Nâng cao nhận thức cho người sử dụng thẻ

Một phần của tài liệu Tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam - Một số đề xuất đối với công tác phòng, chống”. (Trang 38 - 41)

Hoạt động thương mại điện tử nói chung và thanh toán điện tử nói riêng diễn ra trong một không gian kinh tế khác biệt so với các phương thức kinh doanh truyền thống và có những rủi ro rất đặc thù. Để việc thanh toán bằng thẻ diễn ra thật sự hiệu quả, cần có nhận thức đúng đắn về những rủi ro này để trang bị cho mình những hiểu biết phù hợp nhằm tự bảo vệ mình. Nhiều vụ rủi ro, thiệt hại khi thanh toán bằng thẻ diễn ra một phần cũng do nhận thức của người sử dụng thẻ về vấn đề này còn hạn chế, nhận thức về các biện pháp tự bảo vệ khi thanh toán qua thẻ còn rất thấp. Vì vậy việc nâng cao hơn nữa hiểu biết của chủ

thẻ về phòng ngừa tội phạm thẻ là rất quan trọng. Tuy nhiên, thay đổi và nâng cao nhận thức về an toàn trong thanh toán điện tử là một quá trình lâu dài, cần sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội nhưng vai trò quan trọng nhất vẫn là các ngân hàng và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Việc chuyển đổi công nghệ thẻ còn chậm và còn một khoảng thời gian dài nữa mới hoàn thành. Vì vậy, trong khi chờ đợi các ngân hàng chuyển đổi công nghệ thì việc nâng cao ý thức cho người sử dụng thẻ là cách tốt nhất phòng ngừa tội phạm thẻ thanh toán. Trước hết, đối với chủ thẻ thì cách để giữ cho chắc “túi tiền” của mình, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra như các trường hợp đã nêu trên là họ phải trang bị cho mình những kiến thức chung về cách sử dụng và bảo quản thẻ. Ví dụ như: chủ thẻ không nên cài đặt mã số PIN quá đơn giản, tránh sử dụng mã PIN là những con số liên quan đến bản thân mà nhiều người biết như: số thứ tự, ngày tháng năm sinh, số xe, số điện thoại, số nhà, số chứng minh nhân dân… vì dễ bị lộ và khi mất thẻ, kẻ xấu có thể dò ra mã PIN rút tiền; chủ thẻ nên thay đổi mã số PIN thường xuyên, tốt nhất là sau mỗi lần rút tiền lại đổi một mã PIN mới, hoặc liên tục thay thẻ để thay đổi dữ liệu trên thẻ; cần tránh ghi mã PIN vào sổ tay, sách vở, trên thẻ, lịch làm việc…; nên cất giữ số tài khoản và số PIN ở nơi an toàn và không để hai số này ở cùng một nơi để tránh bị ăn cắp; giữ bí mật tuyệt đối mã PIN của mình, không được để bất kì ai khác biết. Hết sức cảnh giác và tuyệt đối đừng bao giờ chia sẻ hay cung cấp những thông tin về thẻ cũng như các thông tin cá nhân của mình cho người khác.

Nên thực hiện giao dịch (nhất là giao dịch rút tiền) vào ban ngày vì các đối tượng phạm tội thường có xu hướng hoạt động vào ban đêm, khi mà mọi người thường ít cảnh giác, cũng là lúc có ít người rút tiền. Lúc đó các đối tượng sẽ dễ dàng chú ý vào một “nạn nhân” nào đó hơn. Cũng cần hạn chế tối đa việc tra tài khoản thẻ ATM tại các dịch vụ Internet công cộng vì có thể bị hacker cài phần mềm “đón lõng” thông tin bảo mật. Hiện nay việc mua hàng qua mạng và bị kẻ gian lợi dụng để đánh cắp tiền trong thẻ đã trở nên rất phổ biến. Vì vậy khi sử dụng hình thức mua bán này không nên tin tưởng tuyệt đối vào một website nào, dù trang chủ tuyên bố là an toàn (vì nhiều website tuyên bố là có mức độ an toàn cao nhưng chưa chắc là một website mua bán qua mạng an toàn). Khi mua sắm trên mạng chỉ sử dụng những địa chỉ trang web đáng tin cậy.

- Trong giai đoạn tiến hành giao dịch bằng thẻ: khi nhập mã PIN để rút tiền phải đảm bảo không ai thấy được mã PIN của mình. Phải giữ bí mật về mật khẩu, số PIN khi tiến hành các giao dịch trên máy ATM, tránh đọc số tài khoản của mình tại điểm chấp nhận thẻ khi có đông người; bảo mật những thông tin chi tiết liên quan đến thẻ, chỉ cung cấp những thông tin chi tiết khi thanh toán, khi mua hàng bằng thẻ chủ thẻ nên ghi số tài khoản trên giấy rồi đưa cho người bán, sau đó lấy lại tờ giấy này và hủy đi; khách hàng không nên giao thẻ và đưa mã số PIN nhờ người khác rút tiền; khi giao dịch, khách hàng nên kiên nhẫn chờ đợi bởi có khi máy đưa tiền ra chậm và nếu có trục trặc phải báo ngay cho ngân hàng có hướng xử lý.

