trong tình hình hiện nay
Rủi ro trong quá trình kinh doanh thẻ, ngoài thiệt hại đối với chủ thẻ thì những thiệt hại về vật chất và uy tín đối với ngân hàng trong phát hành và thanh toán thẻ là không nhỏ. Do đó việc ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro trong quá trình phát hành và sử dụng thẻ thanh toán đang là mối quan tâm chung của mọi chủ thể tham gia trong quá trình này. Loại tội phạm trộm tiền trong tài khoản thẻ thanh toán hiện đang có xu hướng ngày càng tăng nhanh và thiệt hại do hoạt động của chúng gây ra ngày càng lớn. Chính vì vậy, nhất thiết chúng ta phải có những giải pháp tổng thể để có thể phòng chống loại tội phạm này. Không chỉ “chống” mà phải có những biện pháp để chủ động phòng ngừa, phát hiện những hành vi phạm tội của các đối tượng này. Để có được những giải pháp thực sự có hiệu quả cả ở tầm vĩ mô và vi mô là điều không hề đơn giản, và vẫn đang là vấn đề thách thức đối với cả những nhà quản lý, các ngân hàng, tổ chức tài chính tín dụng và nhất là đối với những người đang sử dụng thẻ thanh toán điện tử như một phương tiện thanh toán không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm thẻ thanh toán đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan Công an và ngân hàng, ngoài ra còn phải phối hợp với các cơ quan chức năng và một số cơ quan, tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực thương mại điện tử. Sự phối hợp này thời gian qua chỉ mang tính tạm thời theo từng vụ việc xảy ra mà chưa có cơ chế phối
kết hợp đồng bộ, rõ ràng. Thiếu sự trao đổi thông tin cũng như kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm giữa các cơ quan trên. Đây là vấn đề có ảnh hưởng rất lớn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm thẻ thanh toán trong thời gian tới ở nước ta.
Lực lượng cán bộ công an trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra còn hạn chế về trình độ, thiếu kiến thức chuyên môn về loại tội phạm này. Mặt khác, lại không được cập nhật kịp thời những kiến thức cần thiết về phương thức thủ đoạn phạm tội của tội phạm thẻ thanh toán để phục vụ hoạt động điều tra của mình. Trong khi đó cán bộ, nhân viên ngân hàng chỉ có kiến thức phòng ngừa, không đủ kiến thức để phát hiện cũng như điều tra đối với loại tội phạm này.
Các văn bản pháp luật có liên quan về loại hành vi phạm tội này chưa được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Trong thời gian tới có thể sẽ có những sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến loại tội phạm này, nhưng cũng phải mất một khoảng thời gian nhất định nữa (ít nhất là một vài năm). Vì vậy công tác điều tra xử lý đối với loại tội phạm này vẫn còn gặp phải những vướng mắc, cản trở nhất định làm ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chung.
Công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm thẻ thanh toán trong thời gian vừa qua đã được sự quan tâm, chú ý nhiều hơn của ngành Công an và các ngân hàng cũng như của toàn xã hội. Xuất phát từ tính cấp bách của tình hình và đòi hỏi của thực tiễn, các đơn vị chuyên môn phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này đã được thành lập và ngày càng hoàn thiện. Đồng thời việc phối hợp cộng tác giữa các cơ quan chức năng của nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới cũng được tăng cường. Vì vậy chúng ta có điều kiện để trao đổi, cập nhật thông tin cũng như tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm của các nước về vấn đề này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước cũng như cơ quan Cảnh sát quốc tế Interpol trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.
Trên cơ sở những thuận lợi và khó khăn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm thẻ thanh toán trong thời gian vừa qua, trong phạm vi đề tài này, tác giả mạnh dạn đưa ra một số đề xuất nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm thẻ thanh toán ở Việt Nam trong tình hình hiện nay: