Hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến tội phạm thẻ thanh toán chưa hoàn thiện

Một phần của tài liệu Tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam - Một số đề xuất đối với công tác phòng, chống”. (Trang 29 - 33)

hoàn thiện

Hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan vẫn chưa hoàn thiện, vẫn còn nhiều sơ hở để các đối tượng có thể lợi dụng để hoạt động phạm tội. Trong BLHS năm 1999 chưa có điều khoản nào quy định về hành vi làm giả thẻ thanh toán này là tội phạm. Do đó công tác điều tra xử lý loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay trong thực tiễn việc xét xử đối với các vụ án đã được phát hiện còn thiếu thống nhất trong việc định tội danh đối với hành vi làm, sử dụng thẻ giả để mua hàng hóa hoặc rút tiền tại máy rút tiền tự động. Có thể thấy rõ điều này qua một số vụ án điển hình như:

Năm 2001 tại bản án số 199/HSHT, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử đã xét xử Lê Đồng N - Việt kiều Canada cùng đồng bọn đã sử dụng thẻ tín dụng giả rút tiền tại các ngân hàng ở Việt Nam. Lê Đồng N và đồng bọn đã rút được trên 2000 USD thì bị bắt, khi khám xét cơ quan công an đã thu giữ 14 thẻ tín dụng giả khác cùng loại nhưng chưa sử dụng. Tội danh được Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm xác định là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (theo điều 139 BLHS 1999).

Bản án số 828 ngày 26/5/2004 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử Nguyễn Công H – Việt kiều quốc tịch Mỹ đã có hành vi sử dụng thẻ tín dụng giả rút tiền tại quầy thu đổi ngoại tệ và mua hàng ở các cửa hàng vàng bạc, tổng số tiền mà H và đồng bọn đã chiếm đoạt là 42489 USD và tội danh được áp dụng là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (theo điều 139 BLHS 1999).

Bản án số 581 ngày 15/4/2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xử bị cáo Wong Chi F người Đài Loan và đồng bọn có hành vi dùng thẻ tín dụng giả mua hàng ở các cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng với tổng số tiền trên 1,5 tỉ đồng và khi đang tiếp tục sử dụng thẻ tín dụng giả thanh toán tiền mua hàng thì bị bắt. Tòa án sơ thẩm đã

áp dụng điều 181 BLHS năm 1999 với tội danh “tàng trữ, lưu hành các giấy tờ có giá giả khác” và tòa cấp phúc thẩm cũng thống nhất định tội này [8, tr.26].

Ngày 16/3/2007, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt cáo trạng số 05/VKSTC-V1B, truy tố 10 bị can do Nguyễn Anh Tuấn cầm đầu trong vụ án trộm tiền qua thẻ ATM. 10 hacker phần lớn là các sinh viên công nghệ, đã rút trộm 1,6 tỉ đồng thông qua việc làm thẻ ATM giả. 10 bị can trong vụ án bị truy tố với tội danh “trộm cắp tài sản” (theo điều 138 BLHS 1999) [18, tr.2].

Như vậy, thực tiễn xét xử trong thời gian qua có các quan điểm khác nhau trong việc đinh tội danh về hành vi dùng thẻ thanh toán giả để mua hàng hóa, để rút tiền tại các máy rút tiền tự động của ngân hàng. Đó là: định tội là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 139 BLHS năm 1999; định tội là “tàng trữ, lưu hành các giấy tờ có giá giả khác” theo điều 181 BLHS năm 1999; định tội là “trộm cắp tài sản” theo điều 138 BLHS năm 1999. Việc định tội danh theo các điều luật như trên là có những cơ sở hợp lý nhất định. Song tuy vậy, việc định tội danh như trên vẫn có những điểm bất hợp lý:

Về tội “trộm cắp tài sản” điều 138 BLHS năm 1999 quy định: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 500 nghìn đồng… thì bị phạt…”. Về mặt khoa học, tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người khác quản lý.

Nếu nhìn về hình thức và đơn giản hóa hành vi phạm tội thì quan niệm cho rằng dữ liệu mật mã của thẻ tín dụng như một chìa khóa để mở két bạc. Người trộm cắp mật mã của thẻ và làm thẻ giả là quá trình “chế tạo chìa khóa” và coi nơi trả tiền tự động của các ngân hàng chỉ là “két đựng tiền” thì việc dùng “chìa khóa – thẻ giả” mở “két bạc” của ngân hàng – máy chi trả tiền mặt để lấy tiền như nêu trên thì có thể coi là “lén lút” đối với người quản lý tài sản, đó là các ngân hàng. Hoặc người phạm tội sử dụng mật mã của thẻ thật của người khác để mua hàng hóa qua trang web mua bán trực tuyến hoặc để rút tiền tại các máy rút tiền tự động của các ngân hàng làm cho số tiền trong tài khoản của người có thẻ mất đi một số tiền nhất định, mà người có số tiền đó không hay biết khi có việc chiếm đoạt xảy ra. Do vậy, quan điểm định tội “trộm cắp tài sản” là có cơ sở nhất định, song quan điểm này còn có những điểm bất hợp lý như sau:

