Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ có liên quan đến lĩnh vực thẻ thanh toán như quy định trong BLHS, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật giao dịch điện tử… Đặc biệt cần quy định cụ thể trong BLHS hành vi này là tội phạm, hay hình sự hóa hành vi làm giả thẻ thanh toán làm cơ sở cho hoạt động phòng ngừa, đấu tranh với loại hình tội phạm mới này.
Hành vi chiếm đoạt tài sản nêu trong các vụ án trên đây là một dạng hành vi tội phạm mới phát sinh trong lĩnh vực công nghệ cao, do đó quan điểm định tội cũng còn những ý kiến khác nhau. Để đảm bảo tính thống nhất, tính pháp chế và thuận lợi trong quá trình áp dụng, trước mắt cần có sự hướng dẫn thống nhất đường lối xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng các thông tư liên tịch hay nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, và về lâu dài cần phải bổ sung vào BLHS những cấu thành tội phạm mới để phù hợp với những hành vi tội phạm có sử dụng công nghệ cao trong thống nhất xác định tội danh.
Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa thì đòi hỏi tất cả những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội cần phải được xử lý bằng Luật hình sự với những chế tài nghiêm khắc đủ để trấn áp, răn đe cũng như phòng ngừa tội phạm. Do vậy việc bổ sung vào BLHS những điều luật về loại tội phạm này không chỉ đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm mà còn phù hợp với quy luật khách quan về sự phát triển.
Tội phạm thẻ thanh toán là một trong những dạng tội phạm công nghệ cao, một số hành vi của tội phạm thẻ thanh toán như hacking, fishing… là dạng hành vi phổ biến của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hiện nay trong BLHS năm 1999 chỉ có 4 điều luật quy định liên quan trực tiếp tới tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm điều chỉnh những hành vi phạm tội trong lĩnh vực này. Đó là: Điều 125 (quy định về tội chiếm đoạt thư tín điện tử hoặc xâm phạm bí mật, an toàn thư tín điện tử); Điều 224 (quy định về tội tạo và
làm lan truyền, phát tán các chương trình vi rút tin học); Điều 225 (quy định về tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử) và Điều 226 (quy định về tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính).
Các quy định trên chưa đầy đủ và thiếu tính khả thi. Sau hơn 7 năm thi hành BLHS, có rất ít hành vi vi phạm thuộc nhóm tội này bị truy cứu trách nhiệm hình sự, dù số lượng các hành vi sử dụng công nghệ thông tin xâm hại lợi ích của nhà nước, tập thể và cá nhân ngày một tăng. Trong thực tế đối với những hành vi phạm tội trong lĩnh vực này, ngoài 4 điều luật trên thì hiện nay đang vận dụng một số điều luật khác để điều chỉnh, do đó không tránh khỏi những vướng mắc, bất hợp lý. Vì vậy, trong thời gian tới cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung các quy định về nhóm tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cần cụ thể hóa hoặc bổ sung thêm một số hành vi vào các điều luật trên. Ngoài ra cũng cần nghiên cứu để đến một thời điểm thích hợp nào đó nếu cần thiết có thể ban hành một đạo luật riêng về phòng chống tội phạm công nghệ cao như một số nước đã làm, trong đó có quy định những hành vi về tội phạm thẻ thanh toán.
Bên cạnh đó cũng cần bổ sung những quy định pháp luật liên quan đến dấu vết, chứng cứ điện tử để làm cơ sở pháp lý cho các cán bộ điều tra thu thập chúng cứ nhằm làm rõ hành vi phạm tội của tội phạm thẻ thanh toán.
Chính phủ và ngân hàng Nhà nước cần sớm nghiên cứu để ban hành các văn bản pháp lý, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh qua thẻ của các ngân hàng, cũng như các quy định xử lý các hành vi giả mạo, lừa đảo trong giao dịch thẻ phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về quy định pháp luật hành chính liên quan đến tội phạm thẻ thanh toán, hiện nay đã có một số luật và văn bản pháp quy như: Luật công nghệ thông tin, Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Luật giao dịch điện tử, và các nghị định hướng dẫn thi hành các luật này, Nghị định về chữ ký số… Nghị định 55/2001/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet; Quyết định số 27/2002/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hoá Thông tin; Quyết định số 71/2004/QĐ-BCA của Bộ Công an đã đưa ra những mức xử phạt hành chính (chủ yếu là phạt tiền). Tuy nhiên những quy định này vẫn còn thiếu và những chế tài hành chính đối những hành vi này chưa mang tính hệ thống. Vì vậy, cần bổ sung một số điều trong Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin để xử phạt những hành vi vi phạm của tội phạm thẻ thanh toán mà chưa tới mức phải xử lý hình sự như là phạt tiền, cấm hành nghề… Mặt khác cũng cần xây dựng một văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, xác định rõ các hành vi vi phạm, các hình thức và mức phạt, cơ chế xử phạt... để đủ sức răn đe và ngăn chặn đối với các loại tội phạm công nghệ cao nói chung và tội phạm thẻ thanh toán nói riêng.