Do hoạt động phạm tội có thể tiến hành dễ dàng và nguồn lợi bất chính thu được rất lớn

Một phần của tài liệu Tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam - Một số đề xuất đối với công tác phòng, chống”. (Trang 26 - 29)

thu được rất lớn

Hiện nay việc dùng kỹ thuật để xâm nhập và trộm các tài khoản ngân hàng hoặc các dữ liệu, thông tin tài khoản trên thẻ thanh toán điện tử trở nên khá dễ dàng. Nhiều người nghĩ rằng tội phạm thẻ là những người rất giỏi về công nghệ thông tin vì thủ phạm sử dụng công nghệ cao để “tấn công” đánh cắp thông tin tài khoản, nhưng thật sự về mặt công nghệ thì việc lấy các tài khoản ngân hàng của người sử dụng thẻ không có gì phức tạp và cần phải “trình độ cao” như nhiều người lầm tưởng. Đối với bọn tội phạm máy tính chuyên nghiệp, các hacker nhà nghề, thậm chí sinh viên, học sinh chỉ cần có kiến thức, hiểu biết nhất định về máy tính, mạng máy tính và phương thức xâm nhập đánh cắp thông tin tài khoản là đã có thể phạm tội một cách tương đối đơn giản. Trên mạng Internet tại các diễn đàn của “thế giới ngầm”, các hacker thường tung lên khá nhiều các mã thẻ tín dụng mà chúng lấy được bằng nhiều cách. Để tìm một vài mã tài khoản với dân IT giờ đây thật sự là chuyện rất dễ dàng vì trên một số forum như www.ma..., www.diendan..., www.thetindung... có cả hàng loạt dãy số tài khoản tín dụng mà các hacker đã đánh cắp tung lên cho thành viên khai thác thoải mái. Và những người vào đó chỉ cần lấy về, điền những thông tin có sẵn vào các giao dịch là có thể thực hiện việc mua hàng tức thời nếu các công ty bán hàng qua mạng chấp nhận [34, tr.1].

Hiện nay, trên rất nhiều các trang web, các forum về hacker như hackervn.net, www.proxy4free.com, http://thetindung.info, www.findnot.com, http://rrdb.org, www.epassport.com... các hacker từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư luôn chia sẻ cho nhau các cách thức xâm nhập vào mạng máy tính, cách thức đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân, chống bảo mật các thông tin tài khoản cá nhân… [1, tr.3], các trang này không ngừng được thay đổi tên miền (domain) khác nhau để tiếp tục hoạt động khi bị phát hiện ra. Nguy hiểm hơn, các hacker còn đưa lên mạng những bài viết hướng dẫn một cách tỉ mỉ các bước xâm nhập trộm thông tin tài khoản cá nhân như vượt tường lửa (firewall), sock IP (thuật ngữ dùng để chỉ việc tấn công, lấy địa chỉ IP của một máy tính nhất định), fake IP (thuật ngữ dùng để chỉ việc giả mạo một địa chỉ IP), cài các chương trình trojan để đánh cắp mật khẩu (password), tài khoản (account), cookies… Khi đọc những bài này, chỉ cần có hiểu biết nhất định về máy tính và mạng máy tính là có thể thực hiện được như theo chỉ dẫn.

Thông tin về loại hoạt động phạm tội này tương đối nhiều và dễ tìm kiếm. Nếu vào trang Google tìm kiếm về những chữ skimming, card trapping… thì sẽ có hàng trăm trang có liên quan đến các chiêu thức trộm tiền này. Ngoài ra còn có tìm thấy nhiều hình ảnh về các loại thiết bị dùng để bẫy thẻ ATM hoặc sao chép thông tin từ tài khoản. Ở Việt Nam hiện nay cũng xuất hiện rất nhiều casher (những người trộm thông tin tài khoản), spamer người Việt với đủ loại nick name trên mạng (như hora_, tuanpham_, black cash_, tayninhb_...) và một số forum tín dụng của người Việt (thetindung, vietexpert…) nên bọn tội phạm có thể dễ dàng trao đổi thông tin và kinh nghiệm với nhau. Ngoài ra còn trao đổi với một số đối tượng ở những quốc gia khác (Nhật, Đức, Mỹ…) làm cho bọn tội phạm có thể khai thác thông tin về các loại thẻ thanh toán cũng như thủ đoạn trộm tiền nhanh chóng hơn [33, tr.2].

Nguy hiểm hơn, để phi tang chứng cứ xâm nhập của mình và khiến lực lượng công an không thể lần ra dấu vết, các hacker lại phát tán thông tin cá nhân ăn cắp được lên diễn đàn hoặc các trang web chuyên về hack. Những chủ đề như “Ship hàng qua mạng”, “Tổng hợp hack account sưu tầm”, “Ba bước để ship hàng về Việt Nam thành công”, “Hack qua SQL” xuất hiện nhan nhản trên các forum, tận tình hướng dẫn thành viên các phương pháp thực hiện giao dịch giả. Nếu trang bán hàng nào đó chặn IP từ Việt Nam, người ta sẽ lập tức tìm thấy mánh khóe đối phó ở chùm bài viết về “fake IP”, “change proxy”, “sock IP”, chưa kể danh sách một loạt website chuyên cung cấp số IP ở Mỹ, Đức, Áo... miễn phí.