Cũng không nên thông tin số tài khoản qua điện thoại vì một trong những hình thức gian lận thẻ đã xuất hiện là lấy thông tin qua đường truyền GMS. Mặt khác khi sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng tuyệt đối không nên kí tên trên một hóa đơn trắng mà chủ thẻ nên gạch một dòng suốt các dòng trống ở phía trên dòng tính tiền tổng cộng để tránh kẻ gian in thêm những món hàng mà mình không mua để lấy thêm tiền từ thẻ thanh toán.

Khi mua bán qua mạng: trước khi sử dụng website, nên kiểm tra phần mềm bảo mật của trang web. Hãy cảnh giác kiểm tra từ địa chỉ trang web, bố cục, hình ảnh trang web một cách cẩn thận (vì các trang web giả mạo chắc chắn sẽ có điểm khác biệt với web thật), ví dụ như: những dấu chấm hay gạch ngang ở địa chỉ của trang web, những chữ “s” sau kí hiệu “http” ở địa chỉ trang web hay URL… Để tránh rủi ro chủ thẻ không nên mua hàng ở những nơi mà người bán sử dụng email miễn phí và đừng bao giờ gửi thông tin về thanh toán qua email. Mặt khác, không nên cung cấp sâu thông tin tài chính với người bán. Đặc biệt cần phải nâng cao ý thức cảnh giác khi nhận được những thư, email… yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin về thẻ của mình để tránh bị kẻ gian lợi dụng, vì các ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp những thông tin cá nhân có liên quan tới thẻ qua các hệ thống này.

- Sau khi thực hiện xong giao dịch: Đừng bỏ những biên nhận rút tiền tại nơi rút tiền. Trên các biên nhận luôn có ghi các thông tin tài khoản như số tài khoản, số dư (số tiền còn lại trong tài khoản), chính những thông tin này cũng có thể được các đối tượng sử dụng để dò ra những thông tin cần thiết khác về tài khoản của chủ tài khoản bằng các thủ đoạn khác; lưu lại mọi hóa đơn, các hồ sơ các giao dịch đã tiến hành để đối chiếu khi có sự cố cũng rất cần thiết; hủy bỏ các bản sao hóa đơn, vé máy bay… có ghi số thẻ thanh toán; kiểm tra các giao dịch, ngay cả những giao dịch nhỏ nhất vì tội phạm thẻ thường thử sử dụng các tài khoản ăn cắp bằng cách mua những mặt hàng ít giá trị trước; báo ngay với ngân hàng khi thấy có những giao dịch hay email đáng nghi.

Thường xuyên kiểm tra tài khoản của mình, xem lại cẩn thận báo cáo tài khoản hàng tháng để kiểm soát và phát hiện những khoản tiền bị rút hoặc sử dụng mà mình không biết. Các khoản thanh toán bằng tài khoản của chủ tài khoản luôn được ngân hàng lưu lại một cách chi tiết. Chủ tài khoản nên thường xuyên yêu cầu ngân hàng cung cấp các thông tin này để kiểm tra. Nếu có gì bất thường phải lập tức thông báo cho ngân hàng và khóa tài khoản lại. Nếu như chủ tài khoản gặp vấn đề liên quan đến tài khoản của mình, tốt hơn hết là nên liên lạc trực tiếp với ngân hàng, hạn chế việc thực hiện thông qua Internet. Với sự cẩn thận như vậy thì sẽ hạn chế rất nhiều rủi ro có thể gặp phải.

Bên cạnh đó, người sử dụng thẻ cần có những hiểu biết để chủ động phòng ngừa các thủ đoạn của tội phạm thẻ thanh toán. Qua những thông tin về các thủ đoạn mà các đối tượng tội phạm thẻ thanh toán đã tiến hành có thể nhận thấy rằng nhiều thủ đoạn phạm tội của chúng rất đơn giản, người sử dụng thẻ có thể dễ dàng phát hiện và tránh được việc bị

mất tiền trong tài khoản nếu biết cách phòng tránh. Người sử dụng thẻ nên tìm hiểu một số kinh nghiệm phát hiện những thủ đoạn này để chủ động phòng ngừa với tội phạm thẻ thanh toán, bảo vệ tài khoản của mình (biện pháp để phòng ngừa các thủ đoạn của tội phạm thẻ thanh toán được trình bày ở phần phụ lục 9).

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật trong quần chúng nhân dân; nhất là trong các trường phổ thông, các trường đại học, cao đẳng… để sớm trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức pháp luật, hiểu được những hành vi nào là vi phạm pháp luật, mức độ nguy hiểm, chế tài xử lý và nâng cao ý thức pháp luật ngay từ trên ghế nhà trường, nhất là đối với những học sinh, sinh viên có kiến thức về công nghệ thông tin.

Một phần của tài liệu Tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam - Một số đề xuất đối với công tác phòng, chống”. (Trang 38 - 41)