sẵn lòng bỏ ra một khoản tiền cho mục đích này không và mức chi trả có thể là bao nhiêu cho lần tham quan này?” Tiếp theo, tác giả đặt ra câu hỏi xem xét mục đích chi trả của du khách từ đó định giá đối với từng loại giá trị.
1. Du khách sẵn sàng trả bao nhiêu nhằm bảo tồn các nguồn lợi từ VQG để thế hệ con cháu có thể khai thác và sử dụng trong tương lai.
2. Du khách sẵn sàng chi trả bao nhiêu để bảo tồn giá trị của VQG chỉ đơn giản là xuất phát từ mong muốn bảo tồn giá trị cảnh quan và nơi sinh sống của các loài động thực vật.
Đối với những người dân địa phương – đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ bảo
tồn VQG, việc thu thập thông tin được thực hiện bằng phỏng vấn trực tiếp một số hộ dân sống tại vùng lõi và vùng đệm của VQG đang tham gia vào các hoạt động du lịch tại VQG.
Theo lý thuyết, việc thu thập thông tin về sự bằng lòng chi trả của du khách đối với một hàng hoá môi trường có thể sử dụng một số phương pháp như: trò chơi đấu giá, đánh giá bằng thẻ thanh toán hoặc đặt ra các câu hỏi mở. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp đưa ra sẵn các mức chi trả để đối tượng được phỏng vấn lựa chọn. Trên thực tế cách này phù hợp với đối tượng là khách trong nước vì du khách trong nước chưa quen với những cuộc phỏng vấn như thế này. Mặt khác, người thực hiện phỏng vấn được gặp mặt trực tiếp đối tượng phỏng vấn nên có thể giải thích để người trả lời hiểu và lựa chọn một mức chi trả ngẫu nhiên, thậm chí không phụ thuộc vào mức mà phiếu điều tra đưa ra.