Không chỉ việc đột nhập đánh cắp thông tin tài khoản trở nên đơn giản hơn mà việc làm giả thẻ cũng cực kỳ đơn giản, nhanh chóng. Chỉ cần một thiết bị đơn giản gồm một bảng mạch điện tử, hai đầu đọc băng từ là có thể thực hiện việc sao chép toàn bộ dữ liệu thẻ do ngân hàng phát hành sang một thẻ trắng một cách đơn giản. Thiết bị này tự làm rất dễ hoặc mua hoặc mua trên mạng Internet chỉ với giá khoảng 25 USD [35, tr.6]. Thông qua một số diễn đàn hacker trên thế giới hoặc chỉ với vài thủ thuật nhỏ trên Google, có thể tìm ra website rao bán chiếc máy tạo thẻ ATM giả trên Internet rồi sau đó shipping về Việt Nam. Chỉ cần

khoảng 25 USD để mua một chiếc máy làm giả thẻ trên mạng, và cần khoảng 5 phút để thao tác tạo ra một thẻ giả nhưng thông tin tài khoản trên thẻ thì hoàn toàn thật, do đây là thông tin thật đã được đánh cắp. Do đó việc làm giả thẻ ngày càng phổ biến.

Mặt khác, môi trường tiến hành hoạt động phạm tội của tội phạm thẻ chủ yếu là môi trường điện tử, dấu vết để lại là dấu vết số rất khó khăn trong phát hiện và thu thập chứng cứ. Trong khi đó thủ phạm thường là những người có trình độ hiểu biết, luôn tìm cách xoá dấu vết để che giấu hành vi phạm tội. Chính những vấn đề này làm cho tội phạm trộm tiền trong tài khoản thẻ thanh toán điện tử trở nên “ẩn” hơn, khó phát hiện hơn.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho việc bảo mật vẫn còn thiếu thốn gây khó khăn trong việc bảo mật. Đồng thời, việc trang bị phương tiện kỹ thuật và kiến thức nghiệp vụ điều tra cần thiết cho cán bộ phòng chống loại tội phạm công nghệ cao này vẫn còn hạn chế. Điều này làm cho việc đấu tranh, điều tra chống loại tội phạm này trở nên khó khăn.

- Bên cạnh đó, một phần cũng do nguồn lợi bất chính thu được từ hoạt động phạm tội này rất lớn (hàng triệu, thậm chí hàng tỉ đồng) cho nên bọn tội phạm luôn tìm cách thực hiện hành vi phạm tội nhằm đạt được nguồn lợi này.

Đối với bọn tội phạm liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng thì mục đích chính mà chúng thường nhắm đến là lợi ích kinh tế, còn với bọn tội phạm thẻ, mục đích của chúng chính là tiền. Với việc chỉ bỏ ra công sức tìm tòi, học hỏi và một ít chi phí nhưng nguồn lợi bất chính thu về là rất lớn cho nên các đối tượng không dễ dàng từ bỏ hoạt động phạm tội của mình. Khi đã thực hiện được một lần hành vi phạm tội thì chúng sẽ thực hiện những lần tiếp theo, rất khó cưỡng lại vì ma lực của đồng tiền bất chính có sức lôi kéo rất lớn. Các đối tượng có thể đánh cắp tới hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ đồng hoặc mua được một lượng hàng hoá rất lớn mà không cần phải thanh toán tiền. Chỉ cần đánh cắp mỗi tài khoản 20 USD, bọn tội phạm thừa sức giàu to vì với cường độ làm việc của một tội phạm thì một ngày chúng có thể rút được khoảng 30 triệu đồng Việt Nam (rút bằng nhiều thẻ khác nhau) và trung bình một năm chúng có thể kiếm được hàng tỉ đồng Việt Nam [1, tr.3].

Thực tế các vụ đã được cơ quan điều tra xử lý cho thấy, nguồn lợi mà các đối tượng thu được từ hoạt động này là không nhỏ. Như vụ trộm tiền từ thẻ ATM giả do Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1986, giám đốc công ty RC) cùng các đối tượng đã có hành vi lừa đảo lấy cắp thông tin từ những chiếc thẻ thật và sau đó tổ chức in và sử dụng những chiếc thẻ đó để rút trót lọt hàng tỉ đồng (khoảng trên 1,6 tỉ đồng). Chỉ riêng đối tượng Nguyễn Anh Tuấn cho đến khi bị bắt trong vòng 4 tháng đã rút gần 1 tỉ đồng; hai vợ chồng Nguyễn Lê Việt đã rút trộm trên 2,6 tỉ đồng; chỉ trong vòng 2 tháng từ tháng 6 đến tháng 8/2004, hai đối tượng Nguyên Howard (quốc tịch Mỹ) và Aria Fardin (quốc tịch Canada) đã sử dụng hai thẻ tín dụng American Express (AMEX) do ngân hàng Mỹ và Canada phát hành thực hiện một số giao dịch rút tiền bất hợp pháp rút tổng cộng 2,2 tỉ đồng từ các máy ATM của Vietcombank

ở Hà Nội, Nha Trang và thành phố Hồ Chí Minh [16, tr.43]. Cũng xuất phát từ tâm lý cảm thấy “dễ ăn”, từ việc chỉ ăn trộm một số tiền nhỏ, dần dần các đối tượng ngày càng trộm nhiều hơn, không chỉ trộm tiền trong tài khoản một vài thẻ, mà lên đến hàng trăm, thậm thí hàng ngàn tài khoản thẻ.

Nguyên nhân này cũng xuất phát một phần từ việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, sự tự nhận thức đúng sai trong mỗi đối tượng. Ta có thể thấy rằng, một phần không nhỏ các đối tượng phạm tội là sinh viên, học sinh, những người vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Chính vì việc giáo dục ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, chưa thể làm cho các đối tượng nhận thức được việc làm của mình là rất nguy hiểm, hậu quả sẽ rất lớn so với những khoản thu bất chính mà mình có được, điều này đã góp làm cho tình hình tội phạm ngày càng trở nên phức tạp.

Một phần của tài liệu Tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam - Một số đề xuất đối với công tác phòng, chống”. (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(51 trang)
w