Hành vi dùng mật mã của thẻ giả thực hiện việc mua bán trên mạng qua trang web mua bán trực tuyến diễn ra hoàn toàn công khai mà trung tâm quản lí mạng của ngân hàng đều biết có sự giao dịch đang được tiến hành. Trường hợp này không thể coi là hành vi lén lút được. Hoặc người phạm tội dùng thẻ thanh toán giả, thanh toán trực tiếp với cơ sở bán hàng cũng diễn ra công khai trước mắt người bán hàng và do tin rằng thẻ đó là thật nên mới giao hàng hóa cho người phạm tội. Do đó cũng không thể coi các trường hợp này là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản. Với những người dùng thẻ giả để rút tiền tại các máy rút tiền tự động về thực chất “thẻ giả” nhưng chứa đựng toàn bộ thông tin dữ liệu như thẻ thật 100%. Do vậy mới

làm cho cơ quan ngân hàng – máy rút tiền tự động tin là thẻ thật nên đã giao tiền. Với các trường hợp chiếm đoạt tài sản nêu trên, nếu định tội danh “trộm cắp tài sản” cũng có những yếu tố bất hợp lý, không phản ánh đúng được bản chất của hành vi phạm tội.

Về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” điều 139 BLHS năm 1999 quy định như sau: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500 nghìn đồng…thì bị phạt…”. Nếu đánh giá một cách tổng quát, người phạm tội bằng nhiều thủ đoạn gian dối để có được số mật mã của thẻ thật của khách hàng và công đoạn cuối cùng là dùng thẻ giả để rút tiền… hay mua hàng hóa qua mạng Internet đã thể hiện đầy đủ bản chất của tội lừa đảo đó là “bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản…”. Gian dối với chính người quản lí tài sản là các ngân hàng, các cơ sở phát hành các loại thẻ. Bởi do hành vi gian dối làm thẻ giả mới tạo nên sự nhầm lẫn của hệ thống máy tính – người quản lý tài sản đã được tự động hóa… Hơn nữa về mặt chủ quan, người chiếm đoạt tài sản biết rõ hành vi rút được tiền của ngân hàng hay mua được hàng hóa là kết quả của sự gian dối. Có thể thấy ở đây là sự thống nhất giữa mặt khách quan với yếu tố chủ quan của người phạm tội. Cho nên việc định tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cũng là một hướng trong xét xử. Tuy nhiên, nếu quy vào tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cũng chưa thật sự thích đáng với loại tội phạm mới này. Vì loại tội phạm này có những đặc trưng riêng mà chỉ xét về hành vi lừa đảo không thì chưa đủ.

Về tội “lưu hành các giấy tờ có giá giả khác” điều 181 BLHS năm 1999 quy định: “Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác thì bị phạt…”. Nếu cho rằng thẻ giả là đối tượng có giá giả là đúng, nhưng coi là giấy tờ có giá giả thì chưa hợp lý. Hơn nữa, hành vi lưu hành séc giả, giấy tờ có giá giả khác về mặt khoa học là xâm phạm đến khách thể - chế độ quản lý, lưu thông tài chính của Nhà nước – đến trật tự quản lý kinh tế. Còn hành vi dùng thẻ tín dụng giả để thanh toán trong giao dịch mua bán hay để rút tiền ở các ngân hàng là xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác. Như vậy, về bản chất hai loại hành vi là khác nhau. Một điều bất hợp lý nữa là nếu coi hành vi dùng thẻ giả thanh toán trong mua bán hàng hóa là hành vi “lưu hành giấy tờ có giá giả khác” theo điều 181 BLHS năm 1999 thì hành vi sử dụng dữ liệu mật mã của thẻ để mua hàng hóa và thanh toán qua mạng Internet (không được thể hiện cụ thể bằng thẻ giả trên thực tế) không thể coi là “lưu hành giấy tờ có giá giả khác”, mặc dù cả hai trường hợp về mặt bản chất là giống nhau. Điều này rõ ràng là bất hợp lý, và cho đến nay cũng chưa có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thích coi “thẻ thanh toán giả” là “giấy tờ có giá giả”. Do vậy, hành vi dùng thẻ giả để thanh toán trong giao dịch mua bán hay để rút tiền mà định tội là “lưu hành giấy tờ có giá giả khác” là chưa thỏa đáng.

Tóm lại, việc định tội danh theo hành vi trong khuôn khổ các điều luật quy định hiện nay là chưa đủ, mà cần phải xét đến yếu tố chủ thể. Vì đặc trưng của loại tội phạm này là chủ thể thường là những người có trình độ cao về công nghệ thông tin, chúng có thể thực

hiện hành vi phạm tội ngay từ khi còn rất trẻ, thậm chí chưa đủ tuổi quy định phải chịu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, tội phạm thẻ thanh toán sử dụng công nghệ cao (máy tính, máy làm giả thẻ, thiết bị kỹ thuật chuyên dùng…), chúng có những nét đặc trưng về hành vi phạm tội cũng như hậu quả thiệt hại gây ra. Vì vậy, cần thiết phải có những điều luật riêng quy định về loại tội phạm này trong BLHS. Đây là điều mà hiện nay chúng ta vẫn còn chưa thực hiện được.

Một phần của tài liệu Tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam - Một số đề xuất đối với công tác phòng, chống”. (Trang 29 - 33)