I. Tổng quan về NHTM
2. Thực trạng huy động vốn trung và dài hạn tại NHNo&PTNT Thăng Long
2.1. Tình hình kinh tế xã hội ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn
trung và dài hạn của Ngân hàng.
Trong giai đoạn 2001-2005, vốn đầu tư thông qua kênh trung gian tài chính (hệ thống ngân hàng) vào nền kinh tế chiếm trung bình từ 20-22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Bình quân tăng trưởng huy động vốn (và dư nợ cho vay nền kinh tế) giai đoạn 2001-2005 đạt mức khá cao, từ 20-25% hàng năm. Cùng với nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước, khu vực dân cư và tư nhân, ODA, FDI và kiều hối, nguồn vốn qua kênh NHTM thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho tín dụng đầu tư phát triển nền kinh tế. Trong định hướng phát triển ngành ngân hàng giai đoạn 2006 - 2010 đã xác định toàn Ngành cần duy trì tốc độ tăng trưởng huy động vốn, tín dụng từ 22- 25%/năm để góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Như vậy, chỉ tiêu này tiếp tục cao hơn tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội (dự kiến 12-13%). Đây được xem là mức phấn đấu khá cao đối với hệ thống ngân hàng trong điều kiện huy động vốn ngày càng gặp nhiều khó khăn, tập trung vào 4 vấn đề:
Một là, tốc độ tăng trưởng kinh tế dù được duy trì ở mức cao trong nhiều năm nhưng thu nhập quốc dân bình quân đầu người vẫn còn thấp, tiết
kiệm và tích luỹ trong dân cư tuy đã tăng nhưng còn ở mức khiêm tốn và dân cư vẫn chưa thực sự tin tưởng khi gửi tiết kiệm và sử dụng các dịch vụ của Ngân hàng. Bên cạnh đó, quy mô vốn của các doanh nghiệp còn nhỏ bé, hoạt động chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng; nhu cầu đầu tư cao trong khi khả năng tự tích luỹ, tài trợ thấp.
Hai là, yếu tố giá cả tăng mạnh trong 2 năm gần đây gây ra tâm lý e ngại gửi tiền VND dài hạn vào hệ thống ngân hàng, dẫn đến việc người dân chuyển sang đầu tư vào bất động sản, hoặc tích trữ dưới dạng USD và vàng.
Ba là, xu hướng tăng lãi suất USD tại Mỹ đã làm gia tăng tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế, gây sức ép rất lớn lên lãi suất đối với Đồng Việt Nam và gây nhiều khó khăn cho công tác huy động vốn.
Bốn là, mức độ cạnh tranh trên thị trường vốn ngày càng cao, việc huy động vốn của các NHTM phải cạnh tranh với các kênh thu hút vốn khác như tiết kiệm bưu điện, bảo hiểm nhân thọ, hoạt động đầu tư bất động sản, đầu tư cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường tài chính.
Trước sự khan hiếm nguồn vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, các Ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất gây ra một cuộc chạy đua về lãi suất giữa các Ngân hàng. Đứng trước thực trạng đó, trong năm 2005, Ngân hàng Nhà nước ba lần tăng một số lãi suất chủ đạo là lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu, hai lần tăng lãi suất cơ bản đồng Việt Nam .
Trong năm 2005, lãi suất huy động VND tăng 0,6-1,2%/năm, lãi suất cho vay VND tăng 0,6%/năm, lãi suất huy động bằng USD tăng 1,2- 2,5%/năm và lãi suất cho vay bằng USD tăng 0,7-1,5%/năm so với cuối năm 2004.
Đối với người gửi tiền, đó là ảnh hưởng tích cực và nguồn vốn thu hút vào ngân hàng tăng lên, khuyến khích hạn chế việc tiêu dùng trong ngắn hạn để hưởng lợi từ tiết kiệm chi tiêu.
Đối với nhà đầu tư là các doanh nghiệp, đương nhiên chi phí trả lãi cao hơn, buộc họ phải cân nhắc nên vay vốn đầu tư hay không, vào những dự án
nào để có thể hoàn trả nợ với mức lãi suất mới. Như vậy, sẽ loại bỏ bớt những dự án ít hiệu quả và bắt buộc phải có sự chọn lọc.
Đối với những người đã đầu tư và đã vay vốn, chi phí kinh doanh tăng và lợi nhuận giảm bớt và họ buộc phải tiết giảm các chi phí khác để có thể tồn tại và cạnh tranh tốt trên thị trường.
Trong những khó khăn chung của ngành Ngân hàng, với những nỗ lực không ngừng của Ban giám đốc cũng như toàn thể cán bộ công nhân viên chi nhánh, trong công tác huy động vốn NHNo&PTNT Thăng Long đã đạt được một số những thành tựu đáng khích lệ.